Hy vọng mới cho điều trị HIV/AIDS

Các nhà khoa học Mỹ ngày 12/5/2011 vừa công bố thử nghiệm thành công việc sử dụng thuốc trong điều trị AIDS. Theo đó, những người nhiễm HIV nếu được sử dụng các loại thuốc phòng chống AIDS ngay trong thời gian đầu mắc bệnh, trước khi hệ thống miễn dịch của họ bắt đầu suy yếu sẽ hiệu quả đến 96%.

Đây thực sự là tin chấn động sau "cú sốc y học" năm 2010, khi các nhà khoa học Đức tuyên bố đã "xóa sạch" thành công virus HIV trong cơ thể bệnh nhân Timothy Ray Brown, người Mỹ gốc Đức bằng phương pháp cấy ghép tủy. Các chuyên gia cho rằng, thành công với Timothy chính là bước đột phá trong hành trình nghiên cứu và chữa trị HIV bấy lâu nay. Cùng với kết quả thử nghiệm mới công bố, các nhà khoa học thế giới hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần có thể tuyên bố rằng, cuộc chiến chống lại HIV/AIDS đã đi tới hồi kết. Những thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 1.800 cặp vợ chồng (trong đó vợ hoặc chồng nhiễm HIV) ở Mỹ và 9 quốc gia trên thế giới từ tháng 4/2005 đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Các bác sĩ đã sử dụng các loại thuốc kháng virus sẵn có của các hãng Abbott, Boehringer Ingelheim, Bristol-Myers Squibb, Gilead Sciences… để tiến hành thực nghiệm. Chi phí nghiên cứu được Viện Nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) tài trợ tới 73 triệu USD cho thời gian từ 2005 đến 2015, tuy nhiên công trình nghiên cứu này đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 4 năm. Được sử dụng thuốc phòng chống AIDS trong thời gian đầu khi chưa suy yếu hệ miễn dịch sẽ hiệu quả đến 96%. Đây là một bước đột phá có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của virus HIV/AIDS, vì hiện nay chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được dứt điểm căn bệnh thế kỷ này. Bên cạnh đó, chứng minh khoa học này cho phép người nhiễm HIV có cơ hội sống bình thường và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Xuất phát từ sáng kiến trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu, ngày 1-12 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế phòng chống AIDS. Các chính phủ, tổ chức và hội từ thiện lấy ngày này để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tổng kết về công tác phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Đầu tháng 6 vừa qua, Đại hội đồng LHQ khóa 65 đã khai mạc Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS với sự tham gia của hơn 30 người đứng đầu nhà nước, chính phủ cùng 3.000 đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đối tác phát triển, bệnh nhân HIV trên khắp thế giới. Tuyên bố chính trị mới được thông qua vào ngày 11/6, cam kết tăng cường các nỗ lực loại trừ căn bệnh thế kỷ đã trở thành đại dịch trong suốt 30 năm qua, nhằm đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới không còn HIV/AIDS. Tuyên bố dài 17 trang, kêu gọi các chính phủ thể hiện quyết tâm để đạt được các mục tiêu đặt ra đúng hạn vào năm 2015, đảo ngược xu thế phát triển của đại dịch và làm dịu những tác động của căn bệnh này đến kinh tế xã hội, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, xóa bỏ bất bình đẳng giới, lạm dụng bạo lực và các hành vi bạo lực giới. Chủ tịch Deiss nhấn mạnh sự thành công trong cuộc chiến chống HIV/AIDS cần dựa trên quan hệ đối tác rộng rãi, sự phối hợp sức mạnh giữa chính phủ, tư nhân và khu vực xã hội dân sự. Đây không chỉ đơn thuần chống lại bệnh tật, mà con người cũng đang đấu tranh cho quyền lợi và bình đẳng của chính mình. Song song với việc tiếp tục nghiên cứu và bào chế các loại thuốc có tác dụng chữa trị, phục hồi và duy trì các chức năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu dựa trên cơ sở phân tích và khám phá cấu trúc của virus HIV đã đạt được những bước tiến dài trong hành trình chống lại căn bệnh thế kỷ. Năm 1996, thuốc trị bệnh HIV/AIDS rất công hiệu (Active Antiretroviral Treatment) được sản xuất và được sử dụng tại một số quốc gia đang phát triển. Thời gian gần đây, một nhóm các nhà khoa học đến từ Australia, đứng đầu là Giáo sư Marc Pellegrini, đã công bố những thành công bước đầu trong việc chữa trị một số hội chứng tương tự HIV trên cơ thể chuột, tạo ra tiền đề phát triển các loại thuốc đặc hiệu hơn trong tương lai. Đây có thể coi là một bước đột phá vĩ đại của y học thế giới nhiều năm qua. Đột phá y học lớn nhất mang biệt danh "bệnh nhân Berlin", Timothy Ray Brown, người Mỹ gốc Đức. Theo tờ Huffington Post, các bác sĩ đã cấy ghép tế bào gốc trên cơ thể bệnh nhân này từ năm 2007 trong chương trình điều trị bệnh bạch cầu kéo dài, đến năm 2010, kết quả cuộc thử nghiệm đã "minh chứng mạnh mẽ cho việc chữa trị được bệnh nhân nhiễm HIV" khi bệnh nhân Brown được khẳng định không còn dương tính với HIV. Giới chuyên môn nhận định trường hợp đặc biệt này mở ra hướng điều trị mới, lâu dài cho sự lây nhiễm HIV thông qua công nghệ di truyền tế bào gốc. Tuy đầy hứa hẹn nhưng nó không phải là một giải pháp dễ dàng. Một phát hiện khác liên quan đến đại dịch AIDS do báo Time bình chọn thuộc Top 10 đột phá y học 2010: người khỏe mạnh, nếu sử dụng thuốc kháng virus chỉ định trong điều trị HIV thì nguy cơ mắc bệnh giảm xuống trên 70%, thắp lên hy vọng trong hành trình khốc liệt chống lại căn bệnh đang hoành hành trên khắp thế giới và đe dọa sự tồn tại của cả nhân loại. Hiển nhiên, những bước tiến trong y học chỉ là những tiền đề ban đầu cho nghiên cứu trong tương lai, và HIV/AIDS chưa thể bị loại bỏ. Nhưng loài người có quyền mơ ước một ngày không xa cuộc chiến chống lại HIV/AIDS sẽ đi tới hồi kết

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2011/6/75553.cand