Hội thề Lũng Nhai: Bí mật khu mộ cổ

- Cách đỉnh núi Pù Mẹ (xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) khoảng chừng 1km theo đường chim bay là một khu mộ cổ, có những tảng đá được xẻ dọc, chôn xuống lòng đất để đánh dấu. Không ai trong làng biết những ngôi mộ này có từ bao giờ, chỉ biết được rằng nó có từ rất lâu và tương truyền là nơi chôn cất người thuộc nghĩa quân năm xưa.

Chuyện của các cụ cao niên Cụ Lê Thị Minh, gần 80 tuổi, dẫn chúng tôi đến khu mộ cổ và cho biết: Trước đây nơi này là những rừng cây um tùm. Người dân ít khi vào khu vực này vì để vào được phải huy động cả chục người, phát quang bụi rậm mới vào được. Nhưng từ khi có thông tin bên trong khu mộ này có nhiều thú rừng, đám người đi săn thú đã làm lối đi vào trong khu mộ để săn bắt, dần dần nhiều người biết đến khu mộ này. Khu mộ cổ này có diện tích khoảng 1ha, được xác định theo những tảng đá đã chôn xuống đất đánh dấu. Cụ Minh bảo, cụ là thế hệ thứ 8 của dòng họ sinh sống ở làng nhưng cũng không rõ về gốc tích những ngôi mộ này. Chỉ nghe loáng thoáng các cụ kể lại là những ngôi mộ này có từ thời Lê Lợi. Tôi thắc mắc với cụ Minh rằng tại sao khu mộ cổ lại có các tảng đá hình dáng, kích thước khác nhau. Cụ Minh giải thích rằng, đó có thể một phần thể hiện sự phân cấp bậc trong tướng lính nghĩa quân Lam Sơn. Người nào có chức tước càng cao thì tảng đá, tấm bia phía trên càng đồ sộ. Tấm đá to nhất rộng 1m, cao 2m, theo suy đoán đây là nơi chôn cất những tướng lĩnh của Lê Lợi trong trận chiến năm xưa với quân Minh. Nhiều cụ cao niên trong làng đã mang những tấm đá về nghiên cứu và nhận định rằng những tấm đá đồ sộ, vuông vắn như thế không thể có ở làng Ngọc Phụng. Có thể những phiến đá đó được một cộng đồng người chuyển từ núi đá Sách, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc. Để về tới khu mộ cổ này, nhất định phải chuyển qua dòng sông Âm. Nhiều năm về trước cụ Minh và một số người trong làng đã thử đào một tấm bia lên, với mục đích muốn được khảo sát dưới lòng đất chôn những tấm bia kia có gì lạ không. Mọi người trong làng đều thất vọng, đào mãi đào mãi hàng chục mét vẫn không thấy gì, chỉ duy nhất có những thỏi than bằng gỗ còn sót lại. Các cụ cao niên nơi đây nhận định, có thể lúc đó những nghĩa quân nơi đây đã được hỏa táng rồi dùng than củi chôn cất. Đây là tập tục của người Mường, để giữ cho cơ thể được thơm tho. Từng bị tàn phá Cụ Minh buồn rầu kể cho chúng tôi nghe rằng: Trước đây, người dân không biết đây là những ngôi mộ của nghĩa quân Lam Sơn. Vì thế, nhiều gia đình trong làng đã đào bới, đập phá những tấm bia mộ đó mang về nhà để xây móng, làm đồ vật trong nhà. Do vậy, nhiều tấm bia mộ lớn giờ đã bị biến mất. Nhưng chỉ độ ấy thôi, giờ người dân nơi đây tin rằng những ngôi mộ này linh thiêng lắm, không ai dám lấy những phiến đá ấy về sử dụng nữa. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng thừa nhận: Lúc đó chính quyền địa phương cũng có lỗi khi để người dân địa phương tự do đến lấy đá xây nhà nên giờ chỉ còn những tấm bia đá nhỏ. Sau đó, những người lấy đá khu mộ về làm nhà đều xảy ra chuyện không hay. Trải qua hơn 600 năm hầu hết những tâm bia mộ đã bị bào mòn và không còn nguyên vẹn. Không ai biết khu mộ cổ này có từ bao giờ, người dân nơi đây chỉ biết qua chuyện kể từ các thế hệ trước. Những tấm bia mộ này đã được phát hiện trong nhiều năm, nhưng chưa có nhà khoa học hay nhà nghiên cứu nào về đây tìm hiểu hoặc khai quật khu mộ cổ này. Đối với người dân nơi đây, khu mộ cổ này vẫn còn nhiều điều bí ẩn chứa đựng trên những thân phiến đá và dưới lòng đất. Ông Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết: "Vùng đất Thường Xuân, Thanh Hóa là sinh sống của người Mường xưa kia. Năm 1984 tôi từng trực tiếp đi khai quật khu vực Đống Thành, của người Mường thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Đó là khu vực đồng bào Quan Lang ở Mường Động. Những ngôi mộ cổ có các phiến đá dựng đứng gọi là hòn mồ, người có chức tước, địa vị trong dòng tộc, trong quân sĩ thì mới được khắc tên trên phiến đá đó. Ở dưới những phiến đá đó có than củi, nó khẳng định đây là loại hình mộ táng của người Mường cổ. Khi có ai đó mất đi, họ sẽ được dùng than củi để rải xuống đất, như lót một lớp để có thể hút ẩm, giúp cho người mất được sạch sẽ hơn". Trưởng ban Di tích lịch sử Lam Kinh, ông Trịnh Đình Dương cho biết thêm: "Tôi đã từng đến khu lăng mộ đá ở xã Ngọc Phụng, những bia mộ này không được khắc chữ trên tấm đá. Theo sử sách ghi chép lại thì vùng đất Thường Xuân, Thanh Hóa xưa kia là vùng chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn với quân địch, chính vì thế nhiều binh sĩ đã tử trận nên có thể được chôn cất ở nơi đây. Những tấm bia mộ cổ này cũng có thể là của người dân sinh sống ở khu vực này. Hiện nay, chúng tôi chưa đặt vấn đề khai quật khu mộ cổ này, vì nơi đây chưa có bằng chứng xác nhận đây có phải là những tấm bia mộ của nghĩa quân Lam Sơn hay không?". Việt Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201104/Hoi-the-Lung-Nhai-Ky-2-Bi-mat-khu-mo-co-1797648/