Khoan dung để thay đổi tương lai

Phối cảnh Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa với tượng đài “Người mẹ thắp lửa”.

Cách đây hơn 150 năm, ngày 19.11.1863, Tổng thống Mỹ, Abrahma Lincoln đứng trên cánh đồng ở bang Pennsylvany đọc bài diễn văn ngắn tại buổi lễ khánh thành Nghĩa trang quốc gia Gettysburg. Mặc dù chỉ có gần 300 từ nhưng đến nay bài diễn văn này vẫn được coi là một báu vật chính trị vĩ đại và vô giá nhất từ xưa đến nay bởi vẻ đẹp tinh thần của nó: Khoan dung, khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Trong hoàn cảnh cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc vừa bước vào khúc quanh lịch sử sau trận chiến đẫm máu và khốc liệt xung quanh thành phố Gettysburg, bang Pennsylvania vào tháng 7 năm đó, cả nước Mỹ vẫn còn ngụt trong khói lửa, bài diễn văn ấy, như nhà sử học Garrt Wills viết: “Lincoln đã làm cách mạng cuộc Cách mạng, đem lại cho nhân dân một quá khứ mới để sống trong đó, và quá khứ này sẽ thay đổi tương lai một cách vĩnh cửu”. Cuộc chiến nào cũng gây ra nhiều đau thương và thù hận. Cuộc chiến giữa những người anh em, trong cảnh “nồi da nấu thịt” còn đau đớn hơn nhiều. Dù chiến thắng thuộc về phe nào thì những vết thương của cuộc chiến cũng không dễ gì liền lại. Với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo có trái tim cao cả và tấm lòng khoan dung.Lincoln không muốn khoét sâu thêm vào vết thương ấy nữa mà muốn băng bó lại vết thương đau đớn đang rỉ máu, gắn kết và hòa hợp dân tộc để cùng đưa đất nước sang một trang mới.

Bài diễn văn rất ngắn gọn, giản dị nhưng vô cùng súc tích và khúc chiết, nhắc lại lịch sử nước Mỹ, tái hiện hình ảnh cuộc nội chiến đau thương, khơi dậy tinh thần bảo vệ đất nước, ý thức trách nhiệm của mỗi người, đồng thời vẽ lên một tương lai tươi sáng của dân tộc. Trong suốt bài diễn văn, ông không hề nhắc tới công lao, chiến thắng của bên này hay bên kia, Nam hay Bắc mà ông vinh danh tất cả những người đã hy sinh. Dù ở phe nào, dù bên này hay bên kia chiến hào thì tất cả họ đều sống và chết vì một lý tưởng chung, vì sự thống nhất của đất nước. “Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại”. Ông hiểu rõ rằng, điều cần làm là xây dựng “một quốc gia mới được thai nghén trong tự do”, và tạo dựng quốc gia mới “do dân và vì dân”. Có như vậy những hy sinh của các chiến binh đã ngã xuống mới không vô ích. Trong cả bài diễn văn, ông không dùng từ liên bang, ý nói hai miền Nam - Bắc mà dùng từ “quốc gia”, ngụ ý mong muốn và lý tưởng là xây dựng một quốc gia thống nhất, hòa hợp và đoàn kết toàn dân chứ không phải là một liên bang với những tiểu bang tự trị.

Trong bài diễn văn này, Lincoln cũng nhắc đến chiến tranh cách mạng Mỹ và “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” - câu nói nổi tiếng nhất của bản “Tuyên ngôn độc lập”. Lincoln đã nói thay tiếng nói của tất cả những người dân Mỹ, với lý tưởng Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Lý tưởng ấy trở thành nguyên lý bất di bất dịch, một giá trị thiêng liêng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi công dân sinh ra ở đất nước này đều thừa hưởng những giá trị ấy và có trách nhiệm bảo vệ nó, chiến đấu vì nó. Với tầm nhìn lớn, ông coi cuộc nội chiến ấy là một thử thách với nước Mỹ, qua đó khẳng định được quyết tâm theo đuổi lý tưởng, theo đuổi chân lý mà dân tộc ấy đã chọn từ những ngày lập quốc.

Bài diễn văn đã trở thành một mẫu mực của diễn văn bởi vẻ đẹp và ý nghĩa của nó. Bằng những lời lẽ ôn hòa và cao cả, Lincoln muốn đưa mảnh đất đầy xác người và dữ dằn sau cuộc chiến trở lại thành mảnh đất lành, đầy nhân bản và thánh thiện. Bài diễn văn này có ý nghĩa hết sức quan trọng với công cuộc tái tạo đất nước. Cuộc nội chiến Gettysburg có sức tàn phá ghê gớm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trách nhiệm của những người còn sống là bảo vệ sự nghiệp tự do của dân tộc mà vì nó biết bao người con của mảnh đất này đã ngã xuống. “Ấy là cho chúng ta, những người còn sống, cần cống hiến mình cho chính nghĩa vẫn chưa hoàn tất, mà những người từng chiến đấu ở đây đã cống hiến đời mình để sự thành công của chính nghĩa ấy mau đến”.

Dân tộc nào cũng có những người con đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất cha ông. Hoàn cảnh lịch sử có thể khác nhau, nhưng khi có chung một lý tưởng thì tương lai dân tộc ấy sẽ được viết lên rạng rỡ hơn từ những trang sử vẻ vang. Khi đọc lại bài diễn văn này, tôi nhớ đến sự kiện đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì. Với ý nghĩa vinh danh tất cả những người Việt Nam đã ngã xuống vì Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, công trình nhắc nhở chúng ta không quên công lao của biết bao thế hệ người dân Việt Nam hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của đất nước với Hoàng Sa. Lễ đặt viên đá khởi công tại đỉnh núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) diễn ra vào 17.1, đúng dịp mà 42 năm trước (19.1.1974) diễn ra cuộc hải chiến Hoàng Sa giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân đội Trung Quốc, một cuộc chiến bi hùng để bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Từ thời mở cõi, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo biết bao xương máu của lớp lớp dân binh đã đổ xuống và thế hệ hôm nay cần nhớ điều ấy để tiếp tục chiến đấu giành lại chủ quyền không thể chối cãi của dân tộc như lời Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam - Đặng Ngọc Tùng: “Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì Khu Tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”.

Cái tên “Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” mang một ý nghĩa lớn. Đó là sự ghi công tất cả những người con - những tinh anh của dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của cha ông, không phân biệt chế độ chính trị, hoàn cảnh lịch sử. Họ có thể là những người trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, có thể là những người lính Việt Nam Cộng hòa hay những ngư dân can trường…nhưng đều có chung một lý tưởng, đều dâng hiến thân mình cho Tổ quốc, không phân biệt họ theo chế độ chính trị nào. Phải chăng, ẩn sau đó là một tinh thần khoan dung, mong ước hòa hợp dân tộc cùng trong nòi giống con Lạc cháu Hồng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khoan-dung-de-thay-doi-tuong-lai-516601.bld