Hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa

VH- Hội thảo “Các trường văn hóa nghệ thuật trong thế giới hội nhập 2010" với chủ đề "Nền văn hóa đa dạng cho sự đa dạng và phát triển” đã diễn ra tại Paris- Cộng hòa Pháp.

Tham dự Hội thảo có hơn 70 khách mời là giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) đến từ hơn 20 nước trên thế giới. Đoàn Việt Nam gồm 15 thành viên là các nhà khoa học, hiệu trưởng các trường VHNT thuộc Bộ VHTTDL. Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật Hội thảo lần này là sự tiếp nối thành công của hội thảo quốc tế các trường VHNT đã được tổ chức tại Moskva - Liên bang Nga năm 2007, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Việt Nam năm 2008 và tại Yongwon- Hàn Quốc năm 2009. Ba hội thảo nói trên đã xây dựng và phát triển sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giữa các trường VHNT ở phạm vi quốc tế, góp phần củng cố quá trình ảnh hưởng liên kết giáo dục toàn cầu. Các cuộc hội thảo cũng đã khái quát được thực trạng đào tạo nhân lực chăm sóc tài năng VHNT của các nước trên thế giới, đồng thời khẳng định các trường đại học VHNT trên thế giới là những cơ quan giáo dục đa năng và chuyên biệt, trở thành những nhân tố có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến lĩnh vực giáo dục đào tạo quốc tế mà còn là một thành phần quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực VHNT. Tại hội thảo lần này, đoàn Việt Nam được tiếp đón trọng thị và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các đại biểu, đặc biệt khi ông Bùi Văn Tiến -Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam đọc thư chào mừng Hội thảo. GS-VS Ramazan Abđulatipov - nguyên Bộ trưởng Các vấn đề dân tộc của LB Nga, Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp VHNT quốc gia LB Nga, Chủ tịch đoàn chủ tịch hội thảo đã cám ơn và nhiệt liệt hoan nghênh Bộ VHTTDL Việt Nam nói chung và cá nhân Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói riêng đã hưởng ứng tích cực, chủ động và có hiệu quả cao trong việc tham gia thường niên các hội thảo quốc tế này. Các đại biểu quốc tế cũng nhiều lần nhắc lại những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp tại Việt Nam khi Hội thảo lần thứ 2 diễn ra tại đây do Bộ VHTTDL Việt Nam chủ trì đã thành công rực rỡ. Hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa Mục tiêu chính của Hội thảo lần này là nghiên cứu mọi mặt và đánh giá các quá trình chuẩn bị cho các trào lưu văn hóa mới trong các lĩnh vực nhiều biến đổi như xã hội, chính trị, kinh tế, kĩ thuật và thông tin thực tiễn, phản ánh tính đa dạng văn hóa trong thế giới hiện đại. Cụ thể là: Tính đa dạng của văn hóa thế giới là điều kiện của đối thoại đa văn hóa có hiệu quả; Hiệp hội các trường đại học là chủ thể của các quá trình liên kết quốc tế; Vai trò của giáo dục nhân văn và giáo dục nghệ thuật trong việc bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa thế giới; Nhiệm vụ của các trường VHNT trong việc bảo vệ, quảng bá các di sản văn hóa thế giới; Tính cấp thiết của di sản văn hóa phi vật thể trong không gian hiện đại; Truyền thông giáo dục dân tộc như là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể;... Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến sự bảo tồn tính nguyên vẹn của không gian văn hóa các dân tộc, khôi phục, tái hiện và thống nhất các truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên thế giới. Vấn đề giáo dục trong văn hóa và các vấn đề thiết lập chiến lược hiệu quả để bảo tồn văn hóa dân tộc và truyền thống giáo dục trong không gian thế giới chung, tìm kiếm các tác nhân kích thích để nâng cao hiệu quả đối thoại cũng được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Đặc biệt trong các bài tham luận của các đại biểu VN đều nhấn mạnh đến việc giới thiệu, quảng bá về VHNT, du lịch của VN với thế giới. Đánh giá cao hiệu quả của các hội thảo khoa học về lĩnh vực VHNT, trong thư chào mừng Hội thảo tại Paris 2010, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định: “Trong thời kì hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và giữ gìn hòa bình của các nước trên thế giới. 3 cuộc hội thảo trước đã khái quát được thực trạng về đào tạo nhân lực, chăm sóc tài năng VH và NT của các nước trên thế giới... Với chính sách rộng mở, đa dạng và đa phương hóa, Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế-xã hội”. Phát biểu tổng kết hội thảo, GS,VS. Ramazan Apđulatipov nhấn mạnh: Hội thảo đã trở thành một sự kiện quan trọng của đời sống văn hóa và khoa học của nhiều nước trên thế giới, qua mỗi lần tổ chức càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động VHNT cũng như các chính trị gia, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Mối quan tâm chung và lớn nhất là Hội thảo đã xác định, làm rõ được những vấn đề quan trọng nhất trong thời đại hiện nay, đó là vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển. Hội thảo đã trở thành diễn đàn chung với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà khoa học, giáo dục trong lĩnh vực VHNT toàn thế giới. Sự tham gia rất ấn tượng của đoàn Việt Nam đã minh chứng cho điều đó. Và tôi cũng xin khẳng định lại sự thành công của Hội thảo có sự tham gia tích cực, có hiệu quả rất trí tuệ của đoàn Việt Nam. Trước đây thế giới biết đến Việt Nam qua tiếng đàn bầu, múa rối nước, quan họ Bắc Ninh... Hôm nay tại Paris - Trung tâm Văn hóa của châu Âu, cái nôi của văn hóa thế giới, chúng ta biết tới văn hóa tri thức Việt Nam, biết tới văn hóa Việt Nam qua các tham luận và trao đổi của các nhà văn hóa Việt Nam”. Đức Tâm

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/30506.vho