Khỉ đảo Rều

Đảo Rều, thuộc địa phận TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, hay còn gọi là đảo khỉ, bởi từ năm 1962 đến nay, hòn đảo nhỏ xinh xắn này là nơi nuôi giống khỉ vàng, có tên khoa học là Maccaca Mullata, nhằm mục đích duy nhất: Phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc-xin và các sinh phẩm y tế. Theo tính toán, mỗi năm, đàn khỉ trên đảo sinh thêm khoảng hơn 100 cá thể, nhưng cũng từng ấy con khỉ “hy sinh” để lấy tạng để phục vụ y học cứu người.

Ngoài những chuyện về chuyên môn, trên “vương quốc khỉ vàng” ấy, còn có biết bao câu chuyện đời đầy xúc động của loài vật đang âm thầm hiến mình cho ngành y học; của những cán bộ, nhân viên, trong đó có những người có ba đời gắn bó với đảo.

Nhiệm vụ cao cả

Đảo Rều cách bờ khoảng 1km và mất khoảng 5 phút đi xuồng từ bến Vũng Đục, TP.Cẩm Phả. Đảo Rều gồm 2 đảo: Đảo Rều đất, rộng 22ha - nơi nuôi khỉ vàng và đảo Rều đá, rộng 17ha - nơi tiến hành các thử nghiệm trên cơ thể khỉ. Từ xa nhìn vào, đảo khỉ một màu xanh ngắt của những tán rừng nguyên sinh; một doi cát tuyệt đẹp như dải lụa nhô ra, dài tới cả trăm mét khi nước triều rút.

Do tính chất đặc biệt, nên đảo tuyệt đối không mở cửa cho du lịch. Những tháng giáp Tết năm nay, có nhiều khách ra đảo, nhưng chủ yếu là cánh phóng viên đi viết bài, bởi năm 2016 là năm con khỉ.

Xưa kia, đây là hòn đảo chỉ có dân chài tạm cư, nhưng đến năm 1962 được chọn làm nơi nuôi khỉ phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng, chống bại liệt.

Trên đảo thường xuyên duy trì khoảng 1.000 cá thể khỉ vàng - giống khỉ đặc hữu chỉ có ở những vùng núi đá, mà nhiều nhất là ở vùng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long của Quảng Ninh và Cát Bà, Hải Phòng.

Theo anh Nguyễn Huy Phương - đảo phó đảo Rều - hiện, ở nhiều đảo đá trong khu vực còn khá nhiều khỉ vàng, ngay cả núi Bài Thơ giữa TP. Hạ Long vẫn còn một tốp khỉ vàng sinh sống. Sở dĩ chỉ chọn khỉ vàng để phục vụ công tác nghiên cứu là bởi đây là loài khỉ có gen gần với gen của con người hơn và sạch hơn.

Bộ phận duy nhất của khỉ vàng được lấy dùng phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc xin là thận.

Đối tượng khỉ nằm trong diện phải “hy sinh” để phục vụ công tác này thường có độ tuổi từ 2 - 3 tuổi, vì ở độ tuổi này, thận và tế bào đều khỏe. Việc mổ lấy thận được tiến hành trên đảo Rều đá, sau đó đưa về Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) trên Hà Nội. Tuy nhiên, một con khỉ phải “hy sinh” để lấy thận phục vụ sản xuất vắc-xin thì có khi có tới vài con khác phải “quên mình” để làm thử nghiệm, trước khi chính thức dùng cho con người.

Theo giới chuyên môn, mỗi loại vắc-xin trước khi dùng cho người thường được thử nghiệm trên các loại vật như chuột bạch, khỉ, nhưng với khỉ vàng là tốt nhất. Theo đó, sau khi tiêm thử nghiệm một thời gian, khỉ được giết để lấy não, máu, tủy… để xét nghiệm lại xem có an toàn và đạt tiêu chuẩn cho người hay không.

Đảo trưởng Vũ Công Long cho biết, đàn khỉ trên đảo Rều không chỉ phục vụ việc thử nghiệm vắc-xin được sản xuất từ chính thận của những con khỉ trên đảo, mà còn thử nghiệm các nguồn vắc-xin khác, trong đó đang hợp tác với Mỹ và Cuba để thử nghiệm một số loại vắc-xin đặc biệt khác.

Chuyện đời của khỉ

9h30 sáng, tiếng kẻng báo giờ ăn vang lên, nhưng từ trước đó, từng tốp khỉ từ trong rừng đã trở về. Tiếng kêu, tiếng hú, rồi cả tiếng đánh lộn chí chóe để giành ăn, làm huyên náo cả một góc đảo.

Tuy vậy, sau đó tất cả đều đi vào tôn ti trật tự bởi oai quyền của những chú khỉ đầu đàn. Trên đảo có 2 sân ăn, mỗi sân phân chia thành một số mâm, và mỗi mâm có một “thủ lĩnh” - được suy tôn sau những trận chiến giành giật ngôi vị kinh hoàng.

Mỗi ngày có hai bữa ăn, sáng và chiều (14 giờ), gồm có cơm, lạc và đỗ đen nấu chín. Ngoài ra, mỗi tuần đàn khỉ được bồi dưỡng một món hoa quả.

Theo luật “giang hồ”, “thủ lĩnh” cùng gia đình được vào ăn trước; những con còn lại lần lượt đợi tới lượt mình, trong đó những con cùng nhóm với “thủ lĩnh” được ưu tiên. Sau khi ăn xong, các “thủ lĩnh” đứng ở vòng ngoài quan sát, bảo vệ cho “thuộc cấp” của mình ăn xong mới cho những con khỉ ở nhóm khác vào.

Theo đảo phó Nguyễn Huy Phương, sự tranh giành quyền lực giữa những chú khỉ ở đây rất quyết liệt và liên tục: Trong nhóm với nhau và giữa các nhóm với nhau. Những “thủ lĩnh” già dễ dàng bị nhóm trẻ dùng sức mạnh cướp mất ngôi vị bất cứ lúc nào. Nhiều “thủ lĩnh” già, sau khi mất chức, thường trở thành những con khỉ độc, đi lang thang một mình trên đảo. “Có những con bị cả đàn khỉ “thanh niên” đánh đuổi, buộc phải nhảy cả xuống biển. May mà chúng tôi phát hiện và giải cứu được”, anh Phương kể.

Tuy nhiên, gác lại chuyện tranh giành ngôi vị, thì trên cả vẫn là nghĩa tình vợ - chồng, mẫu - tử của đàn khỉ, với nhiều câu chuyện đầy cảm động về những lần ly biệt mãi mãi.

Có một lần, các nhân viên trên đảo bắt một con khỉ đực nhốt vào lồng đem sang đảo Rều đá để chuẩn bị cho việc lấy thận phục vụ nghiên cứu. Từ ngày hôm đó, chiều chiều, một con khỉ cái từ đảo Rều đất lại phi ra bờ biển kêu gào. Đáp lại, từ phía đảo bên kia, con khỉ đực cũng tru tréo lên từng hồi. Rồi đến một ngày, cả hai con cùng lao ra giữa biển để gặp nhau, và nếu không được cứu hộ kịp thời, cả cặp đôi sẽ chết đuối.

Đảo phó Phương kể, đàn khỉ tình cảm và thông minh lắm. Cứ mỗi lần một con bị bắt đi là cả đàn, nhất là khỉ bố, khỉ mẹ lại gào thét, lao vào đòi cứu bởi chúng biết, đã bị bắt đi có nghĩa là chết. Anh bảo, anh luôn thấy đôi mắt rực lửa căm thù của đàn khỉ bố mẹ mỗi lần bắt con của chúng đi. Ánh mắt ấy vẫn còn hằn học và uất ức mãi, bởi chúng chẳng bao giờ tha thứ...

“Cách đây vài năm, một con khỉ non chết, nhưng khỉ mẹ vẫn cứ ôm con đi khắp nơi dù thi thể đã bốc mùi. Có hôm, lừa lúc nó để xác con ở một góc để vào ăn, chúng tôi đến định lấy đem đi chôn, nhưng khỉ mẹ phát hiện và lao đến ôm xác con chạy mất” - anh Phương xúc động kể.

Chuyện những người nuôi khỉ

Trên đảo hiện có 14 cán bộ, nhân viên, thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) đang trực tiếp quản lý và chăm sóc đàn khỉ. Phần lớn trong số họ đều thuộc gia đình có truyền thống gắn bó với đảo, hoặc cả vợ - chồng đều làm trên đảo, trong đó hiện có 5 cặp vợ chồng. “Chúa” đảo Vũ Công Long đã có gần 30 năm gắn bó với đảo. Vợ anh hiện cũng thuộc quân số trên đảo, trong khi đó, bố và mẹ vợ anh sống và làm việc trên đảo cho đến khi về hưu. Hai người thuộc diện “dòng dõi” nhất hiện này là đảo phó Nguyễn Huy Phương và anh lái tàu tên Tuấn, khi cả hai anh đều có ba thế hệ cống hiến cho đảo. “Bà nội tôi công tác trên đảo khỉ từ ngày mới thành lập, sau đó là đến bố, mẹ tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trên đảo, đến năm 5 tuổi thì vào bờ để đi học. Năm 1994, tôi chính thức trở thành nhân viên của đảo” - anh Phương nói thêm. Anh Phương kể, từ nhỏ sống trên đảo, lại có gia đình truyền thống gắn bó với đảo, nên anh yêu động vật, nhất là với đàn khỉ từ bé. Tình yêu ấy đã giúp anh và nhiều đồng nghiệp khác tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong công việc, khi mà không ít thanh niên đã bỏ về sau một thời gian ngắn làm việc, bởi đảo như đảo… hoang: Không dân, không điện và công việc quanh năm chỉ nghe thấy tiếng khỉ.

Vì lẽ đó, theo đảo trưởng Long, từ lâu, đảo xin chủ trương đưa các cặp vợ chồng ra công tác tại đảo để ổn định về tư tưởng. Dẫu vậy, khi con cái đến tuổi đi học, thì đây lại là một thách thức lớn, khi bố mẹ đành phải gửi con về đất liền, còn mình ở lại với đàn khỉ.

Thừa nhận cuộc sống trên đảo buồn, dù đây là hòn đảo gần đất liền nhất, nhưng anh Phương bảo, mỗi khi xa là nhớ đàn khỉ, nhớ sự thông minh, tình cảm và cả những trò đùa tinh quái của chúng. Biết bao lần, chờ chủ đi vắng, lũ khỉ rủ nhau mở khóa, kéo cửa sắt, đẩy cửa gỗ rồi vào trong nhà sục sạo, thậm chí leo lên cả bàn thờ tìm kiếm đồ ăn. Những bộ quần áo của cán bộ, nhân viên trên đảo, chỉ sơ sểnh một chút là có thể trở thành món đồ chơi của lũ khỉ tinh nghịch. Đàn gà trên đảo luôn khiếp vía khi gặp đàn khỉ bởi những trò đùa quái dị của chúng, như: Vồ gà, trèo thoắt lên ngọn cây và… thả gà xuống, rồi tất cả cùng rú lên vì sung sướng.

Mỗi lần tiễn biệt một con khỉ nào đó phải hy sinh cho nghiên cứu y học, các anh, chị cũng xót xa lắm, bởi những tiếng kêu cứu, những ánh mắt cầu khẩn và bởi chúng đã quá gần gũi thân thiện thông qua công việc chăm sóc, cho ăn, theo dõi hàng ngày…

Trước khi rời đảo, phó đảo Phương dẫn tôi ra một tấm bia đá có khắc chữ “Đảo khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vắc-xin”. Anh bảo, tính đến nay, đã có hàng ngàn, hàng vạn con khỉ vàng trên đảo hiến thân để phục vụ cho sự nghiệp cứu người. Tấm bia ấy như nhắc nhở mỗi người khi đặt chân lên đảo nhớ đến và tri ân sự hy sinh âm thầm, nhưng cao cả của những con khỉ vàng Macaca Mulatta vốn rất thông minh và sống đầy nghĩa tình.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khi-dao-reu-516588.bld