Học phí và chất lượng giáo dục: Tăng gì trước?

Theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 1/12/2015 học phí giáo dục đại học sẽ tăng 10%/ năm cho từng năm học. Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, việc tăng học phí là đúng lộ trình, tạo điều kiện cho các trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, cũng như chất lượng học tập. Trong khi đó, ý kiến của sinh viên và phụ huynh thì lại không như vậy.

Sinh viên trong phòng thí nghiệm.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thưa ông, theo ý kiến của những người làm giáo dục thì tăng học phí 10% là đúng lộ trình, tạo điều kiện tăng chất lượng dạy học, nhưng phụ huynh, sinh viên thì lo lắng. Ý kiến của ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tăng học phí là việc không thể không làm nếu muốn cải thiện điều kiện đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi vì cộng cả học phí theo quy định hiện hành và ngân sách Nhà nước cấp thì mức chi để đào tạo 1 sinh viên chỉ đạt 200 USD/năm.

Có thể nói chưa một nước nào được tạm gọi là thoát nghèo mà kinh phí đào tạo đại học thấp như thế. Ngay cả những trường đại học nước ngoài mở ở Việt Nam thì học phí cũng phải tối thiểu 15.000 USD một năm.

Năm 2009, tôi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về giáo dục đại học tại Cần Thơ. Lãnh đạo Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ cho biết: Trước đây, một sinh viên trong giờ thực hành được mổ một con ếch, 5-10 sinh viên được mổ 1 con thỏ hoặc chó; nay (2009) 5 sinh viên mới có một con ếch để mổ và vài chục sinh viên mới được mổ một con thỏ hoặc chó. Đào tạo trong tình trạng khó khăn thế thì không thể có bác sĩ giỏi được.

Năm 2010, Chính phủ trình và Quốc hội đã nhất trí thông qua đề án tăng học phí theo lộ trình với các bậc học trong nước, trong đó có giáo dục đại học. Nếu chúng ta cứ loay hoay giữa việc giữ mức học phí thấp để thể hiện tính “ưu việt” với việc phải cải thiện điều kiện đào tạo để nâng cao chất lượng thì rất khó đạt được mục tiêu nào.

Dĩ nhiên, học phí tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Nhưng mức tăng mỗi năm 10% không phải là nhiều. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách miễn giảm học phí và cho vay tín dụng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, tác động tiêu cực đến thu nhập của người dân cũng đã được giảm thiểu.

Dư luận băn khoăn tăng học phí ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đại học của sinh viên nghèo và việc tuyển sinh của một số trường

Thành lập thêm một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa ký Quyết định số 4358/QĐ-BGĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hoạt động từ ngày 1-1-2016. Theo đó, Trung tâm có cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tài chính và hoạt động theo quy định của Bộ về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thứ tư được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập.

- Sau mỗi mùa tuyển sinh có khá nhiều sinh viên đỗ thủ khoa, á khoa mà phải đứng ngoài cổng trường đại học vì hoàn cảnh khó khăn, điều này khiến dư luận và những người có trách nhiệm phải trăn trở.

Việc tăng học phí quả thật khó khăn cho nhiều gia đình. Đối tượng nghèo được miễn, giảm, nhưng với những người mới thoát nghèo hoặc thu nhập ở mức trung bình thì cũng khó khăn.

Song học phí tăng phải đi đôi với mức học bổng cho sinh viên giỏi, sinh viên thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên tăng, đồng thời các đối tượng khó khăn tiếp tục được hưởng chính sách miễn giảm học phí và cho vay tín dụng. Đấy là những điều cần làm để đảm bảo việc tăng học phí không ảnh hưởng nhiều đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh viên giỏi.

Về phía người dân, các gia đình cũng phải tính toán nên chọn loại hình đào tạo nào cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình, năng lực con em mình, nếu không đủ điều kiện thì học ngắn hạn, ra trường tìm việc làm có tiền dần dần có khả năng trang trải học phí thì quay lại học tiếp, nhiều người phải đi vòng chứ chưa thể đi thẳng được.

Tăng học phí chắc chắn ảnh hưởng đến việc tuyển sinh. Điều này đòi hỏi các trường phải cân nhắc tăng ở mức nào, vào thời gian nào cho phù hợp, thậm chí có thể chưa tăng ở thời điểm gần. Thậm chí, cũng cần tính xem chỉ tiêu tuyển sinh thế nào là hợp lí.

Ví dụ, các trường công lập thường tuyển gấp 3, gấp 4 lần số sinh viên có chỉ tiêu ngân sách. Như vậy thì ngân sách chi đào tạo sẽ bị chia nhỏ 3, 4 lần, khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường ngoài công lập không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, nhưng cũng phải tính toán xem cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của mình phục vụ bao nhiêu sinh viên là phù hợp nhất.

Tóm lại, trường công lập hay ngoài công lập đều phải “trông giỏ bỏ thóc”, “liệu cơm gắp mắm”; chứ nếu chỉ có 1 kg gạo mà muốn nấu cho cả mấy chục người thì chỉ có cách nấu cháo loãng. Mà “cháo loãng” thì làm sao hấp dẫn được người học.

Dư luận vẫn băn khoăn giống tăng viện phí, tăng học phí có đi kèm chất lượng? Nên chăng tăng chất lượng trước?

-Hiện nay trong lĩnh vực y tế, việc tăng viện phí đã bắt đầu tác động đến chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có cả thái độ thầy thuốc. Còn với các trường đại học, thì mục đích tăng học phí là để cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; nếu tăng học phí mà chất lượng đào tạo không được cải thiện thì tăng học phí là vô nghĩa.

Vấn đề là làm như thế nào để kiểm soát được hiệu quả tăng học phí? Trước hết, các trường phải công khai minh bạch việc thu và sử dụng học phí của trường, phải cải thiện rõ rệt về điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệc các thày cô phải có trách nhiệm hơn với mỗi giờ lên lớp.

Thứ hai, phải có kiểm định chất lượng đào tạo, thậm chí để minh bạch phải mời các tổ chức kiểm định của khu vực có tên tuổi vào kiểm định cho mình; dựa vào chất lượng ấy, sinh viên sẽ chọn trường. Trường nào học phí tăng mà chất lượng không cải thiện thì sinh viên sẽ không học.

Ông vừa nói phải công khai minh bạch việc thu học phí, kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng dường như việc này khó khả thi?

-Giáo dục khác các lĩnh vực khác, ví dụ như lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nếu bất động sản tăng giá bán mà chất lượng không tăng thì khách hàng sẽ tẩy chay, bởi vì trăm người bán nhưng chỉ có chục người mua. Lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học, thì khác.

Nhu cầu học tập của dân ta khá cao, nhiều người nghĩ phải vào đại học mới có cơ hội phát triển nên “cắn răng” học, học phí cao chất lượng thấp nhiều khi vẫn cam chịu. Nhưng tình hình này đã thay đổi và chắc chắn càng ngày sẽ càng thay đổi mạnh hơn. Chứng cớ là bây giờ có những trường ra sức mời chào, người ta cũng không vào học.

Tôi cho rằng, bản thân người dân, trước hết là người học và gia đình họ phải phát huy quyền giám sát, quyền làm chủ của mình, phải nêu ra dư luận và kiến nghị với các cơ quan quản lý, tạo sức ép buộc các trường phải chuyển biến chất lượng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước thì cần tăng cường kiểm tra, thanh tra. Thường xuyên công bố kết quả kiểm định chất lượng của các trường. Ở Mỹ, trường nào được kiểm định chất lượng người ta mới theo học nhiều vì người ta tin rằng tấm bằng tốt nghiệp của những trường ấy có giá trị trong xã hội.

Có phải vì chất lượng đào tạo đại học của ta còn thấp mà học phí lại tăng mỗi năm nên nhiều gia đình chọn hướng du học?

- Xin nhắc lại rằng học phí đại học ở nước ta rất thấp so với nước ngoài. Vì thế việc nhiều gia đình chọn cho con du học không phải vì học phí cao mà vì chất lượng đào tạo ở các nước phát triển tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người đi du học có điều kiện học hỏi nhiều điều về văn hóa, đời sống và ngoại ngữ. Nhất là ngoại ngữ, rất cần cho mọi vị trí công tác chuyên môn sau này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sẽ điều chỉnh mức vay và lãi suất vay vốn cho học sinh, sinh viên

Sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng học phí, Bộ Tài chính đang chủ trì xem xét điều chỉnh mức vay và lãi suất cho vay đối với các sinh viên. Đây là thông tin được ông Bùi Hồng Quang- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chiều ngày 21/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ. Theo ông Quang, việc điều chỉnh mức vay và lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ cho sinh viên trang trải chi phí học tập khi học phí tăng.

Tâm Như (thực hiện)

_________________________________________________________

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khoa-giao/hoc-phi-va-chat-luong-giao-duc-tang-gi-truoc/72076