Hội thảo chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm an ninh xã hội

NDĐT- Sáng 14-11, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Báo Nhân Dân đồng tổ chức Hội thào Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Dự hội thảo có bà Trương Thị Mai, Ủy viên trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân ; ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng đại diện các bộ, ngành và địa phương. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về vai trò của BHXV, bảo hiểm y tế (BHYT) trong việc bảo đảm an sinh xã hội ; cung cấp những thông tin cơ bản về thực trạng BHXH, BHYT hiện nay ; đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong tình hình mới. Trong phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trương Thị Mai (ảnh bên) nêu rõ, bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách cơ bản thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu vì con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hội thảo này là dịp để các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý, cơ quan tổ chức thực hiện và các chuyên gia, các nhà quản lý đã từng đóng góp, xây dựng và thực hiện chính sách BHXH trong nhiều năm qua có điều kiện đánh giá, phân tích thực tiễn, gồm cả những thuận lợi và khó khăn, bất cập trong công tác xây dựng chính sách, kết quả tổ chức thực hiện, để rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện chính sách này trong giai đoạn mới. Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã trình bày kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời kỳ từ 1995 đến nay. Trong 15 năm qua, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng đáng kể, năm 1996 là 2,85 triệu người, dự kiến đến hết năm 2009 đạt gần 9 triệu người. Đối tượng BHYT năm 1993 chỉ có 3,79 triệu người tham gia, đến nay dự tính có khoảng gần 47 triệu người tham gia BHYT. Nhìn chung, 15 năm qua, BHXH và BHYT Việt Nam đã thực hiện thu đủ, thu đúng đối tượng, tuân thủ các quy định của Nhà nước, góp phần làm căn cứ giải quyết các chế độ cho người tham gia bảo hiểm được đầy đủ, kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế, như : hiệu lực của văn bản pháp luật về BHXH, BHYT chưa cao hoặc chính sách về BHXH, BHYT có những thay đổi, bổ sung, các văn bản chưa đầy đủ, đồng bộ hoặc quy định chưa cụ thể, dẫn đến những vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tham gia BHXH và đơn vị sử dụng lao động (nhất là trong các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài). Do công tác tuyên truyền chưa thật sâu rộng, mạnh mẽ, hình thức tuyên truyền còn chưa phong phú cho nên chưa gây được ấn tượng, thuyết phục mọi người tự giác tham gia BHXH, BHYT, nhất là đối tượng thuộc loại hình tự nguyện. Ý thức chấp hành luật BHXV, BHYT của một số chủ sử dụng lao động chưa tốt, chủ yếu là khu vực kinh tế hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Về việc BHYT, ông Trần Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết : Gần 50% dân số nước ta chưa có BHYT, phải tự chi trả chi phi khi đi khám chữa bệnh. Nguồn tài chính công (ngân sách Nhà nước và BHYT) mới chỉ chiếm 40% tổng chỉ tiêu cho y tế. Việc ban hành luật BHYT năm 2008 thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, cụ thể là việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức lớn nhất trong BHYT là đối với những lao động trong khu vực phi chính quy (lao động tự do). Nhóm đối tượng này chiếm tỷ trọng lớn trong dân cư. Đây không chỉ là khó khăn với chúng ta mà là thách thức của nhiều nước trên thế giới. Để công tác BHYT ngày càng được mở rộng, bảo đảm chăm sóc sức khởe cho nhân dân, theo ông Trần Văn Tiến, cần tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, cũng như nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BHYT. Giải quyết nhu cầu về chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao trong khi nguồn lực đầu tư cho y tế có hạn ; bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước mua BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng khác; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ thầy thuốc tốt hơn ; tăng cường quản lý nhà nước về BHYT… Về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ tình hình quản lý nhà nước về BHXH trong giai đoạn hiện nay. Trước hết việc ban hành hệ thống pháp luật BHXH phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ; bảo đảm có sự bình đẳng của các bên tham gia BHXH ; kế thừa chọn lọc chính sách BHXH đã ban hành ; đồng bộ với hệ thống các chính sách an sinh xã hội…Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về BHXH có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ; việc chi trả chế độ BHXH cho người lao động được kịp thời, đầy đủ, nhưng cũng bộc lộ những mặt hạn chế : việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn chậm, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH chưa mạnh mẽ, hiệu quả ; công tác kiểm tra, thanh tra về BHXH mới chỉ tiến hành chủ yếu ở các thành phố lớn… Về công tác tuyên truyền BHXH, BHYT trên báo chí, ông Thuận Hữu, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, phát biểu tại hội thảo, nói : Trong những năm qua, báo chí đã có những đóng góp xứng đáng vào việc phản ánh mọi mặt đời sống của nhân dân, của xã hội. Trong việc tổ chức đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT vào cuộc sống, đến với mọi người dân, báo chí không chỉ phổ biến, giáo dục một chiều, mà qua thực tiễn thực thi pháp luật ở địa phương, cơ sở, báo chí còn phát hiện những vấn đề, những quy định của chính sách đã lỗi thời, không phù hợp… để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện…Báo Nhân Dân luôn ý thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT, vì đó là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hệ thông an sinh xã hội ở nước ta. Chính sách BHXH, BHYT góp phần ổn định đời sống người lao động và gia đình người lao động, góp phần thực hiện công bằng xã hội và ổn định xã hội. Báo luôn đề cập trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc phối hợp tổ chức thực hiện luật BHXH, BHYT và có nhiều bài viết giới thiệu những nội dung cơ bản của hai luật này. Các tham luận, phát biểu tại hội nghị đều xoay quanh việc tìm các giải pháp khả thi cho việc hoạch định và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=161449&sub=130&top=37