Không nên lạm dụng váng sữa cho trẻ

PNO - Cuộc sống bận rộn khiến các bà mẹ khó thực hiện việc cho con bú đến khi con 2 tuổi. Trước kia, sữa bột là lựa chọn hàng đầu để thay thế sữa mẹ, còn ngày nay váng sữa đang dần dần chiếm vị trí này.

Làm công việc văn phòng nên chị Tuyết (Q.5, TP.HCM) ít có thời gian chăm sóc con. Nghỉ trưa được 1,5 giờ nên chị không thể về nhà cho con bú sữa mẹ. Nghe lời một người bạn, chị chọn váng sữa cho con bú thay thế sữa mẹ .Theo chị, váng sữa là những gì bổ dưỡng nhất của sữa và có thành phần dinh dưỡng tương tự như sữa mẹ. Váng sữa là gì? Theo Thạc sĩ- bác sĩ Hoàng Thị Tín, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, váng sữa là 1 chế phẩm của sữa. Vào thế kỷ trước, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và cho làm lạnh. Ngày nay, nhà sản xuất sử dụng máy ly tâm để tách phần trên cùng của sữa, đó chính là váng sữa. Tùy thuộc vào cách chế biến sẽ có nhiều loại váng sữa khác nhau. Ngoài ra, còn có váng sữa nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ, …), bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò). Tại Việt Nam, hiện công ty Mộc Châu có sản xuất và bán váng sữa. Ảnh: Internet Thành phần dinh dưỡng của váng sữa Thạc sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Tín phân tích: váng sữa chứa nhiều chất béo và giàu năng lượng. Tỷ lệ chất béo dao động từ 10% - 40%. Dưới đây là một số váng sữa khác nhau trên thế giới. - Váng sữa sản xuất tại Nga: Chất béo 10%-20%, đạm 3,5%, Carbonhydrat 4,3%, nhiều khoáng chất (Ca, Na, K..), vitamin A, E, B1, B2, C, PP… - Váng sữa sản xuất tại Mỹ và một số nước châu Âu gồm nhiều chủng loại khác nhau: . Half and half (10.5-18% chất béo): được chế biến bằng cách pha trộn sữa bò nguyên kem và váng sữa đồng thể tích. • Light, coffee, or table cream: 18-30% chất béo • Medium cream: 25% chất béo • Whipping or light Whipping cream: 30-36% chất béo • Heavy Whipping cream: ≥ 36% chất béo • Extra-heavy, double, or manufacturer's cream: 38-40% chất béo hoặc nhiều hơn • Extra light (or 'lite'): 12-12.5% chất béo. • Light (or 'lite'): 18-20% chất béo • Pure cream (váng sữa nguyên chất): 35-56% chất béo, không chứa chất làm sánh nhân tạo. • Double cream: 48-60% chất béo Chỉ sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho trẻ Váng sữa là thức ăn giàu chất béo và năng lượng nên có thể sử dụng như một thực phẩm bổ sung cho trẻ. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi nhằm bổ sung thêm năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt hơn. Những trường hợp trẻ bị dư cân hoặc béo phì thì không nên cho trẻ ăn váng sữa. Váng sữa không thể thay thế sữa mẹ vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ kéo dài cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng thể phù. Đa số trẻ dung nạp tốt váng sữa. Riêng những bé có tiền sử dị ứng sữa bò hoặc bất dung nạp đường lactose, rối loạn chuyển hóa glycogen, phụ huynh cần thận trọng khi cho con ăn váng sữa do váng sữa có chứa đạm sữa bò và đường lactose. Những điều cần lưu ý khi sử dụng váng sữa Váng sữa rất dễ bị hư nên cần được bảo quản trong tủ lạnh, nơi có nhiệt độ tương đối ổn định. Không nên để váng sữa ở bên cánh cửa tủ lạnh vì khi mở cửa tủ lạnh thường xuyên sẽ không giữ được nhiệt độ ổn định. Sau khi mua, bạn nên sử dụng càng sớm càng tốt. Chỉ nên mua váng sữa ở những đại lý có uy tín, có đủ điều kiện bảo quản tốt. Khi mua cần chú ý hạn sử dụng, thành phần ghi trên hộp. Tùy theo loại váng sữa mà có thể sử dụng cho từng món khác nhau. Loại váng sữa tráng miệng nhiều hương vị có thể cho trẻ ăn trực tiếp; váng sữa Light, coffee, or table cream thường được pha chế vào café; Medium cream, Whipping or light Whipping cream, Heavy Whipping cream, Pure cream có thể cho vào trong súp, sử dụng trong chế biến thức ăn, làm bánh, kẹo… Thạc sĩ- bác sĩ Hoàng Thị Tín cũng lưu ý các bậc phụ huynh không nên thay thế sữa mẹ bằng bất cứ sản phẩm nào. Ngoài ra, dù tốt đến mấy, thực phẩm cũng luôn có hai mặt, sử dụng đúng và đủ sẽ mang lại lợi ích, nếu quá lạm dụng sẽ mang lại những hệ quả không mong muốn. Nguyên Hạnh (ghi) Hàm lượng váng sữa cho trẻ ăn trong ngày Hàm lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ có thể ăn 1 -2 hộp/ngày, tùy vào mức độ dung nạp của trẻ. Dưới đây là cách giúp ước lượng khối lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày. . Hàm lượng chất béo trong chế độ ăn của trẻ chỉ nên chiếm 20% – 30%, tối đa 40% tổng năng lượng. Trong đó, chất béo có chuỗi no (có trong váng sữa) chỉ nên chiếm khoảng 10% – 20%, 1 gram chất béo cho 9 kcal. * Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Tổng năng lượng E = 100 kcal x [cân nặng (kg)] * Trẻ > 12 tháng tuổi: Tổng năng lượng E = 1000 kcal + (100 Kcal x n) (trong đó n là số tuổi tính theo năm tuổi). Ví dụ: trẻ có cân nặng 10kg thì E = 1000 kcal nên năng lượng do chất béo chỉ chiếm 10 - 20% = 100 – 200 kcal, mà 1 gr chất béo = 9kcal, vậy tương đương 10 – 20 gr chất béo. Như vậy nếu loại váng sữa bạn mua chứa 30% chất béo thì lượng váng sữa sẽ bằng 10g/0.3 – 20g/0.3 nghĩa là 30 – 70g váng sữa/ ngày *Trẻ 4 tuổi thì E = 1000 kcal + (100kcal x 4) = 1400kcal nên năng lượng do chất béo = 140 – 280kcal, tương đương 14 – 28gram chất béo. Vì vậy, nếu loại váng sữa bạn mua chứa 30% chất béo thì lượng váng sữa sẽ bằng 14g/0.3 – 28g/0.3 nghĩa là dùng 45 – 90g váng sữa/ ngày

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/khong-nen-lam-dung-vang-sua-cho-tre.aspx