Khám trái tuyến sẽ được bảo hiểm y tế trả tới 70%

Có thẻ bảo hiểm y tế ở tỉnh A, nhưng người dân phải bỏ toàn bộ tiền túi nếu chữa bệnh ở tỉnh B, do nơi đăng ký bảo hiểm không chịu thanh toán trái tuyến. Những trường hợp dân bị làm "khó dễ" thế này sẽ giảm bớt, khi sắp tới, Luật Bảo hiểm y tế được áp dụng.> Từ 1/7, đi khám bảo hiểm y tế sẽ bớt khổ

Nhằm hướng tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân - ai cũng mua, tất cả đều là tự nguyện, Luật BHYT ra đời (có hiệu lực từ 1/7/2009, nhưng chưa áp dụng ngay vì chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn) đã có những đổi mới nhất định như chi trả trái tuyến, được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, mở rộng đối tượng tham gia... Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) trao đổi với VnExpress.net về những điểm mới này. - Một độc giả của VnExpress.net sống tại TP HCM thắc mắc rằng chị đến có 2 thẻ bảo hiểm y tế, một của quân đội và một tự nguyện đăng ký tại Bệnh viện Bình Thạnh (TP HCM), vậy mà vẫn phải tự chi toàn bộ 75 triệu để phẫu thuật đốt sống tại Hà Nội, do cả hai nơi đều không chịu thanh toán hay cho chuyển bảo hiểm. Bà có nhận định gì về trường hợp này? - Về nguyên tắc, thẻ quân đội chỉ có giá trị trong hệ thống quân đội điều trị. Ngoài ra nếu được phép người dân có thể đi khám ở bệnh viện ngoài rồi mang hóa đơn chứng từ về cho quân đội thanh toán. Nhưng mà phải theo quy định của quân đội, chúng tôi không quản lý. Với thẻ tự nguyện theo quy định phân tuyến thì đăng ký khám chữa bệnh ở đâu thì phải đến khám ở đó. Nếu vượt quá chuyên môn, kỹ thuật sẽ được chuyển lên tuyến trên. Trong trường hợp trên vì bệnh không cần cấp cứu, chị có thể đợi đến đầu quý sau để đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ra Hà Nội. Nếu không thể đợi được thì có thể trình bày lý do với bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh để xin chuyển viện. Sắp tới, khi có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể Luật Bảo hiểm y tế, người dân đi khám trái tuyến như độc giả đó cũng sẽ được quỹ bảo hiểm thanh toán. Chúng tôi đưa ra quy định mới này vì tâm lý người bệnh chỉ muốn lên trung ương chữa, muốn lên mà ngành y tế không cho phép thì áy náy, khó xử. Vì thế, mở ra như trên để người dân muốn đi thì cho đi, nhưng sẽ được thanh toán theo quy định. Theo dự kiến, khám trái tuyến ở bệnh viện hạng 3 sẽ được thanh toán 70%, hạng 2 là 50% và hạng 1 là 30%. - Mục đích của ngành bảo hiểm là hướng đến một nền y tế toàn dân, ai cũng mua BHYT. Vậy để khuyến khích người dân mua bảo hiểm tại sao chúng ta không cho phép họ được tự chọn nơi chữa bệnh? - Đây là điều mà tất cả những người làm chính sách đều muốn, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT. Nhưng phải căn cứ vào tình hình của nước mình cho phép đến đâu. Nếu cho phép được lựa chọn nơi chữa bệnh sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến trên vì tuyến dưới quá hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Thứ hai sẽ khó quản lý số thẻ và nguồn ngân sách. Hiện nay chúng ta đang phân nguồn ngân sách theo hệ thống hành chính, các tỉnh. Thứ ba là hệ thống công nghệ thông tin chưa phát triển, chúng ta chưa kết nối được tất cả các bệnh viện với quỹ. Thực tế là đa số các nước vẫn khám theo phân tuyến như vậy. Một số số nước có hệ thống quản lý tài chính tốt có thể cho phép khám ở bất cứ bệnh viện. - Nếu vấn đề vướng mắc ở đây là lo sợ quá tải tại các bệnh viện tốt, vậy tại sao chúng ta không tập trung tiền để mở rộng các bệnh viện này hơn là đầu tư cho tuyến dưới? - Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Thứ nhất là đầu tư tốt cho bệnh viện tuyến dưới để giải quyết vấn đề quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Nhưng nếu càng tăng cường cho tuyến trên thì tuyến dưới càng bỏ ngỏ. Trong khi đó, phân bố cơ cấu dân số của nước ta 80% dân số sống ở nông thôn, 60% ở vùng sâu, vùng xa. Nếu không phát triển tuyến dưới, những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ phải lên tuyến trên để khám, chữa bệnh. Ngoài chi phí khám chữa bệnh còn rất nhiều chi phí khác kèm theo như đi lại, ăn ở.. Quan điểm thứ hai là tăng cường y tế cơ sở để đáp ứng tốt được nhu cầu khám bệnh của người dân ngay từ cơ sở, ngay từ khi phát hiện bệnh. Hơn nữa, quá tải ở đây không chỉ là bệnh nhân đông. Với bệnh nhẹ thì có thể điều trị ở tuyến dưới, nhưng nếu dồn tất cả lên tuyến trên thì các bác sĩ không có thời gian tập trung cho những bệnh nhân nặng, kỹ thuật cao. Cái gì cũng có hai mặt của nó, nên chúng ta cần phải phát triền đồng bộ cả tuyến trên và dưới. - Với thực trạng tuyến dưới còn yếu như hiện nay mà quy định người dân phải chọn tuyến dưới để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu liệu có hợp lý, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của họ? - Mục đích quy định khám chữa bệnh ban đầu nhằm giải quyết nhu cầu của người dân. Trước kia nhà người dân gần trạm y tế xã hoặc huyện bên, nhưng lại không thể khám ở đấy mà phải đi xa để đến trạm y tế của xã mình, nay thì khác. Người dân có thể chọn cơ sở khám chữa bệnh ở bất kỳ xã, huyện nào, không phân biệt địa giới hành chính. Xu thế chung là coi nơi khám chữa bệnh ban đầu là nơi gác cổng, người dân đến được phân loại sàng lọc bệnh nặng, nhẹ, phân loại ngay từ đầu. Vì thế cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, luật quy định như vậy nhưng không phải bắt buộc và thực hiện cứng nhắc. Nghĩa là người dân không bị ép buộc phải đăng ký khám chữa bệnh ở xã, huyện trong khi nơi đó không đủ điều kiện, mà có thể đăng ký tại tỉnh, trung ương. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh sẽ quyết định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên địa bàn, xem xét xem trạm y tế xã, huyện nào đáp ứng được không. - Một số người cho rằng đi khám BHYT bác sĩ tỏ vẻ lạnh nhạt, khó chịu với người bệnh vì không được trích hoa hồng như khám dịch vụ. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào? - Thực ra tiền khám BHYT hay khám dịch vụ cuối cùng cũng đều dung hòa vào quỹ của bệnh viện. Có một số người khám BHYT phàn nàn về thái độ của cán bộ y tế. Bệnh nhân bảo hiểm thường đông, vì thế có thể cán bộ y tế không có có ứng xử tận tình nên người bệnh không hài lòng. Ngoài ra cũng phải nói đến thủ tục thanh toán, ở đây không phải giữa người bệnh với bệnh viện mà giữa bệnh viện với quỹ. Quỹ bảo hiểm đòi hỏi rất nhiều thủ tục, xuất trình thẻ, giấy tờ, khi nhân viên y tế yêu cầu đúng như thế thì người bệnh không thoải mái. Tuy nhiên cũng có lỗi từ phía người bệnh như quên thẻ, giấy hẹn, chứng minh thư hoặc có thẻ nhưng sai tên, sai họ mà không để ý. Đến khi nhân viên y tế yêu cầu làm đúng thủ tục thì không thấy thoải mái. Vì thế đây là vấn đề từ hai phía, người bệnh trước khi đi khám cần tìm hiểu rõ thủ tục, cán bộ y tế cũng cần có cách ứng xử sao cho mềm mỏng, nhẹ nhàng. Nam Phương

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/doi-song/2009/07/3ba118df/