Khu di tích Pác Bó cần được quan tâm

Cao Bằng là một điểm dừng chân lý tưởng cho những hành trình dài, khám phá và trinh phục vẻ đẹp của thiên nhiên, với những danh thắng nổi tiếng như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, hồ Thăng Hen… và, đặc biệt hơn cả ở vùng đất này chính là những di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hang Pác Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, Bàn đá nơi Bác làm việc.

Thế nhưng, khi đặt chân đến khu di tích hang Pác Bó, tôi đã thật sự ngạc nhiên; chẳng phải bởi vẻ đẹp hùng vĩ của non nước nơi đây mà là vì những bất cập của khu di tích này đã tạo nên cảm giác đó. Đầu tiên phải kể đến là khu vệ sinh công cộng, thật khó có thể hình dung ở một nơi khách tham quan nườm nượp như vậy mà không có nổi một nhà vệ sinh. Anh bạn tôi sau khi đi hơn ba trăm cây số đường rừng bỗng nhiên “dở chứng”, khốn nỗi, tìm mãi không thấy một nhà vệ sinh nào, chạy ngược chạy xuôi, hỏi han hết người này người nọ tất cả đều cùng… chỉ lên rừng. Mới nghĩ đến thôi đã phát hoảng, tất cả sinh hoạt cứ thiên nhiên như người nguyên thủy nơi hang đá, hốc cây. Lại còn nạn rác thải, mỗi ngày có tới hàng trăm khách tham quan, thôi thì mọi thứ cứ tiện đâu vứt đấy... Bước chân vào hang Pác Bó, một lần nữa tôi thất vọng vì sự thờ ơ, thiếu quan tâm của ban quản lý di tích khi ngay giữa lòng hang chềnh ềnh tấm biển sắt rỉ hoen với dòng chữ lờ mờ “Nơi Bác Hồ thường ngồi câu cá” ở ngay cạnh phản gỗ gần nơi Bác nằm. Nào phải tấm biển ấy nhỏ bé gì cho cam, trong khi lòng hang nước chẳng có nói gì đến cá mà câu. Hay ngay xưa nơi lòng hang này đầy nước và cá? Theo như tôi biết thì đó là tấm biển cũ nơi bờ suối chỗ Bác vẫn ngồi câu, có lẽ do bị hoen rỉ nên người ta đem cất vào hang. Ấy vậy mà tấm biển vẫn hồn nhiên tồn tại nên đã gây hiểu nhầm và phản cảm. Khách tham quan, nhất là người nước ngoài sẽ nghĩ gì khi bước chân đến nơi này? Biết đâu vì không hiểu ngôn ngữ, chữ viết, họ lại cho rằng tấm biển kia cũng là một phần của di tích. Có lẽ vậy, bởi tôi thấy không ít những vị khách nước ngoài giơ máy ảnh chĩa vào tấm biển bấm liên hồi, rồi ngó nghiêng ghi chép những dòng chữ trên đó bằng những nét nguệch ngoạc... Thấy mà buồn thay. Từ cửa hang Pác Bó có một lối nhỏ men ra suối nơi có chiếc bàn đá Bác vẫn ngồi làm việc. Trên đó là chiếc cầu bằng bê tông rêu mốc, thành cầu ngả nghiêng, đứt gẫy, chỉ cần sơ suất khách tham quan có thể rơi xuống lòng nước lổn nhổn đá sắc nhọn. Nếu quan sát có thể thấy vết đứt gãy ngổn ngang đổ rạp đến tận mặt cầu, dám chắc hiện tượng này không phải chỉ mới một hai tuần mà dễ đến vài tháng, thậm chí vài năm là ít. Túi nilon, vỏ đồ hộp rồi thì trăm thứ rác, kín thì được giấu trong hốc đá, lộ liễu thì vứt ven đường, lòng suối thậm chí cả lòng hang cứ đập vào mắt tôi, cũng bởi nhẽ du khách không kiếm được thùng rác công cộng, hoặc có thể thùng rác được đặt ở nơi nào đó kín đáo quá chăng? Từ những bất cập trên, thiết nghĩ, chính quyền địa phương nhất là ban quản lý di tích cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để giải quyết những vấn đề tồn tại. Mong rằng sẽ không còn những cảnh “dở khóc dở cười” ở một nơi di tích lịch sử nổi tiếng này. HOÀNG CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/36/36/81491/Default.aspx