"Khách hàng là bạn hàng, An Phát Plastic vượt qua nỗi khổ giá dầu bằng tâm niệm đó!"

Theo ông Phạm Ánh Dương :"Giá dầu đột ngột lao dốc rất nhanh và sâu, điều này cũng kéo theo sự đi xuống của giá nhựa. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty".

Ông Phạm Ánh Dương.

Năm 2015 là năm khó khăn đối với không ít doanh nghiệp. Biến động giá dầu khiến mọi toan tính của họ đều "đi tong". Nhưng dù khó khăn đến mấy, nó cũng đã đi qua. Nhân dịp đầu xuân năm mới, chúng tôi có trao đổi với ông Phạm Ánh Dương-Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AnPhat Plastic-mã chứng khoán AAA ) về những chiến thuật để vượt qua khó khăn trong năm cũ và định hướng năm 2016.

Thưa ông, Năm 2015, yếu tố bất ngờ là giá dầu đã tác động thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty? Công ty đã xử lý vấn đề này như thế nào?

- Ông Phạm Ánh Dương: Quý 4 năm 2014, giá dầu đột ngột lao dốc rất nhanh và sâu, điều này cũng kéo theo sự đi xuống của giá nhựa. Trước đó, do khách hàng đều là những bạn hàng lớn, mua hàng ổn định nên chúng tôi thường thỏa thuận bán hàng dài hạn với giá đã chốt trước. Và đồng thời chúng tôi cũng ký hợp đồng mua hàng để làm nguyên liệu đầu vào cung cấp cho những hợp đồng đã ký bán.

Do giá nhựa giảm nhanh và sâu nên các khách hàng đã thỏa thuận mua dài hạn bị thiệt hại, họ có đề nghị công ty hỗ trợ giảm giá hoặc lùi thời gian gian hàng, mà nếu cần họ sẵn sàng chịu phạt hợp đồng 5%. Đứng trước vấn đề đó, công ty xác định khách hàng là yếu tố căn bản trong kinh doanh, bằng mọi giá phải giữ khách, cùng sẻ chia khó khăn với khách nên chúng tôi quyết định sẽ giảm giá chịu lỗ để cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đồng thời công ty cũng tiến hành đàm phán linh hoạt với đầu cung cấp nguyên liệu đề xuất sửa hợp đồng , hỗ trợ giảm giá. Với việc đàm phán xử lý linh hoạt, theo kế hoạch công ty sẽ bị lỗ khoảng 60 tỷ nhưng chúng tôi đã hạn chế được thiệt hại, nên chỉ bị lỗ 2 quý khoảng 15 tỷ, và kết thúc năm 2015 vẫn có lãi trên 50 tỷ.

Ông từng chia sẻ về cơ chế giá bán ra theo giá đầu vào để hạn chế tối đa rủi ro. Ông có thể chia sẻ rõ hơn cơ chế này và những điểm lợi, hại so với cơ chế trước? Nói như vậy có nghĩa là về sau công ty không hưởng lợi gì nhiều về chiến lược nguyên liệu?

- Ông Phạm Ánh Dương: Sau sự ảnh hưởng nghiêm trọng của giá dầu, công ty đã nhận thấy sự tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi ký các hợp đồng dài hạn và chốt cứng giá mua bán. Chúng tôi đã tiến hành rà soát , đàm phán lại, hạn chế tối đa các hợp đồng dài hạn. Các hợp đồng bắt buộc phải ký dài hạn sẽ áp dụng cơ chế +/- 5%, tức là khi có biến động về giá khoảng 5% thì hai bên phải tiến hành điều chỉnh tương ứng. Cơ chế này sẽ giúp công ty ổn định về mặt lợi nhuận, hạn chế rủi ro về nguyên liệu đầu vào.

Thế còn tỷ giá thì sao? Với cơ chế tỷ giá mới, doanh nghiệp có gặp khó khăn gì không khi xuất khẩu sản phẩm hay nhập khẩu nguyên liệu?

Ông Phạm Ánh Dương: Về cơ bản, với 97% sản lượng dành cho xuất khẩu, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho chúng tôi. Tuy nhiên với cơ cấu nguyên liệu chiếm tới 75% giá bán, mà nguyên liệu phải nhập khẩu thì sự ảnh hưởng của tỷ giá là không quá nhiều. Tất nhiên , nếu tỷ giá tăng thì chắc chắn là công ty sẽ có lợi, chúng tôi tính nếu tỷ giá tăng 1% thì 1 năm công ty lợi khoảng 3-4 tỷ.

Ông chia sẻ rõ hơn về cơ hội vàng “Trung Quốc+1” mà ông đã chia sẻ trong thư quản trị gần đây?. Mức độ chắc chắn về cơ hội khách hàng từ Nhật Bản với công ty như thế nào? Bản thân tôi có cảm giác là thế giới đang biến động quá nhanh và nếu dựa vào cơ hội trước mắt để đầu tư mạnh thì sẽ khá rủi ro….

- Ông Phạm Ánh Dương: như chúng ta đã biết, Trung Quốc đang mất dần yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư và các lợi thế cạnh tranh bởi các vấn đề nội tại của mình. Bên cạnh đó, đối với Nhật Bản, Trung Quốc đang gặp phải làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.

Đặc điểm kinh doanh của người Nhật là rất chắc chắn, nếu họ đã tin tưởng, họ sẽ mãi gắn bó. Các khách hàng Nhật Bản họ đã làm việc với chúng tôi lâu năm đều là khách hàng lớn, có uy tín. Họ đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về hệ thống quản lý sản xuất và các kinh nghiệm để chinh phục thị trường Nhật. Do vậy chúng tôi rất tin tưởng khi quyết định đầu tư mở rộng cho thị trường Nhật Bản

Có vẻ như doanh nghiệp mải mê chinh chiến thị trường ngoại. Ông đánh giá ra sao về tiềm năng thị trường nội địa đối với những sản phẩm mà công ty cung cấp?

- Ông Phạm Ánh Dương: Thị trường nội địa là rất tiềm năng, chúng tôi cũng đã nhìn ra điều đó. Trong năm tới, khi hoàn thiện được hệ thống sản xuất các sản phẩm túi thực phẩm, y tế theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật, chúng tôi sẽ sản xuất và cung cấp dòng sản phẩm này cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra các sản phảm túi tự hủy thân thiện với môi trường có giá cạnh tranh hơn để tiêu thụ cho thị trường nội địa

Ông đánh giá năm 2016 sẽ còn những thách thức gì lớn cho doanh nghiệp?

- Ông Phạm Ánh Dương: Năm 2016 vẫn là 1 năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới. Các rủi ro về giá dầu, khủng hoảng tài chính vẫn là nỗi lo của nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp cũng không là ngoại lệ. Nhưng chúng tôi sẽ đón tiếp khó khăn như đón tiếp cơ hội. Trong họa đôi khi có phúc. Nếu lúc này những doanh nghiệp nào thực sự mạnh sẽ đi lên nhanh chóng, doanh nghiệp nào yếu sẽ phá sản, khó khăn. Với An Phát, chúng tôi sẽ quyết tâm biến khó khăn chung thành cơ hội của riêng mình, đưa An Phát trở thành doanh nghiệp bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2018.

Xin chân thành cám ơn ông !

Phương Chi

Theo Trí thức trẻ

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/doanh-nghiep/khach-hang-la-ban-hang-an-phat-plastic-vuot-qua-noi-kho-gia-dau-bang-tam-niem-do-20160204115044907.chn