Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

LTS - Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị đã tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, ở khắp mọi miền đất nước. Trong cuộc sống, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến có sức lan tỏa lớn. Nhân dịp Ban Bí thư Trung ương Ðảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, Báo Nhân Dân xin giới thiệu một số tấm gương điển hình, tiên tiến trong các phong trào này.

Nguyện suốt đời học tập và làm theo lời Bác

Nhiều năm qua, tiến sĩ Trần Ngọc Liên, Bí thư Ðảng ủy Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Cần Thơ luôn tận tụy với sinh viên và đồng nghiệp; hết lòng với sự nghiệp giáo dục; quan tâm giúp đỡ trẻ em mồ côi...

Trao đổi với tôi, tiến sĩ Trần Ngọc Liên chia sẻ: "Từ nhỏ hình ảnh Bác Hồ trở nên vô cùng thân thiết với tôi qua những mẩu chuyện về Bác với thiếu niên nhi đồng mà thầy cô đã kể. Lớn lên tôi càng hiểu Bác Hồ là tấm gương đạo đức trong sáng mà suốt đời phải học tập và làm theo với tình cảm yêu thương sâu sắc và kính trọng".

Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, tiến sĩ Trần Ngọc Liên luôn học ở Bác đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong công việc và cuộc sống, chị được nhiều sinh viên, đồng nghiệp quý mến. Ðặc biệt với quyết tâm giúp sinh viên chuyên ngành toán thuận lợi trong học tập, tiến sĩ Liên nghiên cứu biên soạn và xuất bản giáo trình "Giải tích phức cho chuyên ngành cử nhân toán ứng dụng" được hội đồng khoa học của trường và Bộ Giáo dục và Ðào tạo đánh giá cao về tính ứng dụng và thực tiễn. Tiến sĩ Liên luôn tâm niệm phải học và làm theo Bác ở tinh thần chí công vô tư. Nhờ học theo Bác, trong công việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ chuyên ngành toán học, tiến sĩ Trần Ngọc Liên luôn hướng dẫn công tâm, khách quan để sinh viên thấy được ưu khuyết điểm của mình, từ đó khắc phục hạn chế. Sinh viên Nguyễn Thị Hạnh chuyên ngành toán ứng dụng nói với tôi: "Cô Liên là tấm gương tiêu biểu cho em và các bạn học tập noi theo ở tính cần kiệm, cuộc sống giản dị. Ðặc biệt cô luôn tận tâm giúp đỡ sinh viên trong học tập và cuộc sống với tinh thần tự nguyện và đạo đức trong sáng".

Bên cạnh đó, tiến sĩ Trần Ngọc Liên luôn tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo. Mười lăm năm qua, chị cùng với các thế hệ sinh viên đều đặn hỗ trợ nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương (tỉnh Hậu Giang) trong những dịp năm mới, ngày lễ hay đầu năm học, hỗ trợ các em khi là quần áo, lúc là tập sách, đồ dùng học... Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng thể hiện tình cảm sâu nặng nhằm chia sẻ động viên các em có hoàn cảnh không may, vượt khó học tốt.

Ðồng chí Trần Thị Thanh Hiền, Bí thư Ðảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ nhận xét: "Hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ở cương vị nào, tiến sĩ Trần Ngọc Liên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô Liên có nhiều đóng góp trong xây dựng khoa, xây dựng trường, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trở thành trí thức, nhà khoa học đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Bản thân cô luôn gương mẫu trong công việc và cuộc sống được đồng nghiệp và sinh viên quý mến".

THANH TÂM

Nhiệt huyết của một đảng viên trẻ

Tốt nghiệp Trường đại học Y dược Huế với tấm bằng xuất sắc năm 2004, Hoàng Anh Tiến được giữ lại trường làm giảng viên và hiện là tiến sĩ, giảng viên môn Nội, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, Phó Bí thư Ðoàn Trường đại học Y dược Huế.

Mới hơn 30 tuổi, nhưng Hoàng Anh Tiến có nhiều công trình, nghiên cứu đoạt các giải thưởng. Ngay khi còn là sinh viên, anh đã đoạt giải nhì cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học Vifotec" với đề tài "Ðặc điểm điện tâm đồ ở vận động viên thành phố Huế".

Trong các công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn, phải kể đến đề tài nghiên cứu hội chứng ngưng thở lúc ngủ bằng máy SASD-07 tự tạo. Bởi lẽ, các nước tiên tiến đã có máy đa miên ký để đo nhịp thở với độ chính xác cao, tuy nhiên, giá thành của máy rất đắt (khoảng 10 nghìn USD) và rất khó vận chuyển. Chính vì thế, Hoàng Anh Tiến cùng các cộng sự đã phát huy những kiến thức về y học, phần mềm máy tính và vi mạch điện tử để cho ra đời máy phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ với tên gọi tắt là SASD-07. Ðây là một giải pháp mới và là thiết bị chẩn đoán hội chứng ngưng thở đầu tiên ở Việt Nam.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên ngành nội tim mạch, máy phát hiện hội chứng ngưng thở SASD-07 có giá trị rất lớn trong việc theo dõi và điều trị hội chứng này cũng như các căn bệnh liên quan. Máy SASD-07 đã mang lại hiệu quả rất tốt trong việc cho biết có bao nhiêu lần ngưng thở trong giấc ngủ, thời gian ngưng thở, các thời điểm ngưng thở... Hơn nữa, mức chi phí cho việc lắp đặt, hoàn thiện chiếc máy SASD-07 là thấp, cấu tạo máy nhỏ, gọn nên có thể đặt theo dõi nhịp thở cho tất cả những bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Bên cạnh đó, do tính cơ động và linh hoạt nên máy ghi âm nhịp thở có thể áp dụng không chỉ ở bệnh viện mà có thể ở nhà của bệnh nhân. Hiện đã có hơn 50 máy SASD-07 đã được đưa vào hoạt động hiệu quả tại Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế.

Ðược kết nạp Ðảng khi còn là sinh viên, Hoàng Anh Tiến luôn tràn đầy nhiệt huyết của đảng viên trẻ. Sau những giờ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, anh dành nhiều thời gian khám, chữa bệnh cho đồng bào nghèo ở đất bạn Lào và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Anh tích cực tham gia ngày hội "Phòng, chống tăng huyết áp trong cộng đồng" và tổ chức, tham gia Festival khoa học "Vì sức khỏe cộng đồng" trong các kỳ Festival Huế. Anh còn đảm trách ngân hàng máu sống với hơn 500 thành viên.

CÔNG HẬU

Say nghề tuyên giáo

Hơn 40 năm công tác, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La Lê Hữu Ðê (ảnh bên), có một nửa thời gian gắn bó với ngành tuyên giáo. Từ làm chuyên môn sang công tác đảng, từ cơ sở đi lên, anh càng thấu hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tư tưởng.

Sau ngày miền nam giải phóng, Lê Hữu Ðê rời quân ngũ thi vào Ðại học Sư phạm Thái Nguyên, tốt nghiệp được giữ lại trường, nhưng Lê Hữu Ðê xin trở lại quê hương thứ hai là Sơn La, làm giáo viên phát triển giáo dục miền núi và lần lượt giữ nhiều chức vụ: Hiệu trưởng Trường THPT Sông Mã, Trưởng phòng giáo dục huyện; làm công tác tuyên giáo ở Huyện ủy Sông Mã rồi làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ở vị trí công tác nào anh cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, quy tụ được anh em, tập hợp sự đoàn kết nội bộ và luôn khiêm nhường nên được cán bộ và nhân dân quý mến.

Bằng trải nghiệm cuộc sống của mình, anh cho rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ phải "ngấm" vào bản thân mỗi người. Ai hiểu và biết trân trọng giá trị tư tưởng, đạo đức của Bác thì tự bản thân người ấy sẽ không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ không chỉ hiểu giá trị tư tưởng, đạo đức của Người mà còn là làm theo tấm gương đạo đức của Bác từ những điều bình thường trong sinh hoạt hằng ngày, là thái độ ứng xử có văn hóa, nói đi đôi với làm, sống và làm việc có ích,v.v... Ðặc biệt là đối với cán bộ, nhất là những người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, tự phê bình và phê bình.

Là một cán bộ lãnh đạo ở lĩnh vực chính trị tư tưởng, anh cho rằng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước. Anh đã tích cực tham mưu giúp cho Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Vì thế, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Sơn La đã tạo được sức lan tỏa, phong trào sâu rộng, đi vào thực chất, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

ÐỨC TUẤN

Anh nông dân giàu lòng nhân ái

Với sự lao động cần mẫn, sáng tạo từ những ngày đầu lập nghiệp trên vùng quê mới, giờ đây gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh ở xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên (Lâm Ðồng) đã có một cơ ngơi là mơ ước của nhiều người. Nhưng, vượt trên tất cả là tấm lòng vì cộng đồng của "tỷ phú chân đất" ấy trên vùng đất khó ở nam

Tây Nguyên.

Sinh ra nơi vùng chiêm trũng Lý Nhân (Hà Nam), học Trường Sĩ quan Pháo binh, tham gia bảo vệ phòng tuyến biên giới phía bắc, năm 1992, sau khi phục viên, anh Thịnh đưa gia đình vào vùng quê mới Lâm Ðồng lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh xoay đủ nghề, ấp trứng vịt, trồng rau, rồi bán củi... Khó khăn không nản, năm 1995, anh quyết định "đột phá" bằng cách vay của bạn bè chút vốn để mua máy xay xát nhỏ. Giờ đây, anh có giàn máy xay xát công suất hơn bốn nghìn tấn lúa mỗi năm, có trang trại nuôi lợn hơn một nghìn con. Quy mô sản xuất, kinh doanh của gia đình ngày càng mở rộng với trang trại cá sấu 100 con; nhà phân phối cám Năm sao Thái-lan sản lượng 2.300 tấn mỗi năm, mang lại thu nhập cho gia đình hơn một tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 11 lao động, với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng và hơn 40 lao động thời vụ...

Gia đình anh lúc nào cũng hạnh phúc, con gái lớn đang học thạc sĩ, con thứ hai là sinh viên đại học kinh tế và con gái út là học sinh THCS xuất sắc.

Việc sản xuất, kinh doanh bận là như thế, anh vẫn dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội và hoàn thành tốt trên nhiều cương vị: Bí thư Chi bộ thôn Cát Lâm 3, thư ký HÐND, Thường vụ Hội Chữ thập đỏ, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, Chi hội Trưởng Chi hội Khuyến học, Thường vụ Hội Nạn nhân chất độc da cam, rồi Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Cát,...

Ðại tá Ðào Xuân Vạn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Ðồng cho hay, anh Thịnh là tấm gương sáng về mọi mặt; "nói đi đôi với làm", luôn được bà con, đồng đội tin tưởng. Ðặc biệt là tấm lòng vì cộng đồng của anh. Trong thời gian qua, anh đã tạo "nguồn vốn" làm ăn cho người dân trong vùng năm tỷ đồng không tính lãi, với nhiều hình thức như: cấp cám gạo, thức ăn chăn nuôi; cho mượn tiền mua nông cụ, phân bón hoặc khi gia đình họ gặp khó khăn đột xuất. Cũng trong khoảng thời gian ấy, gia đình anh đã tặng hơn một nghìn suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, các cháu học sinh giỏi, trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng bảy căn nhà "nghĩa tình đồng đội", trị giá gần 200 triệu đồng; hỗ trợ trường mầm non, nhà văn hóa thôn 100 triệu đồng... Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững, gia đình anh đã hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nông thôn 40 triệu đồng; tài trợ cho 15 người tàn tật mỗi người 100 nghìn đồng mỗi tháng; hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các gia đình khó khăn. Nguyễn Văn Thịnh đã trở thành người thân của bà con dân tộc X’Tiêng ở buôn Bù Ðạt, trong nhiều năm liền, anh đều dành hơn 100 suất quà tặng đồng bào những dịp Tết. Ðặc biệt, vào mùa giáp hạt, bà con khó khăn thường đến gia đình anh lấy gạo, bao giờ trả cũng được.

"Mình học Bác Hồ đức tính kiên trì, nhẫn nại. Mình đã trải qua không ít gian nan nên cứ thấy ai khổ là thương. Nghĩ đơn giản, mình làm ăn may mắn hơn, thì cũng góp chút ít công sức cùng xây dựng cộng đồng". - Anh Thịnh chia sẻ.

BẢO VĂN

Tận tâm vì việc nghĩa

Ở ấp Chà Là, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau mọi người rất thân quen, quý mến chị Nguyễn Hồng Hạnh, tên thường gọi là Hai Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tận tâm, năng nổ, hoạt bát và luôn gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nhất là đối với những gia đình nghèo, thiếu trước hụt sau...

Chị Hạnh nhớ lại, năm 1984, khi đang công tác ở tỉnh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho nên chị xin về quê nhà vừa tham gia công tác ở địa phương để có điều kiện giúp đỡ gia đình. Năm 1992, chị Hồng Hạnh được chị em phụ nữ bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Chà Là từ đó cho đến nay đã 21 năm. Là cán bộ tiêu biểu, gương mẫu với nhiều việc làm thiết thực tại địa phương, năm 2000, chị được kết nạp vào Ðảng.

Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là có 247 hội viên; nhiều năm trước đây không ít gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ðể giúp những gia đình này, chị Hạnh cùng với những chị em trong chi hội đứng ra vận động hỗ trợ cây, con giống, góp vốn, cho mượn vàng, lập quỹ... giúp những gia đình quá khó khăn mượn xoay vòng không tính lãi. Ðến nay, quỹ góp vốn của chi hội đã có hơn 60 triệu đồng và cho 102 hội viên vay xoay vòng với số tiền bình quân năm triệu đồng/lần vay với một hội viên. Ðể đồng vốn cho mượn có hiệu quả, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình hội viên, Chi hội có cách giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể, theo các mô hình sản xuất đa cây, đa con về nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng một vụ lúa; nuôi cua, cá, tận dụng hết đất trống trồng rau màu thực phẩm... Từ cách làm này, đến nay trong chi hội chỉ còn bốn người ở mức nghèo trong tổng số 274 hội viên. Những ngôi nhà đoàn kết, nhà nghĩa tình... khang trang được dựng lên ngày càng nhiều, cuộc sống ổn định, đầm ấm và sung túc hơn trên tinh thần sẻ chia để vượt lên khó khăn.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, một trong những việc làm cụ thể, thiết thực của Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là được nhiều bà con đồng tình, hưởng ứng là tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðó là vận động bà con quyên góp tiền, công sức xây dựng cầu, đường bê-tông giao thông nối liền đường làng, ngõ xóm, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn; làm bồn nước sạch hợp chuẩn cho từng nhà; nhân rộng các mô hình sản xuất để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Chi hội trưởng Phụ nữ Nguyễn Hồng Hạnh luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không tính thiệt hơn, như giúp bốn hộ nghèo mượn dài hạn đất của gia đình,

hỗ trợ cây, lá cất nhà, kéo điện, khoan giếng nước để sinh hoạt; hiến 1.000 m2 đất xây dựng trường học và cho nhiều chị em mượn tiền không lấy lãi để mở rộng quy mô sản xuất; giúp đỡ học phí cho con em nghèo theo học các lớp dạy nghề tại địa phương. Vừa chuyên việc nước, vừa đảm việc nhà, nhiều năm qua, chị Nguyễn Hồng Hạnh được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Chi hội trưởng Nguyễn Hồng Hạnh tâm sự: Thông qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác Hồ, bản thân không ngừng phấn đấu rèn luyện, nâng cao ý chí tự lực tự cường, năng động vượt lên khó khăn; mong muốn được cống hiến, làm nhiều việc nghĩa hơn để giúp bà con nghèo nâng cao đời sống, góp phần làm cho làng quê nghèo xã Phú Thuận ngày một khởi sắc đi lên.

NGỌC QUÂN

Người cảnh sát tận tụy

Thượng tá Lê Đức Hoàn làm nhiệm vụ điều hành giao thông ở đầu cầu Chương Dương.

Ngày ngày cùng với đồng đội bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Ðức Ðoàn, cán bộ Ðội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đã trở nên thân thiết với nhiều người đi đường và được đông đảo nhân dân Thủ đô yêu mến.

54 tuổi, anh đã có 35 năm công tác liên tục tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, trong đó, 15 năm làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên cầu Chương Dương, nơi luôn có mật độ phương tiện giao thông dày đặc. Luôn gương mẫu đi đầu, nhanh nhẹn, anh đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những việc làm nhân văn, cao quý. Trên trang mạng xã hội, những người mến mộ đã lập hẳn một trang facebook riêng về anh để bày tỏ tình cảm đối với người cảnh sát giao thông thân thiện, tận tụy với công việc.

Không chỉ điều hành giao thông, anh nhiều lần tham gia bắt cướp, bảo vệ tính mạng và tài sản cho dân. Cuối năm 1995, trong khi cùng tổ công tác tăng cường cho Ðội CSGT Công an huyện Sóc Sơn, qua khu vực vắng, phát hiện nhóm thanh niên đang đe dọa một phụ nữ để cướp xe máy, anh nhảy xuống xe lao tới quật ngã một tên cướp. Nhóm cướp lao vào đánh anh. Bị trọng thương, nhưng anh không buông tha tên cướp cho đến khi đồng đội kịp đến tóm gọn cả nhóm. Anh phải mổ cấp cứu ngay trong đêm vì vỡ xương sọ. Sau ba tháng điều trị, Thượng tá Lê Ðức Ðoàn trở lại vị trí công tác, được công nhận là thương binh hạng 3/4.

Sức khỏe giảm sút nhưng tinh thần trách nhiệm và xúc cảm với đời sống chưa bao giờ vơi trong anh. Anh tâm sự: "Ở đời sợ nhất là sự vô cảm". Nhiều người có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử đã được anh kịp thời can ngăn, khuyên giải, giúp họ bình tâm trở lại với cuộc sống. Ðã có hơn mười trường hợp như thế, nhưng để lại ấn tượng nhất với anh là vụ việc xảy ra vào tối 6-6-2012. Lúc ấy, đang làm nhiệm vụ ở đầu cầu thì nghe tin báo, anh lên xe gắn máy của một người đi đường, đến nơi, thấy người phụ nữ đang bế bé gái trèo qua lan-can cầu. Ðứa trẻ sợ hãi bám chặt vào thành cầu khóc ré; người mẹ đầm đìa nước mắt. Anh chạy ra cố giữ chặt cả hai trong khi người phụ nữ vẫn tìm cách nhoài người ra sông. Anh hét lên: "Con chị có tội tình gì mà nỡ thả nó xuống sông sâu thế này". Thoáng phút lặng đi của người phụ nữ, anh nhanh chóng cùng đồng đội đưa cả hai mẹ con vào nơi an toàn. Sau đó suốt hai giờ đồng hồ, anh ân cần, nhẹ nhàng phân tích và người phụ nữ đã nhận ra sự dại dột, từ bỏ ý định quyên sinh vì mâu thuẫn gia đình, đưa con về nhà.

Ghi nhận những việc làm cao đẹp ấy, năm 2012, anh vinh dự được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Với tâm niệm phải làm gương cho các cán bộ, chiến sĩ trẻ, anh nói: Tôi lúc nào cũng nghĩ và nói với các bạn trẻ rằng, dù ở vị trí nào, làm gì mình vẫn phải là một người lao động chân chính và không bao giờ được vô cảm trước cuộc sống, trước nhân dân.

HẠNH NGUYÊN

Chăm lo, giúp dân thoát nghèo

Nhờ được chính quyền đia phương hỗ trợ, nhiều hộ gia đình ở TP Bà Rịa đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong căn nhà mái bằng khang trang ở ấp Bắc 1, xã Hòa Long, câu chuyện "vượt nghèo" của anh Nguyễn Thanh Long mang đậm dấu ấn cộng đồng. Anh kể: "Nói về cảnh nghèo khó của gia đình tôi không bút mực nào tả xiết. Hai vợ chồng đều đi làm thuê, bữa đói, bữa no. Nhiều khi cả tuần không có việc, khiến con cái nheo nhóc". Nhờ được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, anh nuôi lợn, bò, nhờ đó mà dần dần thoát nghèo, đời sống được cải thiện. Câu chuyện "vượt nghèo" của gia đình anh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Bà Rịa. Hai năm qua, gần hai nghìn hộ nghèo của địa phương thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND thành phố Phạm Chí Lợi cho biết: Năm 2011, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng chuẩn nghèo mới. Số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố tăng đáng kể, với hơn ba nghìn hộ. Theo đề án giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 của TP Bà Rịa, mỗi năm thành phố phải giảm được hơn 620 hộ nghèo. Ðây là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn. Thành ủy Bà Rịa đã chỉ đạo các xã, phường, các tổ chức đoàn thể phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những công việc cụ thể tại địa phương, trong đó coi trọng công tác xóa nghèo. Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể từng hộ nghèo ở mỗi phường, xã, phân tích nguyên nhân, lấy ý kiến của những hộ dân về nhu cầu và phương thức hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể như cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ... đều phải nắm chắc số hội viên thuộc diện nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp hoàn cảnh thực tế của từng hộ.

Theo nghị quyết của Thành ủy Bà Rịa, đến năm 2015, Bà Rịa không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh. Và để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, các ban, ngành của thành phố phải tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, gần dân, hiểu dân, để từ đó có giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 13-KH/TU của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành ủy Bà Rịa đã tổ chức hội nghị quán triệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp thực tế địa phương. Gắn tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với duy trì, phát huy những mặt tốt, đồng thời tích cực khắc phục hạn chế, yếu kém ngay từ cơ sở, nhất là trong công tác xóa nghèo. Ðảng bộ phường Phước Hiệp với quyết tâm "trách nhiệm với dân", phường Phước Hưng quyết tâm "làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân", lực lượng công an "làm cho dân tin, dân yêu và ủng hộ"... Tất cả, đều vì mục tiêu giảm phiền hà, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chính nhờ những cách làm sáng tạo, hiệu quả và đồng bộ của thành phố suốt hai năm qua, thành phố đã giúp gần hai nghìn hộ dân trên địa bàn Bà Rịa thoát nghèo, vượt rất nhiều lần so với kế hoạch thành phố đã đề ra.

LÊ ANH TUẤN

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20344002-.html