Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo: Vùng kinh tế chiến lược của khu vực Bắc Trung bộ

– Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ biến những thế mạnh tiềm năng của Hà Tĩnh thành hiện thực, góp phần sớm đưa nước ta tiến mạnh ra "biển lớn".

Nằm trên quốc lộ 8A qua biên giới Việt-Lào, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây cũng là cửa ngõ ngắn nhất để nước bạn Lào và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hướng ra biển Đông, phát triển quan hệ với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Châu Úc và Bắc Mỹ qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh. Từ khi thành lập (1998) đến nay, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thực hiện công tác đầu tư trực tiếp tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo 82 dự án, công trình với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Với nguồn vốn đã đầu tư nói trên đã biến khu kinh tế với cơ sở hạ tầng từ vùng khó khăn về giao thông, thiếu thốn các công trình thiết yếu như: Trường học, bệnh viện, trạm xá… nay đã hình thành một đô thị khang trang, hệ thống giao thông đến tận các xã trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh nơi biên giới… Để khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm phát triển khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thành khu vực kinh tế năng động của Hà Tĩnh, ngày 19/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh thay thế cho Quyết định số 177/1998/QĐ-TTg ngày 15/9/1998 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu kinh tế này. Theo đó, Chính phủ khuyến khích và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại vào Khu kinh tế và quảng bá môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước. Ngoài những quy định về xuất- nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; xuất - nhập cảnh, lưu trú, đi lại; chế độ tài chính; quản lý Nhà nước… Quy chế còn nêu rõ các chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; ưu đãi về thuế xuất - nhập khẩu và ưu đãi về tín dụng… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đến năm 2025, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính 4 xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích tự nhiên là 56.685 ha. Đây là một Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm nghiệp; là trung tâm kinh tế văn hóa, dịch vụ du lịch của tỉnh Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hiện đại và là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế trên hành lang kinh tế Đông Tây. Theo quy hoạch, định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế này sẽ phát triển các khu chức năng tập trung với cấu trúc không gian phù hợp điều kiện địa hình tự nhiên, địa chất khu vực phía Bắc tuyến đường Quốc lộ 8A. Các công trình tại đây được phân bố dọc theo các triền núi, triền đồi, kết thúc ở các quảng trường và không gian mở ven sông. Không gian quy hoạch xây dựng phát triển Khu kinh tế có tổng diện tích đất là 12.500 ha được quy hoạch thành các khu chức năng kết nối linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển, bao gồm các khu đô thị, khu dân cư +nông thôn, khu đất công nghiệp, trang trại, các khu du lịch sinh thái, khu công viên cây xanh đô thị, quảng trường công cộng và trung tâm thể dục thể thao... Trong đó, các khu đô thị có tổng diện tích khoảng 465 ha, được phân bố tại khu vực cửa khẩu, khu vực thị trấn Tây Sơn hiện nay mở rộng ra phía Nam sông Ngàn Phố 225 ha, khu vực cổng B 144,5 ha và khu vực Đại Kim 83 ha. Theo quy hoạch đợt đầu đến năm 2015, sẽ xây dựng các khu chức năng chính trên khoảng 1.219 ha. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh (Cau Treo Border gate Economic Zone – Ha Tinh Province) có tổng diện tích 56.685 ha với dân số hiện nay hơn 2 vạn người, chung đường biên giới với nước bạn Lào 40 km, có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; cách thành phố Hà Tĩnh 75 km, cách thành phố Vinh, Nghệ An 65km về phía Tây, cách cửa khẩu bản Pheng (Thái Lan) 220 km, có đường quốc lộ 8A đi qua, là con đường ngắn nhất từ vùng Trung, Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan ra Biển Đông của Việt Nam. Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo được quy hoạch phát triển theo các khu vực chức năng gồm: Khu vực Cửa khẩu Cầu Treo; Khu thương mại Du lịch sinh thái nước Sốt; Khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị sinh thái Đá Mồng; Khu đô thị thị trấn Tây Sơn; Khu Thương mại – Công nghiệp Hà Tân. (Ảnh tư liệu) Nằm giữa trung tâm của nhiều mối liên kết giao thông xuyên lục địa Đông – Tây và xuyên đại dương đầy tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng. Đây là cùng kinh tế quá cảnh cho 8 tỉnh của 3 nước sử dụng đường 8A, xuyên suốt các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân và kết nối với thành phố Vinh, (Nghệ An). Ngoài quốc lộ 8A đi Cửa khẩu Cầu Treo, khu kinh tế này còn kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam và đường sắt Bắc-Nam chạy qua, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, có khả năng xây dựng vùng hấp dẫn đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến, lắp ráp… Đây sẽ là vùng tạo ra giá trị thương mại, công nghiệp và dịch vụ lớn, là động lực thúc đẩy đầu tư, tăng cường dịch vụ, tạo sự nhộn nhịp trong buôn bán, trao đổi hàng hóa tại khu vực. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo có hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm đến gần 80% diện tích, trong đó rừng nguyên sinh trên 20 ngàn ha, có mỏ thiếc Sơn Kim trữ lượng lớn, mỏ nước khoáng nóng Sơn Kim nằm trong vùng quy hoạch khu du lịch nước Sốt. Diện tích rừng lớn, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn còn mang đậm nét hoang sơ, khí hậu trong lành là điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài. Đóng vai trò là Khu kinh tế động lực phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ với nhiều lợi thế để phát triển về các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và công nghiệp gia công, lắp ráp hàng dân dụng…, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo còn đang gặp một số khó khăn nhất định. Đồng chí Trần Báu Hà, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo cho biết, do vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn quá ít chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế nên chưa có mặt bằng để giao cho các Nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào Khu kinh tế (năm 2008 được 20 tỷ, năm 2009 được 40 tỷ, năm 2010 được 95 tỷ, trong khi đó nhu cầu thiết yếu cũng phải cần trên 2000 tỷ đồng), công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, chính sách không đồng bộ cộng với lợi thế cạnh tranh kém hơn so với các Khu kinh tế vùng đồng bằng ven biển cũng là một trong những hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó để phát triển khu kinh tế theo đúng mục tiêu Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trần Báu Hà nói: “Ban Quản lý đã tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp địa phương trong Khu kinh tế đồng thời với việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để thu hút đầu tư từ bên ngoài vào Khu kinh tế...”. Ngay sau khi có Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu đầu tư ­ vào Khu kinh tế. Đến nay đã có 09 Dự án đầu tư vào Khu kinh tế được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn gần 2000 tỷ đồng và trên 120 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong khu kinh tế (chủ yếu tập trung tại thị trấn Tây Sơn, thị tứ, các cụm dân cư tập trung các xã trong Khu kinh tế). Việc phát triển các doanh nghiệp do nhân dân trong vùng kinh tế làm chủ bước đầu đã tạo ra việc giao thương, hàng hóa và giải quyết việc làm; thúc đẩy hoạt động giao thương xuất, nhập khẩu tại Khu kinh tế. Hoạt động thương mại và xuất nhập cảnh cũng có nhiều đổi mới và hiệu quả. Cơ chế chính sách đã được tháo gỡ sau nỗ lực dài ngày của cả Ban quản lý và lãnh đạo tỉnh… Hiện nay, Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với nước bạn Lào và các nước láng giềng; Tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước; Tạo mọi điều kiện để thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn hỗ trợ mục tiêu hàng năm được cấp theo kế hoạch để có thêm vốn xây dựng hạ tầng Khu kinh tế; Xã hội hóa đầu tư một số hạng mục hạ tầng trong Khu kinh tế; Ưu tiên đẩy nhanh hạ tầng Khu vực cổng kiểm soát nội địa (Cổng B) và hạ tầng Khu công nghiệp Đại Kim để giao mặt bằng cho các dự án đầu tư đã được cấp phép; Từ đó tạo việc làm, thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung xây dựng đô thị miền núi, tạo vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm tới, với nhiều dự án hạ tầng thiết yếu tổng số vốn hơn 2000 tỷ đồng, như: Đường tìm kiếm, cứu hộ, lánh nạn kết hợp phát triển kinh tế - xã hội phía Tây huyện Hương Sơn; Hạ tầng cổng B; Hạ tầng khu Công nghiệp Đại Kim; Hạ tầng khu tái định cư Hà Tân; Khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Đá Mồng; Quy hoạch và xây dựng mở rộng khu vực giữa hai cửa khẩu Cầu Treo- Nậm Phao; Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp với Quốc Môn; Chỉnh trang và xây dựng đồng bộ hạ tầng Khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Khu công nghiệp, thương mại, đô thị Hà Tân… sẽ từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tạo cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư. Bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phấn đấu đưa Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo trở thành một trong những vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh và của toàn khu vực Bắc Trung Bộ./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=411556&co_id=30066