Khoa Dược bệnh viện phải “Thực hành tốt bảo quản thuốc”

- Thông tư số 22/2011/TT-BYT quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện được Bộ Y tế ban hành ngày 10/6/2011 nhằm thay thế cho các quy định về “Quy chế công tác khoa Dược”, “Dược sĩ phụ trách kho và cấp phát”, “Dược sĩ pha chế thuốc” và “Trưởng khoa Dược” được ban hành từ năm 1997.

(ĐCSVN) - Thông tư số 22/2011/TT-BYT quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện được Bộ Y tế ban hành ngày 10/6/2011 nhằm thay thế cho các quy định về “Quy chế công tác khoa Dược”, “Dược sĩ phụ trách kho và cấp phát”, “Dược sĩ pha chế thuốc” và “Trưởng khoa Dược” được ban hành từ năm 1997.

Ảnh minh họa. Nguồn: yduocvn.com

Theo đó, Khoa Dược bệnh viện có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Khoa Dược có nhiệm vụ lập kế hoạch, cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cho nhu cầu điều trị và thử nghiệm lâm sàng nhằm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị và các yêu cầu chữa bệnh khác (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa), cấp phát thuốc cho nhu cầu điều trị và các nhu cầu đột xuất khác khi có yêu cầu; bảo quản thuốc theo đúng nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”, tổ chức pha chế thuốc, hóa chất sát khuẩn, bào chế thuốc đông y, sản xuất thuốc từ dược liệu sử dụng trong bệnh viện. Ngoài ra, khoa Dược còn có nhiệm vụ thực hiện công tác dược lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, nghiên cứu khoa học và đào tạo; là cơ sở thực hành của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học về dược, phối hợp với khoa cận lâm sàng và lâm sàng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý đặc biệt là sử dụng kháng sinh và theo dõi tình hình kháng kháng sinh trong bệnh viện...

Khoa Dược bệnh viện phải được bố trí ở địa điểm thuận tiện cho việc vận chuyển và cấp phát, có đủ điều kiện về bảo quản thuốc theo nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”, điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên khoa Dược (hệ thống máy vi tính; máy in; điện thoại; internet; fax; phần mềm quản lý sử dụng thuốc, hóa chất pha chế; tài liệu liên quan về thuốc, về nghiệp vụ dược) và tạo điều kiện đầy đủ hỗ trợ công tác thông tin, tư vấn và quản lý sử dụng thuốc.

Tùy thuộc hạng bệnh viện và tùy chuyên khoa, bệnh viện bố trí số lượng cán bộ; trang thiết bị; cơ sở vật chất mà bố trí nhân lực khoa Dược cho phù hợp, nhưng Trưởng khoa Dược phải có trình độ tối thiểu là dược sĩ đại học, đối với bệnh viện hạng 3 và không phân hạng chưa có dược sĩ đại học thì Giám đốc bệnh viện ủy quyền bằng văn bản cho dược sĩ trung học phụ trách khoa. Dược sĩ làm công tác nghiệp vụ dược có trình độ tối thiểu là dược sĩ đại học đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và 2. Ở bệnh viện hạng 3 và không phân hạng, yêu cầu tối thiểu là dược sĩ trung học. Trưởng khoa Dược và dược sĩ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của khoa Dược.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/7/2011 và áp dụng cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=486452&co_id=30087