Không nên làm nóng tình hình biển Đông

Bên hành lang QH ngày 8.6, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã dành cho các phóng viên báo chí cuộc phỏng vấn về tình hình an ninh khu vực biển Đông và vai trò của Việt Nam với các nước lớn sau khi Bộ trưởng tham dự Hội nghị an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Thưa Bộ trưởng, nhiều nước đều cho rằng an ninh ở biển Đông rất quan trọng, vậy diễn đàn này nhìn nhận thế nào về những tranh chấp ở đây có những nguy cơ nào cho an ninh khu vực và có giải pháp nào để giải quyết nó? - Tranh chấp trên biển Đông như các bạn đã rõ rồi, 5 nước 6 bên. Nhưng nếu để xảy ra xung đột quân sự thì nó đều ảnh hưởng đến các quốc gia không chỉ khu vực Đông Nam Á, mà cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) và thậm chí là cả thế giới. Nó còn là thảm họa đối với các nước ở khu vực này, do đó để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng nhau phát triển thì đó là lợi ích quốc gia của các nước. Cho nên các nước phải hết sức bình tĩnh, phải hết sức kiềm chế, phải xử lý nó ở tầm cao chiến lược vì lợi ích không phải chỉ của quốc gia, của khu vực, mà còn của thế giới. Để giải quyết vấn đề này thì phải bằng đàm phán hòa bình, phải bằng DOC, bằng luật pháp quốc tế, bằng Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và phải hết sức sáng suốt, hết sức khôn ngoan để không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân về vấn đề biển Đông. Vậy, trong chuyện đó thì quan điểm giữa các nước lớn và các nước ASEAN có gì khác nhau về cách nhìn nhận vấn đề? - Về vấn đề này thì quan điểm của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hoặc các nước khác đều thống nhất với nhau một điểm là phải duy trì môi trường hòa bình ổn định ở trên biển Đông. Tất cả các nước đều nhận thức được điều đó. Duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông không chỉ lợi ích riêng của từng nước, mà còn là cả khu vực và thế giới. Mỹ tuyên bố sẽ không đứng về phía nào, nhưng phải đảm bảo an ninh hàng hải, đảm bảo các hoạt động trên vùng biển quốc tế và bảo vệ lợi ích các công ty của Mỹ và các nước khác làm ăn hợp pháp với các nước khác trong khu vực này. Trung Quốc tuyên bố không bá quyền, không bành trướng và luôn luôn phải xây dựng khu vực hài hòa, thế giới hài hòa, giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước Trung Quốc. Những điều này cũng là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực hiện nay. Vậy diễn đàn này có mở ra hướng để chúng ta giải quyết những căng thẳng về tranh chấp trên biển Đông thời gian qua không? - Hướng mở ra là các nước có lợi ích, có quyền lợi ở đây phải ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau, cùng đưa ra những nhận thức chung về an ninh khu vực, đưa ra những biện pháp để hợp tác mà hợp tác ở đây là hợp tác cấp cao tức là hợp tác Bộ Quốc phòng trong khu vực CA-TBD. Tôi nghĩ điều đó có đóng góp hết sức tích cực, tránh được sự hiểu nhầm, hiểu sai và tránh những xử lý sai về vấn đề trên biển. Điều này là hết sức quan trọng. Hội nghị có đề cập đến sự lo lắng về vấn đề lấn lướt về sức mạnh quân sự của một nước nào trong khu vực này không? - Tình hình hiện nay chưa đến mức như vậy. Quan điểm của chúng ta là nếu Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN, một nước đông dân, kinh tế phát triển mà có đường lối đối ngoại hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam theo tinh thần đối tác, hợp tác toàn diện, phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt thì đó là điều kiện thuận lợi cho chúng ta chứ không phải là mối đe dọa, thách thức với chúng ta. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xây dựng một nước Trung Quốc hòa bình và thế giới, khu vực hòa bình để giữ môi trường hòa bình ổn định để tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước, mở cửa thì đó là những điều kiện thuận lợi. Vậy, còn nội dung cuộc tiếp xúc với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên? - Cuộc tiếp xúc với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc phụ trách về tình báo và đối ngoại, diễn ra trên tinh thần hết sức thân tình, hữu nghị, đúng là tinh thần láng giềng, đồng chí, anh em và là những người bạn tốt của nhau. Hai bên trao đổi thân tình, cởi mở, thẳng thắn tất cả các vấn đề, nhưng điều quan trọng là, chúng ta không làm nóng lên tình hình ở biển Đông. Trên biển Đông là yên tĩnh, tôi chỉ huy quân đội hằng ngày, hằng giờ, tôi nắm tình hình hoạt động của chúng ta hết sức bình thường. Vẫn làm, vẫn hoạt động kinh tế bình thường, hàng hải bình thường, du lịch bình thường, làm ăn bình thường và không có vấn đề gì trở ngại cả. Còn tranh chấp giữa hai bên là lâu dài do vấn đề lịch sử để lại. Nhưng mà điều quan trọng của thế hệ chúng ta là phải đứng ở tầm cao chiến lược, lợi ích của quốc gia, của dân tộc, để giữ được chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng phải giữ được hòa bình ổn định thì mới phát triển được. Phải giữ được tình hữu nghị với Trung Quốc, nếu để xảy ra những vấn đề như trước đây thì là điều không có lợi cho cả chúng ta và cho cả Trung Quốc, cả ở trong khu vực và cả nhiều nước khác trên thế giới. Chúng ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, các mặt của thế giới, một quốc gia có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khác, tùy thuộc lẫn nhau. Nên nếu một nước mất ổn định thì các nước khác cũng bị ảnh hưởng. Cho nên, các nước đã có nhận thức giống nhau đó là phải giữ hòa bình ổn định ở trên biển Đông, phải bằng đàm phán hữu nghị trên tinh thần láng giềng, anh em, tinh thần đồng chí, tinh thần luật pháp quốc tế: Đó là DOC, đó là Công ước luật biển năm 1982 mà tìm giải pháp hai bên có thể chấp nhận được. Và các nhà báo cũng phải chú ý không để cho các nước khác kích động vấn đề này, người ta sử dụng vấn đề biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ VN-TQ, chia sẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta. Xin cảm ơn Bộ trưởng! Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/khong-nen-lam-nong-tinh-hinh-bien-dong/20106/187474.laodong