Khau Vai - Mèo Vạc (Hà Giang) điểm dừng chân của du khách

Vào những ngày này, huyện Mèo Vạc lại tưng bừng, nhộn nhịp trong Lễ hội Chợ tình Khau Vai truyền thống, từ lâu đã trở thành điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước. Mèo Vạc là huyện núi đá xa nhất của tỉnh Hà Giang, nằm ở điểm cuối cùng của con đường Hạnh phúc và cũng là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, thiếu thốn nhưng lại phải đảm đương một nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề đó là giữ vững “phiên dậu” của Tổ quốc thân yêu.

Đến Mèo Vạc vào những ngày này ai cũng cảm nhận được không khí tưng bừng phấn khởi của người dân địa phương khi huyện đang khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 – 2015) và chuẩn bị cho Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Đặc biệt, trên các trục đường đi vào huyện, trong huyện và đường vào xã Khau Vai, các băng zôn khẩu hiệu nền trắng, chữ xanh bằng tiếng Việt và tiếng Anh được treo rực rỡ với nội dung: Chào mừng quý khách đến với Lễ hội Chợ tình Khau Vai năm 2010; Chợ tình Khau Vai - điểm hẹn của tình yêu đôi lứa. Cùng các băng zôn, khẩu hiệu nền đỏ, chữ vàng với nội dung: Giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội; Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI... Huyện Mèo Vạc cách trung tâm thị xã Hà Giang 165km. Có 45 km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện Nà Pô - Quảng Tây và huyện Phú Ninh (Vân Nam - Trung Quốc). Những ai đã từng sống và công tác ở vùng cao mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của vùng đất địa đầu Tổ quốc. Và Mèo Vạc là địa phương hội tụ đầy đủ nhất những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. ở một địa phương mà núi đá tai mèo chiếm đến 90% tổng diện tích tự nhiên. Qua nắng mưa, khắc nghiệt của thiên nhiên, đất đai đã dần bạc màu. Nói như đồng bào nơi đây: “Đất già quá rồi, nhạt quá rồi, như cái cây đã trút hết phần nhựa sống”. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy đã tạo cho con người Mèo Vạc đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường bám trụ vật lộn với thiên nhiên và quyết tìm cho mình những hướng đi mới. Với tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên cùng với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Mèo Vạc đã từng bước đổi thay vươn lên trong thời kỳ đổi mới. Mặc dù điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt nhưng Mèo Vạc lại được bù đắp bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, trùng điệp, hùng vĩ mà bí ẩn, nơi đây đã và đang trở thành điểm khám phá của du khách trong và ngoài nước như đỉnh Mã Pì Lèng, Hồ treo nước Tả Lủng, cùng với cộng đồng 16 dân tộc anh em với nhiều phong tục, lễ hội truyền thống như lễ cầu mưa của người Lô Lô, đặc biệt là lễ hội Chợ tình Khau Vai huyền thoại, là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống từ hàng trăm năm qua và là tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc huyện Mèo Vạc. Đó chính là nguồn tài nguyên dồi dào và là tiềm năng vô tận của ngành Du lịch. Cao nguyên đá nói chung, trong đó có vùng đất thuộc huyện Mèo Vạc ngày nay là nơi cư trú của 16 dân tộc anh em là người Mông, người Tày, người Dao, người Lô Lô, người Giấy, người Nùng, người Pu Péo v.v.. Các dân tộc cư trú ở Mèo Vạc hôm naytừ những vùng đất khác nhau hội tụ về đây, vào những thời điểm khác nhau của lịch sử. Song các dân tộc anh em nơi đây đã sớm hình thành một cộng đồng đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng xây dựng quê hương Mèo Vạc và bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc trưng văn hóa của Mèo Vạc được tạo nên chính bởi những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng riêng, chứa đựng tính truyền thống lịch sử và phong tục tập quán của tộc người. Nhưng cái bản sắc riêng ấy không tách rời mà nằm trong một tổng thể thống nhất. Tạo nên diện mạo văn hóa riêng, độc đáo, nhiều dáng vẻ. Đó là tiếng trống đồng được ngân vang trong Lễ hội Cầu mưa của người LôLô; là những câu truyện cổ, truyện thần thoại của người Giấy; là những làn điệu hát phươn mang âm hưởng của tiếng nhạc rừng, của truyền thống lao động cần cù được vang lên từ tiếng hát của đôi trai gái người Dao; và làn điệu hát lượn của người Tày trong Lễ hội Lồng tồng, trong những hội hát giao duyên của lứa đôi đi tìm tình yêu và kết duyên hạnh phúc. Đến Mèo Vạc, không ai không biết đến tiếng khèn. Tiếng khèn của các chàng trai Mông với âm thanh trầm trầm, với các làn điệu dân ca trữ tình duyên dáng và hồn nhiên, với các phiên chợ ấm áp tình người, tình dân bản….và tất cả đều in đậm dấu ấn văn hóa núi rừng Tây Bắc. Trong xóm, trên nương, xuống chợ vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu có dấu ấn cuộc sống, là có tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo hòa với tiếng suối chảy, gió reo. Tiếng kèn lá tâm tình của người đang yêu, tiếng đàn môi thì thầm nói chuyện với bạn tình trong đêm khuya vắng. Điệu nhạc làm tiêu tan sự mệt nhọc của người lao động, âm thanh tiếng khèn, tiếng sáo, đã thay lời nói, khơi dậy trong tâm hồn họ một niềm tự hào, một tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa. Còn nữa, khi nhắcđến cái tên Mã Pì Lèng là nhắc đến một địa danh gắn liền với kỳ tích của thế hệ cha anh của 6 tỉnh miền núi cách đây hơn 30 năm về trước. Mà những dấu chân và chiến công của những con người đã làm nên con đường mang tên Hạnh Phúc luôn luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc ghi nhớ. Tấm bia đá còn đó, và được đặt ở nơi trang trọng nhất trên khuôn viên của huyện Mèo Vạc. Mã Pì Lèng với tên gọi của địa phương có nghĩa là “sống mũi của con ngựa”. Đó là một núi đá cao ngất trên độ cao 2.000m so với mặt nước biển. Mã Pì Lèng ngạo nghễ nơi góc trời cực Bắc của Tổ quốc thân yêu. Thành quả đó được minh chứng như một kỳ tích, còn in đậm mãi trong tâm trí của người dân vùng cao. Ai đã một lần đặt chân lên con đường này, ngọn núi này sẽ mãi mãi không quên. Giữa cái trưa hè oi ả, của khí hậu ngột ngạt nơi phố hội, du khách lên đây sẽ cảm thấy mình được trẻ lại, niềm vui như được lan tỏa trong từng thớ thịt. Vào những ngày đẹp trời đỉnh Mã Pì Lèng như bừng sắc của thiên nhiên khắp nơi tụ lại. Từng sườn núi rộn rã tiếng gió, tiếng thiên nhiên sao động, tầm mắt trải rộng đến chân trời. Phải đứng giữa trời đất này, ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, vẳng nghe tiếng khèn Mông du khách mới cảm nhận hết được cái phóng khoáng của vùng núi. Từ đỉnh Mã Pì Lèng có thể ngắm nhìn một trong những phong cảnh tuyệt mỹ của tạo hóa ban tặng cho Hà Giang, cho Mèo Vạc đó là toàn cảnh dòng sông Nho Quế xanh ngắt chảy hiền hòa êm đềm giữa những dãy núi cao trập trùng, hũng vĩ và quyến rũ đến ngất ngây lòng người. Nơi đây thật xứng danh là đệ nhất hùng quan. Đến với Mèo Vạc để một lần được tận mắt ngắm nhìn và thưởng ngoạn những công trình do bàn tay và trí sáng tạo của người dân nơi đây kiến tạo. Đó là hồ treo nước Tả Lủng, đây là một trong những hồ treo độc đáo và lớn nhất của tỉnh Hà Giang, thể hiện khát vọng và sức sống mãnh liệt của nhân dân các dân tộc vùng cao trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc trong sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc ... Đến với Hà Giang, với Khau Vai – Mèo Vạc vào những ngày này, du khách sẽ được tận hưởng những thú vị của Lễ hội Chợ tình Khau Vai và những đặc trưng văn hóa của vùng đất địa đầu Tổ quốc và sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng tốt đẹp của người dân vùng cao mến khách. Để Lễ hội Chợ tình Khau Vai được thành công tốt đẹp và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh, của du khách trong và ngoài nước, Ban tổ chức lễ hội cố gắng làm hết sức mình, đảm bảo mọi công tác ăn nghỉ, tham quan, du lịch chu đáo và thuận tiện nhất. Với tinh thần cố gắng nhất, tuy nhiên do khả năng và điều kiện còn nhiều hạn chế nên trong thời gian diễn ra Lễ hội sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Hy vọng với sự cổ vũ động viên kịp thời của đồng bào và du khách Lễ hội chợ tình Khau Vai - Mèo Vạc năm nay sẽ thành công, tạo được những ấn tượng tốt đẹp khó quên...

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=40&itemid=10069