Hội thề Lũng Nhai: Vị trí cắt máu ăn thề

- LTS: Hội thề Lũng Nhai của danh tướng Lê Lợi cùng 18 nghĩa quân năm xưa diễn ra ở đâu và như thế nào cho đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Người ta chưa phát hiện bất cứ một tư liệu chính sử nào ghi chép nơi đã diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Nhưng những "dấu vết lịch sử" ở dãy núi Pù Mẹ nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cho thấy, có thể đây là nơi diễn ra hội thề này. Cho đến nay thì địa danh này vẫn chưa được chính thức công nhận và cũng còn rất nhiều điều khó lý giải vẫn đang lẩn khuất ở đây cần làm rõ.

Hiện vị trí Lê Lợi và nghĩa quân cắt máu ăn thề nằm ở đâu vẫn là điều bí ẩn. Theo như những lời kể truyền miệng thì người ta vẫn cho rằng nó diễn ra tại ngọn núi Pù Mẹ (xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa). Nơi đây chính là một vị trí quân sự đắc địa bởi bên trên là đỉnh núi Pù Mẹ hùng vĩ, phía dưới là dòng thác 7 tầng bốn mùa nước chảy trong suốt là nguồn nước để cho nghĩa quân ăn uống tắm giặt. Chữ Hán cổ Anh Phạm Văn Đồng, cán bộ văn hóa xã Ngọc Phụng dẫn chúng tôi tới ngọn núi Lũng Nhai, theo tiếng Mường thì Lũng Nhai có nghĩa là Pù Mẹ. Đường lên ngọn núi này khá hoang sơ với đất đá gồ ghề. Nếu muốn lên đỉnh núi bắt buộc người đi phải vượt qua con thác 7 tầng. Anh Đồng cho biết: Vào mùa mưa thác 7 tầng này nước chảy rất đẹp nên đã thu hút nhiều thanh niên từ các nơi đổ về đây cắm trại và tắm. Dòng thác 7 tầng này cũng là nơi đã diễn ra hội thề dấy binh binh khởi nghĩa chống giặc Minh của Lê Lợi và 18 vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê (thế kỷ XV). Anh Đồng dẫn chúng tôi đến giữa dòng thác 7 tầng, nơi có một hòn đá to lớn, nằm giữa dòng. Phía trên hòn đá này được khắc nhiều nét chữ. Anh Đồng bảo, nhiều cụ cao niên trong xã cho rằng những nét chữ nơi đây tuy đã một phần bị phai mờ theo thời gian nhưng hồn của dòng chữ vẫn còn. Những nét chữ này không đơn thuần viết bằng bút bình thường mà được khắc bằng lưỡi kiếm trên thân đá. Những chữ đó được viết bằng chữ Hán cổ. Những dòng chữ khắc trên đá đó đã được một số người đến nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa thể dịch ra được ý nghĩa. Một phần những dòng chữ khắc trên đá đã bị bom đạn trong thời kháng chiến chống Mỹ dội xuống nên đã bị sứt một góc. Vị trí quân sự đắc địa Từ dưới dòng thác 7 tầng chúng tôi vượt qua khe núi để lên khu đỉnh núi Pù Mẹ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng một phong cảnh hữu tình với trời mây sông nước, không những đẹp về thiên nhiên mà còn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Anh Đồng nói rằng, mấy năm về trước nơi đây là những rừng cây um tùm, nhiều cây cổ thụ. Vài năm trở lại đây khi có chính sách giao khoán đất đai đến từng hộ dân thì người dân đã chặt phá những cánh rừng nguyên sinh nơi đây để phát triển cây keo và bạch đàn. Cũng chính vì thế đã tạo điều kiện cho mọi người dân gần xa có điều kiện lên đồi Bái Tranh (theo người dân nơi đây gọi là đồi tranh nhau bái - PV) một cách dễ dàng hơn. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới có thể lên trên đỉnh đồi Bái Tranh. Không phải ngẫu nhiên mà năm xưa Lê Lợi và nghĩa quân của mình chọn đỉnh núi này là cứ địa trong khoảng thời gian dài. Đứng trên đỉnh núi chúng ta có thể dễ quan sát đây là vị trí đắc địa. Phía tây nam có núi Pù Mẹ có thể che khuất tầm nhìn của quân địch, có thế long chầu hổ phục, bên tả là sông Chu, bên hữu là sông Âm, nơi có vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự. Ngồi trên đỉnh đồi có thể quan sát được sự hoạt động của quân giặc. Ngọn núi Pù Mẹ là ngọn núi cao nhất trong vùng, cao khoảng hơn 1.000m so với mặt nước biển, ở xung quanh có hàng trăm ngọn núi thấp hơn và đều quay đầu về Pù Mẹ. Dưới lưng chừng núi có một đồi đất bằng phẳng gọi là đồi Bái Tranh. Tương truyền, chính nơi đây là nơi Lê Lợi cùng 18 vị hào kiệt đã dâng hương, bái đất trời cùng hồn thiêng sông núi thề cùng sống chết có nhau đánh giặc cứu nước. Lê Lợi đã tận dụng địa thế hiểm trở này làm nơi dưỡng thương cho nghĩa quân mỗi khi có ai đó bị thương và ốm đau. Anh Đồng bảo, nếu buổi chiều nhìn từ đỉnh núi này có thể nhìn thấy thánh địa Lam Kinh một cách rất rõ. Khung cảnh nơi đây thật thơ mộng và hùng vĩ. Tuy nhiên, những di tích này hiện chỉ còn những dâu ấn và lời truyền miệng. Việt Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201104/Hoi-the-Lung-Nhai-Vi-tri-cat-mau-an-the-1797532/