Khó kiểm soát “cuộc chơi súng đạn”

(VOV) - Thực tế đang diễn ra cho thấy, còn rất nhiều cản trở để có thể tiến tới một bản Hiệp ước quốc tế về việc kiểm soát buôn bán vũ khí.

Các đoàn đại biểu khắp thế giới đã tập hợp ở New York (Mỹ) bắt đầu Hội nghị do Liên Hợp Quốc chủ trì từ ngày 2/7 - 27/7 để cùng nhau đưa ra một Hiệp ước đầu tiên mang tính ràng buộc nhằm điều chỉnh thị trường vũ khí toàn cầu trị giá hơn 60 tỉ USD/năm.

Trong bối cảnh các cuộc xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới nóng lên từng ngày, các số liệu mà nhà hoạt động nhân quyền quốc tế vừa công bố khiến chúng ta không khỏi giật mình. Cứ mỗi phút trên thế giới lại có một người thiệt mạng vì hành động bạo lực. Và mỗi năm có hàng triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ các quy định lỏng lẻo trong buôn bán vũ khí và buôn lậu vũ khí.

Số lượng đạn dược được sản xuất ra hàng năm gấp đôi số dân trên Trái đất (Ảnh minh họa)

Chưa hết, số lượng đạn dược được sản xuất ra hàng năm gấp đôi số dân trên Trái đất. Trước thực tế này, thế giới đang rất cần có một bản hiệp ước cho việc buôn bán vũ khí.

Theo dự kiến, Hiệp ước kiểm soát vũ khí sẽ không đề cập vấn đề mua bán vũ khí trong nội bộ từng nước cũng như việc sở hữu vũ khí của công dân mà liên quan tới hoạt động buôn bán và cung cấp vũ khí quốc tế.

Cho đến nay, theo nhận định từ Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia thành viên đã ủng hộ việc thông qua Hiệp ước. Trước thềm khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức (3 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu) đã ra tuyên bố chung nói rằng tình trạng buôn lậu vũ khí đang tạo ra một “mối đe dọa ngày càng tăng đối với nhân loại”.

Thế nhưng, kêu gọi bằng lời nói là một chuyện, còn hành động lại là một chuyện khác. Dù biết rằng nạn buôn bán vũ khí trái phép đang là mối họa an ninh và an toàn cho người dân trên thế giới, song các quốc gia có nguồn thu lớn từ việc bán vũ khí lại tự mâu thuẫn với việc có hay không hạn chế buôn bán vũ khí.

Cụ thể, ngay trong phiên khai mạc hôm 3/7 tại New York cũng đã xuất hiện những bất đồng khi các cường quốc sản xuất vũ khí đều đưa ra những lý do nhằm giới hạn một số hạng mục vũ khí sẽ được quy định trong Hiệp ước. Đại diện của Mỹ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (chiếm 40% doanh số vũ khí thông thường của thế giới), bày tỏ mong muốn Hiệp ước sẽ không bao gồm những hạn chế về các thương vụ mua bán đạn dược.

Trong khi đó, đại diện Trung Quốc lại đề xuất loại trừ danh mục các vũ khí loại nhỏ ra khỏi Hiệp ước bởi đây là một trong những hàng hóa chủ yếu mà nước này xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Còn Nga thì nhấn mạnh rằng, Hiệp ước nên chú trọng yếu tố chống vận chuyển vũ khí phi pháp thay vì chỉ giới hạn các nguồn cung cấp hợp pháp.

Bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi những tranh chấp ảnh hưởng giữa các nước Đông Á... cùng sự thay đổi thế cân bằng về quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những lý do dẫn tới sự sôi động của thị trường vũ khí trong mấy năm vừa qua. Trong đó hai quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ được coi là những “ngư ông đắc lợi” trong hoàn cảnh này. Giá trị hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2011 tăng 3 tỷ USD so với năm 2010, còn Nga cũng tăng 1 tỷ USD. Vì thế, không có gì khó hiểu khi các cường quốc này luôn giữ quan điểm mang tính “có lợi cho mình” và sẽ khó đạt được sự đồng thuận nào cho bản Hiệp ước về buôn bán vũ khí như dư luận trông đợi.

Thêm vào đó, hiện cũng còn nhiều chia rẽ sâu sắc xung quanh các vấn đề then chốt được đưa ra thảo luận về bản Hiệp ước. Một trong số đó là cân nhắc việc coi nhân quyền là thước đo và tiêu chuẩn cấp phép hoạt động vận chuyển vũ khí. Tranh cãi xung quanh việc đại biểu Palestine không được tham dự đã nói lên điều đó và động thái này ít nhiều là rào cản để các nước có thể thông qua Hiệp ước.

Một vấn đề khác nữa là các cuộc đàm phán về buôn bán vũ khí thường sa vào những tranh cãi liên quan đến vấn đề thủ tục bởi các nước không muốn có một bản Hiệp ước mang tính ràng buộc và luôn tìm cách cản trở tiến trình đàm phán.

Rõ ràng, còn nhiều cản trở để tiến tới một bản Hiệp ước quốc tế về kiểm soát buôn bán vũ khí. Thế giới đang mong đợi các nhà lãnh đạo những hành động quyết đoán nhằm kiểm soát “cuộc chơi súng đạn” để hàng triệu người không còn phải đối mặt với nguy cơ thiệt mạng bất cứ lúc nào./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/kho-kiem-soat-cuoc-choi-sung-dan/20127/216003.vov