Hướng dẫn thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh

Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Hà Nội) hỏi: Cha, mẹ tôi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế ban đầu tại 1 phòng khám đa khoa ở TP. Hải Phòng, cách đây 3 tháng cha, mẹ tôi chuyển lên sinh sống tại TP. Hà Nội. Vậy, cha, mẹ tôi có được đổi nơi đăng ký KCB không?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Đăng ký thay đổi cơ sở KCB ban đầu vào đầu mỗi quý

Tại Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định: Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được ghi trong thẻ BHYT.

Trường hợp được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh hoặc trung ương

Tại Điều 6 Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định:

Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện.

Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ghi trên thẻ BHYT của người đó.

Theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này thì người tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong các trường hợp sau:

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT;

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến trung ương được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở đó theo quy định của Giám đốc Sở Y tế.

Trường hợp cha, mẹ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại 1 phòng khám đa khoa ở Hải Phòng, là cơ sở KCB tuyến quận, huyện. Nay cha, mẹ của bà Thanh đã chuyển lên Hà Nội sinh sống. Theo quy định nêu trên, cha mẹ bà được đăng ký thay đổi nơi KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến quận, huyện ở Hà Nội. Nếu muốn đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện tuyến thành phố thì phải căn cứ vào chỉ tiêu KCB BHYT của bệnh viện đó.

Bà Thanh cần liên hệ với Cơ quan BHXH thành phố Hà Nội hoặc BHXH quận, huyện nơi cư trú để biết danh sách các cơ sở KCB BHYT được đăng ký KCB ban đầu. Về hồ sơ, cha mẹ bà cần làm đơn đề nghị chuyển đổi thẻ BHYT, lấy xác nhận của UBND cấp xã, phường và bản sao các giấy tờ chứng minh việc thay đổi nơi cư trú và nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để làm thủ tục chuyển nơi KCB về nơi mới.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/huong-dan-thay-doi-noi-dang-ky-kham-chua-benh/20121/123271.vgp