Hội chứng hít nước ối phân su

Cô hộ lý thông báo: bé đã chào đời. Hạnh phúc của cả gia đình bạn như vỡ òa. Chỉ mấy tiếng nữa thôi là có thể đón bé yêu về nhà rồi. Nhưng bác sỹ lại thông báo: bé chưa về ngay được. Bé hít phải nước ối có phân su, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Cả nhà bạn hoang mang lo lắng. "Hít nước ối phân su" là gì vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Hội chứng hít nước ối phân su là gì? Là hội chứng suy hô hấp gây ra bởi nước ối phân su có trong đường hô hấp của sơ sinh. Hội chứng hít nước ối phân su thường gặp ở trẻ nào? Thường gặp ở trẻ đủ tháng, già tháng, hoặc mẹ suy thai cấp trong lúc chuyển dạ. Khoảng 5% các trường hợp này bị hội chứng hít nước ối phân su. Trẻ hít phải nước ối phân su khi nào? Thai nhi bài tiết phân su trước khi sinh không phải là hiếm gặp, nhưng không phải trường hợp nào cũng là hậu quả của tình trạng thiếu oxy trước sinh. Sự xuất hiện động tác thở trước hoặc trong lúc sổ thai, thường là do thai nhi bị thiếu oxy trong bụng mẹ, làm cho nước ối phân su đi vào đường thở của trẻ. Hậu quả của hiện tượng hít phải nước ối phân su là gì? Phân su đặc quánh sẽ làm bít tắc đường hô hấp dưới, gây nên phản ứng viêm sớm. Đặc biệt nguy hiểm là gây rối loạn sản xuất hoặc phá hủy chất surfactant, là chất làm cho các phế nang không bị xẹp hoàn toàn cuối thì thở ra, giúp phổi nở sau khi trẻ được sinh ra. Hậu quả là hiện tượng trao đổi khí ở phổi giảm, làm tăng áp động mạch phổi, gây nên hiện tượng suy hô hấp, nhiều khi rất nặng không hồi phục. Chẩn đoán hội chứng hít nước ối phân su dựa trên các triệu trứng gì? Hội chứng suy hô hấp xuất hiện sớm ngay sau đẻ hoặc muộn hơn do mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trẻ có thể chỉ thở nhanh hoặc suy hô hấp rất nặng với biểu tím tái nhiều toàn thân. Tình trạng thiếu oxy trong những giờ đầu tạo điều kiện thuận lợi cho tăng áp động mạch phổi. Cận lâm sàng: X quang phổi thẳng có hình ảnh nốt mờ to, gặp nhiều vùng rốn phổi và hiện tượng phổi tăng thể tích thứ phát do ứ khí tắc nghẽn. Trong một số trường hợp nhẹ, có thể tìm tinh thể phân su trong nước tiểu, những giờ đầu sau đẻ để chấn đoán xác định bệnh. Điều trị hội chứng hít nước ối phân su như thế nào? Điều trị dự phòng: Trước sinh, truyền dịch vào dịch ối lúc vỡ ối với mục đích pha loãng dịch ối phân su, tránh bị hít phải nước ối phân su. Hít mũi họng khi đầu trẻ vừa lọt ra ngoài âm hộ trước khi trẻ có nhịp thở đầu tiên. Điều trị bệnh: Tại phòng đẻ, cần phải hút hết dịch ối phân su ở mũi họng, trong phế quản qua nội khí quản của trẻ. Trong trường hợp hít phải nước ối phân su đặc và trong điều kiện cho phép phải hút rửa phế quản. Phải vỗ rung cho bệnh nhân và hút đi hút lại nhiều lần đến khi nước ối trong. Chú ý đảm bảo nhu cầu oxy cho bệnh nhân. Tùy theo mức độ suy hô hấp mà trẻ sẽ được thở oxy qua CPAP mũi ( hệ thống tạo áp lực đường thở dương tính liên tục) hoặc thở máy qua nội khí quản, tốt nhất là dùng máy thở tần số cao (HFO) kết hợp với thở NO (oxit nitơ) trong trường hợp tăng áp lực động mạch phổi. Cần theo dõi chức năng thận, biểu hiên thần kinh của trẻ, hậu quả của tình trạng thiếu oxy. Điều trị kháng sinh cho trẻ vì dễ bị viêm phổi thứ phát. Một số bác sĩ sử dụng chất surfactant trong điều trị hội chứng hít nước ối phân su. Biến chứng của hít nước ối phân su là gì? Tỷ lệ tử vong còn cao, khoảng 50%. Biến chứng gần có thể gặp là tràn khí màng phổi, suy thận... Có thể để lại di chứng thần kinh nặng nề suốt đời nếu thiếu oxy nặng, kéo dài,... Theo TS. Phạm Thị Xuân Tú

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/suckhoe/406903/index.html