Khắc tinh của lơ-xê-mi dòng bạch cầu hạt

Bạch cầu trong máu với lượng bình thường là “chiến sĩ” giúp cơ thể chống lại những bệnh truyền nhiễm và “vật thể lạ” trong máu nhưng một khi tăng cao, có thể gấp 20-40 lần bình thường thì nó lại trở thành một kẻ hủy diệt đối với cơ thể. Hiện nay, biện pháp tiên tiến nhất để loại bỏ số bạch cầu dư thừa một cách an toàn, nhanh chóng là sử dụng máy tách tế bào.

Vừa qua, Bệnh viện 19/8 - Bộ Công an đã sử dụng loại máy tách tế bào điều trị thành công trường hợp lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt đầu tiên với số lượng bạch cầu tăng cao gấp 25 lần. Thành công này thêm một lần nữa chứng tỏ máy tách bạch cầu thực sự là một khắc tinh của bạch cầu thừa và của bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt.

Cảnh giác với mệt mỏi kéo dài

Chị Đào Thị X., 43 tuổi (Kim Giang, Hà Nội), từ gần hai năm nay trong người luôn cảm thấy mệt mỏi, thỉnh thoảng lại bị sốt, viêm họng. Ngỡ đây chỉ là những biểu hiện bình thường nên chị không đi khám bệnh. Đến ngày 27 Tết Nguyên đán, chị bất ngờ bị đau quặn dữ dội kéo dài 1 giờ kèm theo sờ bên sườn trái thấy nổi lên một khối u cục nên rất lo lắng. Cố gắng chờ qua Tết, chị đến khám tại Bệnh viện Đại học Y và được bác sĩ cho xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy bạch cầu của chị tăng cao bất thường, cần điều trị ngay. Chị là cán bộ công an nên được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 19/8. ThS. Bùi Huy Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu - Bệnh viện 19/8 cho biết, khi vào viện, chị X. được xét nghiệm máu với chỉ số bạch cầu là 255.000 bạch cầu/mm3 máu, trong khi đó, giá trị bình thường chỉ từ 4.000-10.000 bạch cầu/mm3 máu và được chỉ định gạn tách bạch cầu trong thời gian ngắn nhất bằng máy tách tế bào để cứu nguy cho tính mạng bệnh nhân. Sau hai lần tách gạn, số lượng bạch cầu đã trở về mức độ cho phép, chị X. đã qua giai đoạn nguy kịch và đang hồi phục nhanh chóng.

Bệnh nhân trong quá trình gạn tách bạch cầu tại Bệnh viện 19/8.

Lợi ích từ máy gạn tách tế bào

Theo ThS. Tuấn, với những bệnh nhân có bạch cầu trên 100.000/mm3 là có chỉ định gạn tách tế bào. Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt có đặc trưng là tăng sinh tế bào bạch cầu trong máu, khi bạch cầu tăng trên 100.000/mm3 sẽ gây nguy cơ tắc mạch, cần được điều trị ngay để giảm bạch cầu xuống. Người bệnh có thể được sử dụng thuốc giảm bạch cầu tùy liều lượng nhưng cần giảm từ từ. Khi được gạn tách bạch cầu bằng máy tách tế bào thì trong thời gian ngắn nhất ở lần gạn đầu tiên, khoảng 2h, lượng bạch cầu trong máu chị X. đã xuống còn khoảng 160.000/mm3 mà không làm vỡ màng tế bào, không gây độc cho cơ thể. Đến lần thứ hai gạn tách, lượng bạch cầu xuống còn 90.000/mm3, bệnh nhân qua được giai đoạn nguy hiểm, tiếp tục điều trị bằng hóa chất để lượng bạch cầu trở về bình thường. Trong khi đó, để giảm được lượng bạch cầu này bằng thuốc thì cần từ 10-12 ngày nhưng gây nguy hiểm cho người bệnh vì khi bạch cầu bị vỡ, tất cả chất độc trong tế bào đó cũng vỡ ra, giải phóng vào cơ thể, người bệnh có thể sẽ bị ngộ độc và tử vong.

Máy gạn tách tế bào hoạt động thế nào?

ThS. Bùi Huy Tuấn cho biết, để thực hiện gạn tách tế bào, đầu tiên, bác sĩ sẽ đưa đường ống vào, lấy máu từ ven, dẫn máu đi vào máy, máy sử dụng hệ thống ly tâm, khi ly tâm thì tùy theo thể tích, trọng lượng sẽ phân từng lớp, lấy phần bạch cầu ra rồi truyền lại phần máu trở vào, tương tự hệ thống lọc máu ngoài cơ thể. Máy tách tế bào sử dụng cơ chế ly tâm tỷ trọng, dưới tác dụng của lực ly tâm thì các thành phần có tỷ trọng khác nhau sẽ phân thành lớp, tùy theo kít được sử dụng: tách tiểu cầu, tách bạch cầu hay trao đổi huyết tương. PGS.TS. Trần Minh Đạo - Giám đốc Bệnh viện 19/8 còn cho biết, máy gạn tách tế bào ngoài giá trị về tách các thành phần trong máu điều trị bệnh máu, tách huyết tương điều trị các trường hợp ngộ độc còn tách tế bào gốc để thực hiện ghép tế bào gốc, hướng cho bệnh viện phát triển về chiều sâu trong điều trị ung thư máu. Trước đây, Bệnh viện 19/8 đã thực hiện ghép tế bào gốc nhưng phần gạn tách phải nhờ sự hỗ trợ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhưng hiện nay có thể tự thực hiện và trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục ghép tế bào gốc cho các bệnh nhân mắc bệnh về máu với sự hỗ trợ đắc lực từ máy gạn tách tế bào.

Lê Hoàng Khánh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120319104034199p0c44/khac-tinh-cua-loxemi-dong-bach-cau-hat.htm