Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: Sai phạm chồng sai phạm ở Dự án xi-măng Phú Tân

Sự việc bắt nguồn từ việc UBND tỉnh Hải Dương cho phép Nhà máy Xi-măng Phú Tân (Công ty TNHH Phú Tân) ở xã Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) mở rộng diện tích nhưng Công ty TNHH Phú Tân đã lợi dụng cơ hội này để lấn chiếm thêm ra bên ngoài 12.200 m2 (làm tròn số) trong đó lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông 7.900 m2 (làm tròn số).

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Hanh, căn cứ vào Quyết định số 1627/QĐ-UBND ngày 27-4-2007 của UBND tỉnh Hải Dương thì Duy Tân là xã miền núi, do đó mức đền bù phải cao nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Lê Quang Huy (nay là Bí thư Đảng ủy xã) đã cho mức áp giá chỉ có 25.000 đ/m2. Việc đo đếm tính toán khi đền bù cho dân cũng làm sai lệch nhằm cắt xén tiền đền bù vốn đã bị áp giá sai. Ông Nguyễn Văn Hanh có 5.000 m2 đất bị thu hồi nhưng chỉ có 1.565 m2 được trả tiền đền bù, còn 3.435 m2 không được tính. Nhiều gia đình khác cũng bị cắt xén diện tích. Số tiền 518 triệu đồng hỗ trợ đất công điền bị thu hồi trong việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất cho các hộ sử dụng đất (Quyết định số 1627 của UBND tỉnh Hải Dương đã nói rõ) ông Lê Quang Huy cũng không trả cho dân.

Theo những tài liệu hiện có trong tay chúng tôi thấy sau khi bị ông Nguyễn Văn Hanh làm đơn tố cáo, bà Nguyễn Thị Bên (Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn lúc đó - nay là Bí thư Huyện ủy) cho lập đoàn thanh tra của huyện xuống kiểm tra, ra Kết luận thanh tra số 02/KL - UBND (do chính bà Bên kí) nói rằng ông Hanh và dân tố cáo sai. Sau đó, bà Bên làm Báo cáo số 01/BC-UBND ngày 12-1-2007 gửi Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước nói rằng việc thu hồi đất, mức giá đền bù đều đúng.

Ông Nguyễn Văn Hanh tiếp tục làm đơn kêu lên cấp Trung ương. Sau khi Trung ương có công văn đốc thúc, ba cấp chính quyền ở Hải Dương tổ chức buổi họp dân nghe phản ánh những nội dung mà ông Nguyễn Văn Hanh và người dân thôn Châu Xá tố cáo, đề nghị làm rõ. Theo biên bản đối thoại trong buổi họp, người dân không chấp nhận các ý kiến và cách giải thích của đại diện UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND xã Duy Tân, UBND huyện Kinh Môn.

Vẫn theo tố cáo của ông Nguyễn Văn Hanh cùng các hộ dân xã Duy Tân, ngay cả việc nhận tiền đền bù, người dân cũng không có biên lai nhận tiền. Gia đình nào có bao nhiêu diện tích, số tiền được nhận bao nhiêu đều do cán bộ xã tính toán “hộ” và ông Lê Quang Huy duyệt. Hiện nay, còn 14 hộ khác, tự đo đạc lại thấy không đúng diện tích như địa chính xã tính toán đã không nhận tiền đền bù. Ông Nguyễn Văn Hanh thay mặt 59 hộ làm đơn tố cáo thì bị “đầu gấu” đánh vỡ đầu chảy máu phải đi cấp cứu ở bệnh viện một thời gian dài.

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Quang Huy nói: “Dân vui vẻ nhận tiền đền bù hết rồi. Chỉ còn hộ bà Nguyễn Thị Mùa là chưa nhận”. Nhưng tại Kết luận thanh tra 02/KL-UBND của UBND huyện Kinh Môn do bà Nguyễn Thị Bên kí thì ghi “còn lại 14 hộ không chịu nhận tiền, đòi trực tiếp mặc cả giá với Công ty TNHH Phú Tân”. Vậy ông Lê Quang Huy và bà Nguyễn Thị Bên một trong hai “công bộc”, ai nói thật?

Làm việc với chúng tôi, ông Cao Văn Tý, Giám đốc Công ty TNHH Phú Tân khẳng định việc Nhà máy Xi-măng Phú Tân được UBND tỉnh ra quyết định, bà Nguyễn Thị Bên, ông Lê Quang Huy cùng kí vào văn bản đồng ý cho Nhà máy Xi-măng Phú Tân thuê thêm 147.000 m2 đất (làm tròn số) để đầu tư mở rộng sản xuất hoạt động của nhà máy. Ông Cao Văn Tý đưa chúng tôi một tập văn bản. Tìm mãi đến phụ lục II, thấy có tên Nhà máy Xi-măng Phú Tân (được đóng dấu treo của Thủ tướng Chính phủ), nhưng đây là danh mục các dây chuyền sản xuất xi-măng lò quay hiện có trên cả nước, tính đến 31-12-2010. Phụ lục thống kê tên các nhà máy có công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm (có lẽ sẽ bị khai tử hết vào năm 2015 như tinh thần trong Quyết định 1488/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ) chứ không phải là danh mục các nhà máy xi-măng được Bộ Xây dựng đưa vào dự án quy hoạch năm 2012 - 2030.

Còn chuyện lấn chiếm 12.200 m2 đất (trong đó số diện tích gặm vào hành lang bảo vệ đê và hành lang an toàn giao thông tới gần 7.900 m2), ông Cao Văn Tý khoe: Giờ đã được UBND tỉnh giao cho sử dụng và hằng năm vẫn nộp thuế đều cho địa phương, có biên lai thuế đàng hoàng. Nhưng ông Lê Quang Huy khi làm việc với chúng tôi lại khẳng định chuyện nộp thuế của Công ty TNHH Phú Tân, ông không biết vì Công ty TNHH Phú Tân nộp thuế thẳng lên huyện, tỉnh.

Trở lại những năm trước: Ngày 5-7-2004, Sở Xây dựng Hải Dương có Công văn số 72/CV gửi Bộ Xây dựng xin đưa Công ty TNHH Phú Tân (cùng ba công ty xi-măng khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương) vào diện quy hoạch chuyển sang sản xuất xi-măng lò quay. 9 tháng sau, không thấy Bộ Xây dựng có ý kiến gì, ngày 20-4-2005, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Bùi Thanh Quyến kí Tờ trình số 13/TTr-UBND gửi Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ chưa kịp có ý kiến thì ngày 16-11-2005, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 5372/QĐ - UBND (do ông Hoàng Bình, Phó Chủ tịch kí) cho phép Công ty TNHH Phú Tân thuê 147.000 m2 đất để mở rộng diện tích nhà máy sản xuất xi-măng.

Ngày 21-10-2009, Bộ Xây dựng cũng có Văn bản số 2285/BXD - VLXD trả lời UBND tỉnh Hải Dương: “Trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng ngành công nghiệp xi-măng có phát hiện thấy một số dự án xi-măng đã và đang được đầu tư xây dựng nhưng không nằm trong quy hoạch phát triển xi-măng như Dự án Xi-măng Phú Tân… thuộc tỉnh Hải Dương. Việc triển khai đầu tư dự án Xi-măng Phú Tân (nói riêng) đã vi phạm Nghị định số 124/2007/NĐ- CP ngày 31-7-2007 của Chính phủ”. Nói cách khác, dự án Xi-măng Phú Tân không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có nghĩa Nhà máy Xi-măng Phú Tân chỉ được hoạt động theo trạng thái hiện tại, sản xuất trên diện tích đất trước khi UBND tỉnh Hải Dương gửi Tờ trình số 13/TTr- UBND cho Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ.

Việc UBND tỉnh Hải Dương kí ban hành Quyết định số 5372/QĐ - UBND thu hồi ruộng của dân để cho Công ty TNHH Phú Tân thuê 50 năm nhằm mở rộng đầu tư xây dựng để rồi sau đó Công ty TNHH Phú Tân lấn chiếm hành lang đê và hành lang an toàn giao thông là vi phạm pháp luật, cố tình làm trái đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Khi người dân tố cáo, các cơ quan có thẩm quyền ở Hải Dương không giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo mà đổ lỗi cho các hộ dân chống đối chính quyền, tổ chức cưỡng chế là sai phạm nọ chồng lên sai phạm kia, cần phải được thanh tra, làm rõ.

Thái Hồng Thịnh

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=7686&lang=vn&zone=7&zoneparent=0