Khánh Ly: 'Không định đi mà đi, không định về lại về'

Với Khánh Ly, những ngày ở Việt Nam, lúc nào cũng bận rộn. Nếu không tiếp một người bạn thì bà cũng đi thăm một ngôi chùa, một nhà thờ hay một trại trẻ mồ côi nào đó.

Mọi thứ cứ san sát nhau. Bà nói mình không muốn phí hoài ngày tháng trời cho hôm nay. Mỗi ngày là một ngày quý. “Đã hơn 70 rồi”, bà nói.

Thật lạ, người nghệ sĩ đã thành danh hơn nửa thế kỷ, là một trong những tiếng hát tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam, nhưng lúc nào bà cũng đau đáu mong khán giả còn chấp nhận mình. “May quá, đi đâu tôi cũng được thương. Từ chợ đến trong nhà, người ta thương mình làm mình vui quá, thậm chí những người rất trẻ cũng thương mình, còn muốn nghe mình hát”, Khánh Ly nói.

Đôi khi, để thử xem chuyện này có thật không, ca sĩ Quang Thành, người đi chung với bà hay nói nửa đùa nửa thật với khán giả vây quanh: “Anh chị có lầm không, đây là cô Lệ Thu!”. Vậy là khán giả cười ầm. Khánh Ly nói bà đã cố gắng thích nghi với những sân khấu, con người mới. Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn học hỏi và tìm cách để mình không là người đứng ngoài lề, hoặc chỉ ăn vay quá khứ.

Khánh Ly. Ảnh: Hải Đông

- Nhưng khi về trình diễn ở Việt Nam, có bao giờ bà thấy mình cũ, và muốn làm một cái gì đó đổi thay con người hay phong cách... để thích nghi với mọi thứ đang quá khác biệt với mình?

- Tôi là người kể chuyện rong qua hai thế kỷ. Tôi muốn về lại quê hương, muốn cúi xuống thật gần để được nắm lấy bàn tay của những người bất hạnh, tìm hạnh phúc từ đó...

Tôi không thể thay đổi nữa, mà hình như thời gian không còn đủ để giúp tôi thay đổi. Mà muốn thay đổi, liệu còn được không? Tôi nhớ có một lần bỏ thuốc lá được gần cả năm, do các bác sĩ luôn khuyên phải bỏ, nếu không thì chết (tôi hút mỗi ngày hơn 20 điếu). Thế rồi dường như tiếng hát có vẻ không ổn. Ông kỹ sư thu âm cho tôi ở Mỹ, ông John Tomlinson có cảnh báo rằng “nếu mày hút thuốc lâu thế mà bỏ, thì sẽ phải tập hát lại như từ đầu đó”. Quả thật, những âm vực cao không còn đúng như ý mình, đành phải hút thuốc lại thôi (cười).

Mình không thay đổi được bởi khán giả đã chọn mình như vậy, mình sống với niềm hạnh phúc cả đời được khán giả chọn, thì sao tôi dám thay đổi?

- Về Việt Nam, đứng cùng sân khấu với các ca sĩ thế hệ mới cũng hát nhạc Trịnh Công Sơn và họ đang có một lớp khán giả riêng, bà có thấy đó là một áp lực?

- Tôi tin ở mình. Mỗi một ca sĩ đều có một nguyên bản của mình, và mỗi nguyên bản đều có một giá trị nhất định thì khán giả sẽ được thưởng thức nhiều hơn, vậy thôi. Đôi khi trên một bài hát quen thuộc của anh Sơn, tôi thấy những người hát rất lạ, rất mới. Nhưng tôi giữ phần mình và tôn trọng sự sáng tạo của họ. Với khán giả có tuổi, tôi là một Khánh Ly của kỷ niệm. Kỷ niệm như tình yêu đầu đời, khó quên lắm, tôi có một lợi thế như vậy. Nhưng tôi cũng tự nhắc mình rằng dù mang tình yêu đầu trong ký ức, nhưng thỉnh thoảng ở tuổi nào đó, người ta cũng có thể yêu thêm mà (cười).

Thật ra không phải so với những ca sĩ trẻ. Ngay trong các ca sĩ bạn bè cùng thời, có những bài, tôi không thể hát hay bằng Lệ Thu hoặc Carol Kim. Trong đời ca hát, có được một khán giả yêu mình đã mừng, giữ được tình yêu đó với họ, lại còn mừng hơn.

- Vậy bà lên sân khấu, là luôn dựng một thế giới khác, điều đó lúc này có khó không?

- Cuộc sống và trải nghiệm của tôi, so với các ca sĩ hôm nay nhiều khác biệt lắm. Họ trẻ, họ không phải đi qua chiến tranh và những điều nặng mang không cần thiết. Tôi như sống một thế giới rất khác với họ, và khi mình cất tiếng hát, dù không muốn dàn dựng gì thì tự nó cũng đã là một không gian khác. Dĩ nhiên, trong suy nghĩ, tôi luôn muốn mình co giãn để có thể sống hòa hợp được với những điều rất mới, lúc này.
Khán giả đã chọn mình như vậy, mình sống với niềm hạnh phúc cả đời được khán giả chọn, sao dám thay đổi.

Nói thì dễ nhưng làm thì rất khó, đã sống đến từng này, tôi vẫn còn thấy cuộc đời thật là khó. Nhưng là một người lạc quan, tôi nghĩ mình có thể đi cùng và tồn tại được.

- Sống như một Khánh Ly đến lúc này, có phải do bà quá khéo léo để tồn tại hay do không muốn màng gì bên ngoài, như vậy bà được gì, mất gì?

- (Suy nghĩ đôi chút) Hay tôi có thể tự gọi mình là một người ngu, được không? Sống trên đời, tôi chọn cách xin mình đứng ở vị trí một người ngu ngơ, sẽ tốt nhất. Cứ vậy mà tôi đi qua mọi thứ, và giữ cho mình không mệt mỏi. Một khi mình còn phải sống, phải làm thì mình không được quyền mệt mỏi. Mọi người nói thì tôi nghe, nhưng tôi chỉ làm điều cần phải làm trong đời ca hát của mình.

Hơn 40 năm, tôi quay lại Sài Gòn. Thấy mình mất rất nhiều và được cũng rất nhiều, nhưng đôi khi tôi tự hỏi mình có nên đem cân đong những điều đó không? Có rất nhiều người mình muốn gặp lại đã không còn. Sài Gòn hay ở đâu cũng vậy, rồi cũng phải thay đổi, cũng phải lạ hơn. Nhưng chắc chỉ có mình cứ hay bị lẩn quẩn với quá khứ, với kỷ niệm, có lẽ mình già rồi và lười biếng chạy về tương lai.

Như đã nói, tôi biết mình đã là quá khứ, là ngày hôm qua. Tôi khép mình lại trong không gian đó. Thú thật, những gì mới mẻ hôm nay như đi diễn Hà Nội, Đồng Nai… đều do chồng tôi gửi gắm để Quang Thành sắp xếp và đồng hành cùng tôi trong những nẻo đường Việt Nam.

Bốn mươi năm, tôi quay lại con đường cũ, nhìn lại phòng trà ngày xưa. Mọi thứ đã khác. Cái cây bé xíu trước đường nay đã như cổ thụ. Nơi chốn cũ, chỉ còn lại dáng dấp của cái cầu thang cũ chưa đổi. Con người của Sài Gòn cũng lạ hơn. Hay thật. Một đời người có mấy lần 40 năm? Sống sót trên cuộc đời và trở về nhìn lại, cảm giác vừa vui, vừa buồn ập đến, khó tả lắm. Lúc đi, không định đi mà đi. Lúc về, không định về, lại về. Cuộc đời thật vô thường như anh Sơn đã hát.

Khánh Ly tự nhận mình ngu để dễ sống. Ảnh: Na Sơn

- Giao thừa năm nay, bà sẽ đón Tết ở đâu?

- Tôi sẽ quay về đón Tết ở Mỹ, thắp cây nhang cho chồng và lại ngồi một mình trong ngôi nhà đó. Ở đó chỉ còn lại một đứa con gái và hai con chó. Tết năm nay là tết thứ hai không có chồng mình bên cạnh nữa. Cái tết của 40 năm trước, tôi là một người không có gì cả, và tết ở Mỹ lúc đó buồn vô cùng. Trong căn phòng tôi ở lúc đó, không có giường, không có tủ lạnh... Khi anh Đoan, chồng tôi hỏi muốn làm gì, tôi nghĩ một lúc rồi nói mình chỉ cần sáu cái chén để cúng cơm như một gia đình Việt.

Tết ở Mỹ đến giờ, với tôi cũng rất buồn. Hàng năm, đến giao thừa, anh Đoan vẫn là người dọn bàn cúng, thắp nhang, rồi hai vợ chồng vào nhà xông đất, chúc nhau. Năm nay, tôi cũng sẽ làm mọi thứ đó, nhưng làm một mình.

Tháng 5/2014, công ty Đồng Dao đã mời được nữ danh ca Khánh Ly về Hà Nội trình diễn lần đầu tiên sau 40 năm. Tiếp sau đó, Khánh Ly tiếp tục về diễn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa - Đồng Nai. Khán giả tại Hải Phòng đã bỏ lỡ một đêm diễn của Khánh Ly vì lý do sức khỏe của ca sĩ, khán giả Bình Dương cũng không được xem vì trùng thời điểm diễn ra đêm nhạc thì Khánh Ly có tang chồng. Đêm diễn gần nhất của nữ danh ca tại Việt Nam là đêm nhạc Cúi xuống thật gần, diễn ra tối 10/1/2016 tại Hà Nội.

Bà đã có những buổi diễn và đi dọc Việt Nam để giới thiệu cuốn sách Đằng sau những nụ cười: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt , Cần Thơ, Sài Gòn, Buôn Mê Thuột, Đồng Nai...

Vào ngày 7/1/2016, tại thánh lễ nhân ngày giỗ đầu của chồng danh ca do Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn chủ tế tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, Khánh Ly đã bày tỏ mình có đủ sức khỏe để thực hiện được mong ước của mình và của chồng lúc còn sống là mang tiếng hát đến mọi miền ở đất nước Việt Nam, ở những nơi mà nữ ca sĩ chưa có cơ hội đặt chân đến trình diễn.

T.A.

Theo Tuấn Khanh/Người Đô Thị

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khanh-ly-khong-dinh-di-ma-di-khong-dinh-ve-lai-ve-post625381.html