Khi điều trị lao hạch cần chú ý những gì?

Trong quá trình điều trị cần chú ý những gì? Mỗi khi uống hết thuốc có cần phải khám lại không?

Chào bác sĩ,

Tôi bị lao hạch đang điều trị được hai tháng. Tuy nhiên tôi điều trị ngoại trú và được bác sĩ ở bệnh viện Lao ở tỉnh tư vấn điều trị thuốc ngoại của Đức.

1. Xin cho tôi hỏi điều trị thuốc nhà nước cấp và thuốc ngoại có gì khác nhau?

2. Tôi đã ra bệnh viện lấy thuốc hai lần nhưng bác sĩ không khám và xét nghiệm lại cho tôi. Giờ bác sĩ đang cho tôi uống thuốc duy trì. Vậy xin hỏi bác sĩ mỗi khi uống thuốc hết một tháng có cần phải khám lại không?

3. Tôi nghe thấy có trường hợp đã điều trị lao hạch khỏi rồi nhưng sau đó lại tái phát và không thể chữa được nữa. Điều này có đúng không?

4. Khi điều trị lao hạch như vậy tôi cần chú ý những gì? Có cần uống thuốc bổ gì không? Rất cám ơn BS!

(N.V Phương – Hải Dương)

Chào bạn,

Nếu trước đây bạn chưa từng bị lao mà nay bị lao hạch, thì thời gian điều trị bệnh của bạn trung bình sẽ là 8 tháng, với phác đồ điều trị gồm 4 thứ thuốc là: S (Streptomycine) hoặc E (Ethambutol), INH (Isoniazide), R (Rifampicine), và PZA (Pyrazinamide).

Việc trị liệu gồm giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng điều trị bằng S (hoặc E), H, R, PZA. Sau đó chuyển sang giai đoạn củng cố là 6 tháng thường chỉ còn sử dụng 2 loại là INH và E.

Các thuốc điều trị lao do nhà nước cấp hay thuốc ngoại đều có công dụng như nhau.

Lao hạch là một thể lao nhẹ, ít nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và điều trị thường có kết quả khỏi cao (trên 90%). Tuy nhiên rất khó tiên lượng diễn biến của lao hạch. Khoảng 25% trường hợp, hạch tiếp tục to lên hoặc xuất hiện thêm hạch mới mặc dù bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Đối với những trường hợp này vẫn nên tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Khoảng 20% trường hợp thì hạch bị nhuyễn hóa và có thể rò mủ.

Việc theo dõi điều trị lao hạch trong suốt thời gian điều trị thường là khám trực tiếp bệnh nhân. Cụ thể là BS sẽ quan sát và sờ xem kích thước hạch và tiến triển của hạch, đồng thời theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng lao. Việc làm xét nghiệm lại, chỉ đặt ra nếu như nghi ngờ về chẩn đoán khác ngoài lao hay thấy sau 8 tháng điều trị tiến triển bệnh không tốt, nghi ngờ lao kháng đa thuốc (bệnh nhân được sinh thiết hạch và lấy bệnh phẩm cấy làm kháng sinh đồ).

Trong thời gian điều trị, điều cần thiết là bạn phải ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tuân thủ điều trị tốt, và không quên theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng lao để kịp thời báo cho BS điều trị có hướng xử trí thích hợp.

Chúc bạn có kết quả trị liệu tốt đẹp. Thân ái!

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn .

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu , Alobacsi.vn , điều trị lao , lao hạch , chú ý , khuyến cáo

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/20130328115620244p161c189/khi-dieu-tri-lao-hach-can-chu-y-nhung-gi.htm