Huyết lình - Huyền thoại và bi kịch một thứ nghề

“Huyết lình” tiếng Tày có nghĩa là “máu khỉ”. Chẳng biết tự bao giờ trong một bộ phận những dân tộc thiểu số ở phía Bắc, đặc biệt là người Tày ở Hà Giang đã lưu truyền những đặc hiệu về “máu tháng’ của loại động vật có cùng bộ nhiễm sắc thể (24 nhiễm sắc thể) với con người này. Nào là lợi nhi, lợi phụ, trở dạ dễ, sinh con khỏe, không sản giật, không ho hen sau sinh... Những cảm nhận chưa qua kiểm chứng của khoa học nhưng lại có tiếng trong miệng lưỡi thế gian đã đưa huyết lình trở thành loại thuốc có giá và khá khó kiếm. Chưa rõ thực hư về công dụng của nó ra sao, nhưng thực tế đã có rất nhiều bi kịch cho người làm nghề.

Vào cuộc Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La... đâu đâu chúng tôi cũng nghe những chuyện kỳ thú về huyết lình từ những cụ già cao tuổi. Thế nhưng chuyện huyết lình kỳ thú nhất phải kể đến Hà Giang. Ở cái tỉnh ngút ngàn đá này thì đất Ngọc Minh là nơi đáng chú ý nhất. Ngọc Minh là xã xa với trung tâm huyện khoảng 60km, còn cách tỉnh phải ngót 100km. Con đường vào Ngọc Minh vẫn còn rất khó đi. Chúng tôi tìm vào với bản Tàn. Nghe tên thì “mủi lòng” nhưng trái lại bản Tàn lại hết sức trù phú, nhất là vẻ đẹp của các thôn nữ ở đây. Sau gần nửa ngày lội bộ, con ngựa của người dẫn đường bất chợt quật đuôi rẽ trái, chúng tôi tìm vào căn nhà sàn lợp ngói bề thế dưới một vườn cọ. Con chó dé sủa nhí nhách, chủ nhà có tên Chúng Xuân Voòng ra đón chúng tôi. Qua chín nhịp cầu thang ẩm lạnh, chiếc bếp củi leo lét cháy đưa mọi người vào một không gian đầy huyền thoại. Bữa cơm chiều dọn ra, hai chai rượu cạn đáy, ông Voòng trở nên linh hoạt. Ông giữ chúng tôi ở nhà thêm hai ngày. Sáng ra suối, khi ngủ lại phải chui vào những chiếc giường lót đầy lá rừng và không được tắm rửa. Sang ngày thứ 2, trước khi chúng tôi lên đường ông Voòng đã xoay trần từng đứa ra để hít hà rồi bảo: Cái lá rừng của tao đã “đuổi” hết mùi Hà Nội của chúng mày. Thế là bọn khỉ trong núi sẽ không phát hiện được ra chúng mày là người để bỏ chạy nữa. Chúng tôi lên đường từ mờ sớm tinh sương, đem theo đủ các loại dây chão, đồ ăn, dao, móc và không quên một khẩu súng kíp bóng loáng. Chúng tôi đi như một đội quân thập tự chinh, trên con đường vấp lên, vấp xuống vì đá sỏi, ông Voòng kể: Nghề săn huyết lình kéo dài suốt năm vì sinh lý của khỉ cũng giống như người. Thế nhưng rộ nhất và “kiếm” được nhất phải vào những ngày đầu xuân. Mùa này, do thức ăn nhiều, khí hậu ấm lên, lũ khỉ sau ngày kém vận động của mùa đông cũng sung mãn tựa con người. Bản năng sinh lý bước vào kỳ cao điểm, “máu tháng” nhiều. Cũng theo ông Voòng, làm nghề này trước đây khá nguy hiểm bởi tất cả những an toàn cho tính mạng những người làm nghề đều thiếu và dựa vào rừng. Dây buộc, dây thắt, dây thả... đều là dây rừng. Còn bây giờ nó đã được những thứ dây hiện đại thay thế. Làm nghề “săn huyết lình’ phải có kinh nghiệm. Thu nhập của nghề phụ thuộc vào độ linh hoạt của mỗi người cũng như thâm niên theo kiểu cha truyền con nối. Phát hiện ra một bầy khỉ rồi, người săn huyết lình lại còn phải chọn cho mình một con đực “ấn tượng”. Một con đực “điển trai” sẽ có nhiều con cái theo, thu nhập như thế sẽ cao hơn. Một ngày đi bộ theo kiểu “trầy vi, trật vẩy” chúng tôi đã đến được với Núi Thủng. Núi giáp với địa bàn hai xã Ngọc Minh và Minh Thành của huyện Vị Xuyên. Khi chúng tôi đến, Núi Thủng đã có vài ba phường săn huyết lình ém quân cả tuần. Kiệm lời, ăn đồ khô và ngủ tạm bên những hốc đá lót bằng những thân ngô cuối vụ, hai ngày sau, lúc 9 giờ sáng chúng tôi bị ông Voòng “xốc” dậy. Ông đã phát hiện và chọn cho mình một bầy khỉ. Từ đây tất cả mọi công việc theo kiểu “nhất cử, nhất động” đều được ông Voòng quản lý. Chúng tôi giúp ông buộc dây, thả dây; cái cơ thể gầy nhẳng, mỏng tang của ông bây giờ thật “có giá”. Ông Voòng đang chuẩn bị dụng cụ cho một mùa săn huyết lình Bấu vào từng mấu đá, luồn lách qua khe, tựa như một “lính sơn cước” thứ thiệt ông theo bầy khỉ. Thả mình xuống những hang đá sắc lẹm, sâu lạnh tưởng chừng như ông sẽ khó có cơ hội trở lại với kiếp người. Ba ngày lam lũ với công việc, trông ông Voòng già đi cả đến chục tuổi. Tay chân mặt mày xước xát thâm tím tựa như một người cao số trở về từ một đường đua mạo hiểm, với một túi chàm đầy ngật giấy bản để thấm huyết lình, bộ mặt đầy mãn nguyện, ông ra hiệu trở về. Theo ông, ước chừng chuyến đi này ông sẽ có khoảng 3 đồng cân huyết lình được cô chế. Nếu gặp khách ông sẽ bán được gần 2 triệu đồng. Những chuyện buồn không muốn kể Tiếp xúc với những người làm nghề “săn huyết lình”, ai trong chúng tôi đều chung một nhận xét: “Săn huyết lình” là một việc mạo hiểm, tựa như săn cá mập ở Biển Đông. Được tiền triệu hay trắng tay, cái chết và sự sống nhiều khi chỉ đánh đổi trong gang tấc. Thế nhưng vì lợi nhuận hấp dẫn, tiếp xúc với người mới vỡ vạc vào nghề cũng như các bậc tiền bối của làng nghề khi câu hỏi thăm được đưa ra chúng tôi thấy không ai trong họ có ý định bỏ nghề. Thế mới thấy đồng tiền và thu nhập có sức hấp dẫn thật kinh khủng. Với bàn tay dị dạng đến không thể tả nổi, ông Dương Chương – một người làm nghề từ tuổi 16 trầm ngâm: Nghề này kém may mắn lắm! Có tiền đấy thế nhưng không phải là ai cũng học và theo được. Có người hám lợi, theo nghề nhưng tiền bán chưa được một đồng đã dị tật cả đời. Có khả năng phát hiện ra đàn khỉ có nhiều con cái, đang độ tuổi sinh đẻ, có nhiều huyết để theo nó đã khó lại còn chuyện có bám theo nó được hay không. Rừng núi thì bao la, loài khỉ lại có tập quán leo trèo, thích ở hang đá. Phương tiện làm nghề đơn giản, không biết lượng sức là mất mạng hay tàn phế như chơi. Buộc dây để thả người xuống hang, một công việc mạo hiểm và cần phải thận trọng với người săn huyết lình Chìa cánh tay dị tật, ông chậm kể: Tôi bị hỏng cánh tay này đúng vào tuổi 53, sau gần 30 năm làm nghề đấy! Năm ấy trời trở tiết, khỉ xuất hiện nhiều. Tôi và phường săn huyết lình vào vụ khá sớm. “Cơm niêu nước lọ, ăn chực nằm chờ” đến cả tuần trong hang đá ẩm lạnh tôi mới giành cho mình một đàn khỉ. Đàn ấy đông con cái lắm, khỉ vào tuổi sinh sản cũng nhiều, tôi theo miết. Huyết nhiều nên tôi tham, bỏ mặc những cái cần cảnh báo như sức khỏe, dây chão. Thế rồi định mệnh đến! Chiếc dây buộc để neo tôi với những vỉa đá xám lạnh đã đứt vào một buổi chiều. Rất may tôi còn sống được là nhờ cánh tay phải trong lúc rơi đã kẹt vào một ngách đá. Hơn hai ngày đu treo bằng cánh tay ấy tôi mới được một phường săn bạn phát hiện. Họ đưa tôi về, số huyết lình bán được hơn 3 triệu. Thế nhưng để chữa khỏi cánh tay tôi đã phải mất hơn chục triệu. Và rồi tôi phải bỏ nghề từ ấy! Không chỉ dân sở tại, vì lợi nhuận, những đồng tiền đầy mê hoặc đã kéo cả những người “ngoại tộc” vào cuộc. Chuyện hy hữu đầy buồn tủi này phải kể đến ông Đê, quê ở Kim Thi, Hưng Yên. Thời trẻ ông đi bộ đội, sau đó bị thương và xuất ngũ. Đánh giặc giỏi nhưng duyên số lại kém may mắn. Tận 36 tuổi ông mới có vợ, 4 năm ở với nhau đã có 5 con. Ruộng ít, chế độ thương binh không đủ ông phải đưa vợ con lên mạn ngược, kiếm ăn bằng việc gánh muối vào các thôn bản để bán. Hay đi đến các thôn bản dân tộc ít người nên ông đã biết nghề săn huyết lình cùng lợi nhuận của nó. Thế là ông vào cuộc. Tận tâm với nghề, không chỉ săn theo mùa mà ông còn “săn” quanh năm. Hai năm theo nghề tiền nong gom góp được đã giúp vợ con ông những bữa cơm no và xây được ba gian nhà “hiên tây mái chẩy ở quê”. Rồi định mệnh của nghề cũng đã đến với người chiến binh kém may mắn này. Đó là một sáng tháng 9, sương mù đặc, mưa nhẹ; thời tiết ấy đến những người lão luyện đi nghề cũng không dám cất bước vào rừng, thế nhưng ông Đê vẫn đi. Rồi cái gì đến đã đến..! Ba ngày sau những người bạn săn đã phát hiện ra ông cùng chiếc ba lô bạc mầu để lạnh lẽo bên hang đá, cạnh đó là một chiếc dây thừng bóng loáng đong đưa bên miệng hang sâu hút. Kéo dây thừng lên thấy nhẹ bỗng. Sáu tháng sau có một người phụ nữ mạn dưới tìm lên hỏi ông Đê. Dân làng kể lại chuyện rồi đưa người phụ nữ ấy ra chiếc “hang định mệnh”. Gào khóc tới cả buổi, người phụ nữ ấy đã trở về quê cùng chiếc ba lô của chồng và những thẻ hương cắm hờ nơi vách đá xám mốc... Đôi dòng Công dụng của huyết lình, giá trị thực tế của nó còn là cả một ẩn số. Nhưng nghề săn huyết lình là nghề có thật. Vào mùa săn huyết lình, xin ghi lại đôi dòng nghe được, thấy được cũng hết sức “ẩn số” này. Chuyện có vui, có buồn; cũng là những chia sẻ cho người làm nghề trong ngàn vạn thứ nghề vừa giống, vừa khác nhau ở kiếp nhân sinh trong trăm miền tổ quốc. Phóng sự của Đơn Thương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=14759&menu=1437&style=1