Không thể bó hẹp quyền tự do cư trú của công dân

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Luật Cư trú sửa đổi thế nào thì sửa đổi cũng không thế bó hẹp quyền tự do cư trú của công dân.

Khu vực nội thành các thành phố trực thuộc TƯ quá đông dân cư. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Tôi nghĩ sửa đổi là cần thiết- Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng nói, nhưng làm sao sửa luật phải không ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân. Bởi trong Hiến pháp hiện hành cũng như Hiến pháp sửa đổi đều quy định công dân có quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú cũng đồng nghĩa với quyền được tự do thay đổi nơi cư trú. Luật sửa đổi vì thế không thể bó hẹp quyền đó của công dân.

Tất nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn tán thành với việc “cần có sự điều chỉnh những biện pháp hành chính với mục tiêu “không để tập trung quá đông dân cư vào một khu vực nào đó, ví dụ khu vực nội thành các TP trực thuộc TƯ”. Trong trường hợp như vậy, theo ông Hùng, “những biện pháp hành chính là cần thiết; tất nhiên, cần xem xét ở mức độ chừng mực, nếu không nó sẽ trở thành một rào cản khi thực hiện quyền tự do cư trú của công dân”.

Thảo luận về Luật Cư trú sáng nay- 8.6, một số ĐBQH tán thành với các quy định siết nhập khẩu vào thành phố. Đại biểu TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thủy cho rằng: Nhiều năm qua, hiện tượng di cư ngày càng tăng từ nông thôn ra TP hoặc để sống lâu dài, hoặc để tìm việc làm. Theo bà Thủy, điều này “gây áp lực lên hạ tầng giáo dục, y tế, làm ảnh hưởng tới người có hộ khẩu thường trú”. Nhắc lại nguyên tắc “Việc đảm bảo quyền của người này không được hạn chế quyền của người khác”, nữ ĐBQH nói “hạn chế là phù hợp với điều kiện của từng TP”. Tuy nhiên, bà Thủy đưa ra đề nghị cần bỏ chế độ quản lý dân cư bằng chế hộ khẩu như hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh (Quảng Nam) đã có một bài phát biểu dài về tình trạng “nhiều nhà hàng, khách sạn, bar, karaoke sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp” với phổ biến là tình trạng “không hợp đồng. không người giám hộ và khi bị phát hiện thì nhận là họ hàng”. Trong khi đó, chính việc thiếu các quy định quản lý người lưu trú, tạm trú trong Luật Cư trú và sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý lưu trú, tạm trú đã làm cho “kẻ xấu lợi dụng để xâm hại tình dục, lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em, gây bức xúc XH”.

Trẻ em còn là nạn nhân của tệ nghiện rượu. Nêu con số 4.000 trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, hay chỉ trong năm 2012, 983 trẻ em bị xâm hại tình dục với tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Song song với tình trạng trở thành lao động sớm trong những loại hình lao động nặng nhọc như khai thác cát đá, đào đãi vàng, vị phó chủ nhiệm dẫn số liệu của Viện Lao động xã hội cho biết, hiện có tới 25.000 lao động trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc nguy hiểm. Bà cũng nói tới sự xuất hiện khắp nơi tình trạng trẻ em vùng cao, nhà nghèo phải bỏ học di cư về thành phố để ăn xin, bán vé số, đánh giày.

Bà Minh đề nghị “Cần rà soát các quy định hiện hành- trong đó có Luật Cư trú”- theo đó cần phải bổ sung vào luật quy định: Người đăng ký lưu trú chưa đủ 18 tuổi phải có ý kiến người giám hộ hoặc chứng minh quan hệ gia đình, họ hàng. Bộ Công an cũng cần có quy định kiểm tra đối với việc lưu trú trong khu vực nhà hàng, khách sạn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/quoc-hoi/khong-the-bo-hep-quyen-tu-do-cu-tru-cua-cong-dan/120508.bld