Hôm nay, khấn cúng giao thừa sao cho đúng?

Cúng giao thừa thường cúng ngoài trời, mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian thì khấn thế nào cho đúng?

Cúng giao thừa trong nhà

Theo giải thích của Thượng tọa Thích Thanh Duệ, giao thừa là thời điểm vị thần năm cũ bàn giao công việc cho vị thần năm mới nên thường cúng giao thừa ngoài trời để tiễn hết năm cũ và nghênh đón vị thần năm mới. Theo phong tục Việt xưa, thời điểm giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và trong nhà.

Theo các nhà tâm linh, năm Bính Thân 2016 là tân niên quan là Tề vương Hành khiển, Ngũ miếu hành binh chi thần, Tống tào phán quan.

Cũng từ lễ cúng tất niên các Táo quân đã trở về tiếp tục nhiệm vụ của mình. Gia chủ cũng đã mời gia tiên đã về ngự tại ban thờ gia tiên để đón Tết cùng con cháu. Từ lúc này hương đã được thắp để kết nối gia tiên và con cháu.

Cúng giao thừa trong nhà. Ảnh minh họa

Cúng giao thừa trong nhà. Ảnh minh họa

Thời khắc giao thừa sẽ bắt đầu lễ cúng giao thừa. Ở trong nhà các thành viên sẽ trang nghiêm trước ban thờ để tiến hành nghi lễ. Đa số các gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng giao thừa. Dù cỗ mặn, hoặc cỗ chay cũng cần đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.

Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính đọc văn khấn. Các thành viên trong nhà cầu khấn cho một năm mới khỏe mạnh, vạn sự may mắn tốt lành.

Văn khấn cúng giao thừa trong nhà

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy đức Đương lại hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

- Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần.

- Con kính lạy Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần.

- Con kính lạy các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.

Nay phút giao thừa năm...............

Chúng con là ……………......, ngụ tại………,

Phút giao thừa vừa tới,giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, dâng lên trước án, cúng dàng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, thành tâm kính lễ.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Con lại kính mời các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng về linh sàng thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ngụ tại đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho toàn thể gia đình chúng con năm mới tốt lành, sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc, vạn sự tốt lạnh, vạn điều như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, nhất tâm kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).

Cúng giao thừa ngoài trời. Ảnh minh họa

Cúng giao thừa ngoài trời

Cúng giao thừa ngoài trời (gọi là lễ Trừ tịch), bắt đầu từ thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (giờ Hợi đêm 30 sang giờ Tý mở đầu ngày mùng 1 Tết). Lễ cúng giao thừa ngoài trời nhằm tiễn vị thần năm cũ, nghênh đón vị thần năm mới.

Sắm lễ:

Mâm lễ cúng giao thừa được các gia chu chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm, thành kính. Lễ cúng tùy tâm, nhưng cần có mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và bộ áo mũ mới của quan thần linh.

Nếu lễ mặn thì có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng...

Nhưng các gia đình phật tử thường cúng mâm lễ chay.

Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời:

Mâm lễ cúng giao thừa thường đặt ở trước cửa nhà.

Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước mâm lễ.

Sau khi hết tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.

Nhiều gia đình cúng giao thừa ngoài trời - ảnh minh họa.

Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

- Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

- Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển

- Con kính lạy ngài đương niên thiên quan (năm Bính Thân khấn quan Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc hành binh chi thần, Cự Tào phán quan. Còn mỗi năm có một vị quan khác).

- Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Hổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút giao thừa năm ........., chúng con là: …………….., cư ngụ tại địa chỉ….

Giao thừa chuyển năm

Năm cũ qua đi

Năm mới đã đến

Tam dương khai thái

Vạn tượng canh tân

Ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt.

Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén hương thơm, thành tâm bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, các bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin các vị giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia đình chúng conluôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NB Văn hóa Thông tin)

Theo các chuyên gia tâm linh, nếu người cúng khấn giao thừa nếu được tuổi xông đất thì có thể ra ngoài đứng cúng lễ thoải mái lúc giao thừa.

Nếu người cúng khấn không được tuổi xông đất thì không nên ra ngoài, mà đặt mâm lễ ở ngoài cửa và ở trong cửa cúng vọng ra. Khi có người được tuổi xông đất hãy ra ngoài. Nhiều gia chủ đối phó với trường hợp này bằng cách tới gần thời điểm giao thừa thì chuẩn bị mâm lễ, hẹn trước với người được tuổi xông đất đến sớm để sau khi cúng vọng, có thể ra ngoài thu dọn mâm lễ.

Uyển Hương/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/o/hom-nay-khan-cung-giao-thua-sao-cho-dung-20160207095616061.htm