Kho vũ khí 'ngầm' của Trung Quốc có thật?

Một nhóm sinh viên Mỹ vừa hoàn thành bản nghiên cứu về mạng lưới hầm ngầm khổng lồ của Trung Quốc được thiết kế để cất giấu kho vũ khí hạt nhân và tên lửa. Dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng phát hiện này cũng đủ khiến nhiều người phải 'thót tim'.

Kho vũ khí "ngầm” của Trung Quốc có thật?

Một nhóm sinh viên Mỹ vừa hoàn thành bản nghiên cứu về mạng lưới hầm ngầm khổng lồ của Trung Quốc được thiết kế để cất giấu kho vũ khí hạt nhân và tên lửa. Dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng phát hiện này cũng đủ khiến nhiều người phải "thót tim".

Hình ảnh minh họa đường hầm chứa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc – Nguồn: Washington Post

Theo Washington Post, trong vòng 3 năm qua, một nhóm sinh viên say mê về đề tài này ở trường đại học Georgetown vẫn gọi công việc nghiên cứu của họ bằng cái tên khác: bài tập về nhà.

Được sự hướng dẫn của vị giáo sư đồng thời là cựu nhân viên Lầu Năm Góc, Phillip A. Karber, họ đã dịch hàng trăm bộ tài liệu, cày xới các hình ảnh vệ tinh, tìm cách thu thập những tài liệu hạn chế người đọc của quân đội Trung Quốc và xem hàng trăm gigabytes lượng dữ liệu trên mạng.

Kết quả của những nỗ lực này? Là bản nghiên cứu lớn nhất về hàng nghìn km đường hầm do Đơn vị pháo binh số II, một đơn vị bí mật của quân đội Trung Quốc chuyên phụ trách bảo vệ và điều động tên lửa đạn đạo và vũ khí mang đầu đạn hạt nhân.

Nghiên cứu này hiện chưa được công bố nhưng nó đã thu hút sự chú ý của quốc hội Mỹ và đã được các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong đó có phó tư lệnh lực lượng không quân xem xét.

Tất cả các chú ý đều tập trung vào bản nghiên cứu dài 363 trang với một kết luận đầy "khiêu khích": kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể lớn hơn rất nhiều lần so với tất cả những ước đoán hiện nay của các chuyên gia kiểm soát vũ khí. “Nghiên cứu này không hẳn là một quả bom, nhưng những suy tính và dự đoán trong bản nghiên cứu này đang được kiểm tra đối chiếu với những thông tin hiện có", theo một chiến lược gia giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên các nhà phê bình đặt câu hỏi về bản nghiên cứu chỉ dựa trên thông tin trên mạng, một nguồn tin không chính thống. Các sinh viên này lấy tin từ những nguồn như Google Earth, blog, tạp chí quân sự và một nguồn tin có lẽ đáng ngạc nhiên nhất là một vở kịch trên truyền hình về những người lính pháo binh Trung Quốc.

Nhưng những lời lên án kịch liệt nhất đến từ các chuyên gia về hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các chuyên gia này lo ngại rằng bản nghiên cứu này có thể sẽ nuôi dưỡng cuộc đua vũ khí hạt nhân trong một kỉ nguyên mà tất cả các nỗ lực đang dành để cắt giảm kho dự trữ vũ khí hậu chiến tranh lạnh của thế giới.

Ngoại trừ các tác động của nó về mặt chính sách, dự án này đã tạo tiếng vang mạnh mẽ cho các sinh viên, trong đó có cả những sinh viên đã tốt nghiệp và đang làm các công việc nghiên cứu trong Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ.

Những khu vực màu be là Vạn Lý Trường Thành dưới mặt đất của Trung Quốc – Nguồn: Washington Post.

Nỗ lực và thành quả

“Tôi thậm chí không muốn biết đã dành bao nhiêu giờ đồng hồ cho nó nữa”, Nick Yarosh, 22 tuổi và là sinh viên chính trị quốc tế học ở trường Georgetown, nói.

“Nhưng nếu bạn hỏi mọi người rằng họ làm gì trong trường đại học, thì hầu hết sẽ chỉ nói rằng tôi tham gia lớp học này, tôi tham gia câu lạc bộ này. Còn tôi có thể nói rằng tôi dành thời gian ở trường đại học để đọc các tài liệu về chiến lược hạt nhân và Đơn vị pháo binh số II của Trung Quốc. Đối với một sinh viên bình thường như tôi thì việc đó thực sự có ý nghĩa”, Nick tâm sự.

Vào tháng 12 năm 2009, ngay sau khi các sinh viên này bắt đầu cuộc nghiên cứu của mình, thì quân đội Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận rằng Đơn vị pháo binh số II đã đào một mạng lưới đường hầm. Theo thông tin từ đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, Trung quốc đã đào được đường hầm có chiều dài gần 5000 km bao gồm những cơ sở nằm sâu dưới mặt đất có khả năng chống chọi lại các cuộc tấn công hạt nhân liên tiếp.

Giáo sư Phillip A. Karber, 65 tuổi và là cựu chiến lược gia hàng đầu thời Chiến tranh lạnh, cùng nhóm sinh viên của mình đã rất sốc khi nghe tin này. Nó đã giúp xác nhận hướng nghiên cứu của họ là đúng đắn nhưng nó cũng cho thấy dư luận còn ít chú ý về những đường hầm đang được nối dài ở đất nước ở Đông Á này.

Chính sự thiếu quan tâm của dư luận, đặc biệt là của giới truyền thông Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc có vị trí đặc quyền đặc lợi trong thế giới của vũ khí hạt nhân.

Trong hàng thập kỷ, dư luận chỉ tập trung chú ý vào hai cường quốc với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất cho đến nay là Hoa Kỳ với 5.000 đầu đạn hạt nhân và Nga với 8.000 đầu đạn hạt nhân.

Nhưng trong số 5 quốc gia phải tuân theo Hiệp ước về giảm trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì Trung Quốc là nước giữ bí mật nhất. Trong khi Hoa Kỳ và Nga bị ràng buộc bởi các hiệp ước song phương buộc khiến họ phải cho phép thực thi các cuộc kiểm tra thực tế và công khai lực lượng cũng như cấm một số loại tên lửa thì Trung Quốc không bị ai ràng buộc cả.

Trong nhiều năm qua, ước tính về số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là khá nhỏ chỉ dao động từ 80 đến 400.

Trung Quốc ủng hộ con số ước lượng đó. Là quốc gia duy nhất trong 5 cường quốc hạt nhân mà được nhận chính sách ưu tiên, nước này luôn khẳng định rằng chỉ dự trữ một lượng vũ khí nhỏ với “sự hạn chế tối thiểu việc sử dụng”.

Giáo sư Karber cho rằng trong điều kiện thiếu sự minh bạch từ phía Trung Quốc thì tất cả những gì các chuyên gia có thể dùng lúc này là các giả định, mà những giả định này có thể sai lầm.

Giáo sư vẫn thường kể lại cho các sinh viên của mình về lần ông đến Nga công tác cùng cựu Bộ trưởng quốc phòng Frank C. Carlucci để thảo luận về việc Hoa Kỳ giúp đỡ Nga giảm trừ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trong khi Hoa Kỳ đề nghị giúp Nga thiết kể khoảng 20.000 thùng chứa chất thải phóng xạ từ các đầu đạn hạt nhân theo như số liệu ước tính của Hoa Kỳ vào thời điểm đó, thì các tướng Nga nói với giáo sư Karber rằng họ cần 40.000 thùng.

Ở phần cuối của bản nghiên cứu, giáo sư Karber cảnh báo rằng tình trạng trên cũng có thể đã xảy ra với Trung Quốc. Dựa theo số lượng các đường hầm mà Đơn vị pháo binh số II cùng với số lượng tên lửa được điều động ngày càng tăng lên, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể lên tới 3.000.

Kết luận này chắc chắn sẽ khiến các chuyên gia kiểm soát vũ khí "nổi nóng" và phản ứng dữ dội.

Đoạn đường hầm tại Nam Dương, Trung Quốc. Hình nhỏ là xe mang ống phóng tên lửa – Nguồn: Washington Post.

Bản nghiên cứu có đáng tin?

Phản ứng gay gắt nhất đối với bản nghiên cứu này là từ Gregory Kulacki, một nhà phân tích về hạt nhân của Trung Quốc thuộc Hiệp hội các nhà khoa học quan tâm. Ông đã chỉ trích nghiên cứu này trong một buổi diễn thuyết ở Washington và nói rằng con số 3.000 đầu đạn hạt nhân là “nực cười” và nói phương pháp nghiên cứu bằng cách dùng thông tin từ các blogger Trung Quốc là “bất tài và lười biếng”.

“Việc họ xây đường hầm thực ra lại chứng minh điều ngược lại. Với chiều dài đường hầm lớn như vậy, họ sẽ có khả năng sống sót cao hơn và họ sẽ cho rằng không cần sản xuất nhiều đầu đạn hạt nhân để đánh trả” ông nói.

Một số nhân vật khác có phản ứng trung hòa hơn.

Hans M. Kristensen của Liên hiệp các nhà khoa học Hoa Kỳ cho rằng “Nghiên cứu này có giá trị, tuy nhiên nó cũng cho thấy sự nguy hiểm của Internet”.

“Theo tôi, điều mà bản nghiên cứu này đạt được là nó nhấn mạnh rằng chúng ta chưa biết chắc chắn về khả năng của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc đã xây dựng đường hầm, do đó chúng ta nên trân trọng những nỗ lực như thế này”, Mark Stokes một chuyên gia tư vấn nói.

Đối với giáo sư Karber, việc đưa ra cuộc tranh cãi này có nghĩa rằng ông và nhóm sinh viên của mình đã thành công.

“Tôi không biết chút nào về số lượng vũ khí hạt nhân mà Trung Quốc thực sự đang có, nhưng cũng không có ai trong cộng đồng kiểm soát vũ khí hạt nhân biết. Đó là vấn đề của chúng ta về Trung Quốc – không ai khác ngoài chính họ thực sự biết”.

Lê Dung

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=3756