Khám phá ngọn núi Cấm huyền thoại của Nam Bộ

Xung quanh núi Cấm An Giang có rất nhiều giai thoại dân gian kỳ bí về những bậc đạo sư có phép màu thần thông, những lời nguyền khủng khiếp...

Nằm ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Núi Cấm (Cấm Sơn) là một ngọn núi thiêng nối tiếng, có vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa của miền đất Nam Bộ.

Cấm Sơn là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỷ 19. Sách đã miêu tả: Thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót. Ảnh: Đường lên núi Cấm.

Có nhiều giả thuyết về tên gọi của núi Cấm An Giang. Theo GS. Nguyễn Văn Hầu, giả thuyết đáng tin cậy hơn cả là Đoàn Minh Huyên (tức Phật Thầy Tây An) đã cấm các tín đồ của mình lên đó cất nhà lập am, bởi sợ sẽ ô uế chốn núi thiêng. Ảnh: Cảnh tượng thiên nhiên trên núi Cấm.

Theo một giả thuyết khác, Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải vào núi này nương thân. Muốn tông tích được giấu kín, các cận thần phao tin có ác thú, yêu quái, để cấm dân chúng vào núi. Ảnh: Hồ Thủy Liêm trên đỉnh núi Cấm.

Cũng có người cho rằng tướng cướp Đơn Hùng Tín (biệt danh của Lê Văn Tín, quê Cao Lãnh) có lúc dùng nơi này làm sào huyệt. Sợ lộ, Tín cấm dân lên núi để dễ bề hoạt động. Ảnh: Tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên núi Cấm.

Tác giả Nguyễn Văn Hầu thì cho rằng cảnh hoang vu tịch mịch của núi Cấm rất thuận tiện cho những tay "Lương Sơn Bạc" tụ tập để gây rối cho xóm làng và các vùng phụ cận. Muốn giữ sự yên tịnh cho dân tình, nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lịnh cấm họ ở trong vùng này. Ảnh: Cây cầu bắc qua hồ Thủy Liêm dẫn vào chùa Phật Lớn trên núi Cấm.

Xung quanh ngọn núi này còn có rất nhiều giai thoại dân gian kỳ bí về những bậc đạo sư có phép màu thần thông, những lời nguyền khủng khiếp hay những con mãng xà khổng lồ reo rắc kinh hoàng cho người dân... Ảnh: Chính điện chùa Phật Lớn.

Ngày nay, núi Cấm đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh An Giang với dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối xanh tươi. Ảnh: Bên trong chùa Phật Lớn.

Trên núi có các danh lam và danh thắng nổi bật là Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, v.v... Ảnh: Chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm.

Khung cảnh tuyệt mỹ cùng những câu chuyện kỳ bí gắn với núi Cấm khiến địa danh này trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất An Giang.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kham-pha-ngon-nui-cam-huyen-thoai-cua-nam-bo-585781.html