Israel nhảy vào chiến trường Syria?

Vụ không kích của Israel trên lãnh thổ Syria hôm 30-1 đã làm gia tăng nguy cơ cuộc nội chiến có hậu thuẫn của phương Tây ở nước này lan rộng, kéo theo một số nước trong khu vực và nhấn chìm Trung Đông trong cuộc xung đột đẫm máu.

Đòn phủ đầu chớp nhoáng

Tổng tư lệnh quân đội Syria ra tuyên bố cho biết chiến đấu cơ Israel đã lẻn được qua hệ thống radar của Syria và tấn công một trung tâm nghiên cứu khoa học ở ngoại ô thủ đô Damascus vào rạng sáng ngày thứ tư (30-1).

Chiến đấu cơ Israel đã xâm phạm không phận Syria vào bình minh ngày thứ tư và dội bom trực tiếp xuống trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự của Syria, nằm ở ngoại ô Jumraya của thủ đô Damascus.

Theo quân đội Syria, vụ tấn công diễn ra sau nhiều lần xâm nhập bất thành của "các nhóm khủng bố vũ trang” nhằm chiếm cơ sở này trong những tháng vừa qua. Thông tin ám chỉ cuộc không kích của Israel hỗ trợ cho quân nổi dậy. Vụ tấn công làm 2 công nhân thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Theo tuyên bố này, các chiến đấu cơ Israel đã lẻn vào từ vùng núi biên giới al-Shaikh và bay ở tầng thấp, dưới tầm theo dõi của radar, rồi hướng tới Jumraya. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với thông tin phía Israel đưa ra rằng họ đã không kích một đoàn xe được cho là đang đi từ Syria tới Lebanon.

Lên án vụ tấn công là "xâm phạm trắng trợn” không phận Syria, quân đội Syria khẳng định rằng Israel, cùng với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố thúc đẩy và hưởng lợi từ các hành động khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, quân đội Syria tuyên bố hành động sẽ không ngăn được nước này ủng hộ các phong trào phản kháng, mà trước hết là sự nghiệp của người Palestine.

Về mặt kỹ thuật, Syria đang trong tình trạng chiến tranh với Israel kể từ năm 1948. Thù hằn tăng cao khi chính quyền Syria ủng hộ lực lượng Hezbollah. Israel đã chiếm Cao nguyên Goland từ tay Syria trong cuộc chiến Ả rập-Israel vào năm 1967. Israel và Syria còn có một cuộc chiến khác vào năm 1973, sau khi Syria tái chiếm các khu vực nhỏ của Goland mà Israel đã chiếm 6 năm trước.

Chiến dịch diện rộng của Israel

Tờ New York Times dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết mục tiêu của cuộc không kích rạng sáng hôm thứ tư là một đoàn xe chở vũ khí cung cấp cho lực lượng Hezbollah, nhóm vũ trang chính trị ở Lebanon – vốn bị Israel coi như mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, chính phủ Syria lại nói rằng mục tiêu của Israel là nhằm vào cơ sở nghiên cứu khoa học quân sự của họ ở Jamraya, thuộc vùng núi Qasioun, cách thủ đô Damascus chỉ 5km về hướng Tây. Vụ không kích khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Chính quyền Damascus buộc tội vụ không kích là kết quả của một hợp đồng tác chiến của Israel và "các lực lượng nổi dậy” được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Về phần mình, Israel cho đến nay vẫn giữ sự im lặng tuyệt đối về hành động gây hấn của mình đối với Syria. Giới quan sát đã mô tả sự im lặng này như "một phần của chiến lược dài hạn”, trong đó cho một số quốc gia nhất định cơ hội tránh xung đột gia tăng theo cách giữ thể diện nhất.

Chính phủ cánh hữu cực đoan của Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố rằng họ lo ngại cuộc chiến ở Syria sẽ khiến nguồn vũ khí dễ dàng tuồn tới tay lực lượng Hezbollha hoặc phiến quân Hồi giáo được phương Tây hậu thuẫn. Trên thực tế, chính phủ của ông Netanyahu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Syria để tổ chức một số cuộc tấn công quân sự nhằm làm suy yếu các đối thủ của mình và dọn đường cho một cuộc chiến diện rộng.

Theo giới chức Mỹ, đoàn xe vận chuyển hướng tới Lebanon không hề mang vũ khí hóa học hay nào, mà chỉ có tên lửa chống không SA-17 của Nga chế tạo, có khả năng hạ gục máy bay ném bom, máy bay trực thăng và máy bay không người lái của Israel.

SA-17 một khi rơi vào tay lực lượng Hezbollah, sẽ khiến không quân Israel không thể tự do bay lượn trên không phận của Lebanon như họ vẫn thường làm từ năm 2006 đến nay. Việc kiểm soát không phận Lebanon sẽ mang ý nghĩa hết sức quan trọng nếu như Israel đang chuẩn bị một cuộc chiến ở miền bắc nước này – khu vực Israel từng đánh chiếm năm 2006, khiến 1.100 người chết.

Viễn cảnh này sau đó đã được xác nhận bởi một Tư lệnh quân đội của Israel. Sau vụ không kích hôm thứ tư, Thiếu tướng Amir Eshel, Tư lệnh lực lượng không quân Israel, tuyên bố rằng họ đang theo đuổi chiến lược "cuộc chiến giữa các cuộc chiến” và nói rằng "chiến dịch này được thực hiện 24/7, 365 ngày trong năm…nhằm triệt giảm các mối đe dọa, tạo ra điều kiện tốt hơn để giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến một khi nó xảy ra”.

Nguy cơ tiềm ẩn

Vụ không kích xảy ra gần như ngay sau khi cuộc thảo luận giữa Israel và Mỹ diễn ra. Sau đó, Washington cũng giữ im lặng tuyệt đối về vụ không kích. Nhà Trắng chỉ đưa ra một cảnh báo đối với Syria, trong đó lên án việc nước này làm bất ổn định trong khu vực bằng cách tuồn vũ khí cho lực lượng Hezbollah.

Trong khi đó, các hành động quân sự "ngăn chặn” của Israel đối với một số quốc gia có chủ quyền trong khu vực lại không bị Washington lên án là "gây bất ổn”. Vụ không kích, xét cho cùng, cũng chỉ là một trong những hành động bất hợp pháp của đồng minh Mỹ trong thời gian qua, trong đó phải kể đến vụ tấn công cái mà họ cho là cơ sở vũ khí ở Sudan hồi tháng 10 năm ngoái và cuộc tấn công ở Dải Gaza.

Chính phủ Nga đã lên án vụ không kích của Israel, gọi đây là "hành động gây hấn đối với một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp quốc và không thể chấp nhận được bất kể lý do gì”.

Iran, đồng minh thân cận nhất của Syria trong khu vực, cảnh báo rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho vụ không kích của Israel. Trước đó, nước này đã từng nói rằng họ sẽ coi mọi cuộc tấn công trong lãnh thổ Syria như một hành động xâm phạm lãnh thổ của chính họ.

Ở Lebanon, Tổng thống Michel Suleiman lên án vụ không kích là "hành động gây hấn trắng trợn” và buộc tội Israel "lợi dụng diễn biến ở Syria để thực thi các chính sách hung bạo, chống lại các Hiệp ước quốc tế và quyền con người”.

Vụ không kích ngày 30-1 của Israel đã đánh động toàn khu vực xét về mặt quân sự, trong đó có Hạm đội 18 của Nga ở phía đông Địa Trung Hải, quân đội Lebanon, Jordan và quân đội Mỹ đang đóng ở căn cứ không quân Incerlik-Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã triển khai ở Jordan.

Vụ tấn công được Mỹ hậu thuẫn mới chỉ là khởi điểm cho những hành động quân sự đưa khu vực tới gần một cuộc chiến diện rộng – chống lại Iran và Syria – kéo theo toàn khu vực vào bể máu và đe dọa cuộc sống của hàng triệu con người.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60987&menu=1434&style=1