Hướng dẫn thủ tục tìm kiếm thông tin liệt sỹ

Để tìm kiếm thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ có thể liên hệ với Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng; Bộ Chỉ huy quân sự, Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố, hay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, hoặc truy cập website: www.nhantimdongdoi.org

Ông Nguyễn Quốc Bình (tỉnh Tiền Giang, email: binh_cqc@yahoo.com.vn) có người cậu đã từng đi tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó quay về chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh tại vùng này vào những năm 1970. Do thời gian đó việc liên lạc rất ít nên những thông tin về thời gian chiến đấu và hy sinh của cậu ông Bình không được rõ. Vì vậy, việc tìm kiếm hài cốt và thực hiện thủ tục công nhận liệt sỹ cho cậu ông Bình hiện gặp khó khăn.

Nay, gia đình ông Bình muốn được hướng dẫn cách thức để tìm thông tin của người thân và các thủ tục công nhận liệt sỹ trong trường hợp này.

Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn về vấn đề ông Bình hỏi như sau:

Năm 1959, 1960, để tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam, nhiều đoàn cán bộ từ miền Bắc được cử vào Nam công tác, chiến đấu, còn gọi là “đi B”. Cán bộ đi B đa số là những người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và những người miền Bắc xung phong vào Nam công tác, chiến đấu.

Hiện nay, có rất nhiều cách tìm kiếm thông tin liệt sỹ. Ông Bình có thể liên hệ với Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng; Bộ Chỉ huy quân sự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố; hay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, hoặc truy cập website: http://www.nhantimdongdoi.org/

Được biết tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu giữ gần 70.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B. Những năm qua, mới chỉ hơn 4.000 lượt người đến tra cứu, xem hoặc xin lại hồ sơ, tài liệu.

Thủ tục khai thác và sử dụng tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III rất đơn giản: người đến khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ vì mục đích cá nhân phải có đơn xin sử dụng tài liệu và có giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

Căn cứ theo hướng dẫn trên, ông Bình có thể đến Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (Địa chỉ: 34 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) để tìm kiếm xem có tài liệu, giấy tờ, kỉ vật gì của người cậu ông có được lưu giữ ở đây không. Nếu có, những hồ sơ tài liệu đó có thể giúp ông tìm ra phiên hiệu đơn vị, quá trình công tác, chiến đấu, hy sinh của người cậu, để hoàn thiện các thủ tục công nhận liệt sỹ.

Sau khi có thông tin liệt sỹ, theo quy định tại Điều 4, Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh tổ chức lễ truy điệu, mai táng và lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ.

Liệt sỹ còn di vật, tài sản riêng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền có người hy sinh lập biên bản bàn giao trực tiếp đến thân nhân của liệt sỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sỹ trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".

Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục này có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong hoạt động tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/huong-dan-thu-tuc-tim-kiem-thong-tin-liet-sy/201011/51156.vgp