Khâu nhục: Món ăn đặc trưng của người Tày, Nùng xứ Lạng

Khâu nhục là món ăn không thể thiếu ở các dịp lễ Tết, nhà mới, đám cưới... của người Nùng, Tày ở Lạng Sơn.

Khâu nhục - món ăn đặc biệt của người Tày, Nùng

Khâu Nhục là một món ăn mà thường được thấy trong những dịp lễ Tết hoặc những sự kiện được diễn ra hàng ngày như đám cưới đám hỏi hoặc ma chay của người dân tộc vùng cao được làm từ thịt lợn nhưng lại mang cho bạn một hương vị thật khác. Một số nơi còn gọi là nằm khâu.

Đây là món gia truyền, truyền thống của người Nùng, Tày nên ai cũng biết nấu.

Khâu nhục là tiếng hoa đánh vần lại chữ viết tiếng Việt, phát âm tiếng Hoa là khâu nhục. “Khâu” có nghĩa- hấp đến mềm gục, “Nhục” có nghĩa- thịt, nếu dịch đúng nghĩa là thịt gục, hoặc thịt hấp gục. Tùy từng địa phương, món ăn này còn có các tên gọi khác như: “khau nhục”, “khổ nhục”, “nằm khau”. Ngoài ra, tên gọi của chúng còn được bắt nguồn từ chính cách thức xếp trên đĩa và hình dáng giống như một mỏm đồi nhỏ, đang vươn lên, nên người dân tộc Nùng gọi là “khâu” tức đồi.

Theo Sài Gòn ẩm thực, đây là món gần giống như thịt kho nhưng được hấp cách thủy với nhiều loại gia vị, ướp càng lâu càng ngon. Để có món khâu nhục chuẩn, người ta phải nấu tới nửa ngày cho miếng thịt mềm, sao cho khi ăn như tan ra trong miệng. Món này có nguồn gốc từ người Hoa làm, xuất hiện ở hầu hết các vùng núi phía Bắc.

Nguyên liệu để làm món khâu nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều. Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra.

Theo dulichvn, miếng thịt vừa vớt ra khỏi chảo được ngâm ngay vào nước lạnh, cho vào nồi luộc cho thịt săn lại, vớt ra để nguội. Mỗi miếng cắt khoảng 2cm rồi tẩm các loại gia vị cho thật đều. Sau đó xếp các miếng thịt vào bát tô đặt phần bì xuống dưới đáy bát, phần thịt quay lên phía trên để tiện cho việc rắc gia vị được ngấm đều rồi đưa vào nồi hấp cách thủy một lần nữa đến khi thịt mềm nhũn thì bỏ ra ăn. Bên dưới bát khâu nhục bày các loại gia vị như: rau xanh, mộc nhĩ, ớt.Khi chín khau nhục có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng lôi cuốn người ăn và ăn khi còn nóng.

Khâu nhục xuất hiện trong bữa cơm đãi khách và không thể thiếu trong mâm cỗ cưới, giỗ chạp, mừng thọ... của người Sán Dìu. Thế nên mới có chuyện, người con gái, con trai Sán Dìu ở đất Sơn Dương, dù đi lấy chồng đất khách, tiệc cưới có tổ chức trong những nhà hàng sang trọng, người nhà vẫn phải chuẩn bị cho đủ số bát khâu nhục, tương ứng với số mâm cỗ nếu không muốn người làng chê cười.

Trẻ con Sán Dìu cũng biết vanh vách nguyên liệu làm khâu nhục, còn phụ nữ Sán Dìu không biết nấu khâu nhục có khi chẳng lấy được chồng. Con gái Sán Dìu ở vùng núi cao - trời rộng này thật xinh, khéo, thật thà và ai cũng đắt chồng từ năm 17, 18 tuổi. Chẳng biết có phải vì sức hấp dẫn của món khâu nhục, mà trai tráng vùng nào cũng muốn có cô gái nấu cho mình ăn suốt cả cuộc đời.

Tố Tâm (Tổng hợp)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khau-nhuc-mon-an-dac-trung-cua-nguoi-tay-nung-xu-lang-d128767.html