Học làm phim tài liệu cùng Discovery

NDĐT - Đây là lần đầu tiên, các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội tiếp cận một nhà sản xuất phim tài liệu lớn: kênh truyền hình Discovery. Không chỉ được học hỏi về kỹ thuật mới, về cách thức làm phim, các nhà làm phim còn được biết thêm về các tổ chức, quản lý và sản xuất một bộ phim tài liệu.

Dự án “Lần đầu làm phim” Đây nội dung của dự án mang tên “Làm phim lần đầu” do Quỹ Ford tài trợ, Uproar châu Á và kênh Discovery phối hợp thực hiện, với mong muốn đưa những câu chuyện ở Việt Nam ra thế giới. Đây là ý tưởng của ông Michael Digregorio, đại diện Quỹ Ford tại Hà Nội, từ trước khi quỹ Ford đóng cửa. Michael cho biết, đã từ lâu ông ấp ủ một ý định giúp các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội làm phim “theo kiểu Discovery” và phát hành được phim trên kênh Discovery. Ông nói: “Các nhà làm phim Việt Nam có những ý tưởng rất thú vị, và nếu những ý tưởng đó được phát triển tốt, tôi tin rằng sẽ có những bộ phim thực sự hấp dẫn”. Qua hơn một tháng phát động, ban tổ chức nhận được 68 kịch bản từ khắp nơi trong cả nước, và lựa chọn ra được 12 kịch bản tốt nhất vào vòng bán kết. Sau hai ngày tổ chức thảo luận và làm việc trực tiếp với các nhà làm phim Việt Nam, 5 kịch bản xuất sắc nhất đã được chọn để bấm máy. Đây phần lớn là tác phẩm của những nhà làm phim tên tuổi của điện ảnh Việt Nam, bao gồm “Những chiến binh chống lại tắc đường” của Phan Duy Linh, “Ngôi nhà lớn nhất, ngôi nhà nhỏ nhất” của Nguyễn Mạnh Hà, “Sự sống và cái chết trong thành phố” của Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư, “Người ước đoạt Oscar” của Nguyễn Mạnh Cường và “Thành phố đam mê” của Phan Ý Ly. Michael Digregorio cho biết, ban đầu do điều kiện tài chính, ban tổ chức chỉ định lựa chọn 5 kịch bản tốt nhất, nhưng sau đó đã mở rộng thêm hai kịch bản nữa của Hương Giang (Hồn quê) và và Đào Thanh Hưng (Câu chuyện Hạ Long). Tác giả của bảy kịch bản này cùng ê kíp làm phim sẽ tham gia một khóa học của Discovery để phát triển kịch bản, lên kế hoạch sản xuất phim theo tiêu chuẩn của kênh truyền hình nổi tiếng này. Những bộ phim đạt tiêu chuẩn sẽ lần lượt được phát sóng trên kênh Discovery châu Á với thời lượng khoảng 23 phút. Ông Vikram Channa, đại diện Discovery khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, mục đích của dự án là kết hợp cách làm việc của Discovery với những câu chuyện Việt Nam để đưa lên sóng truyền hình, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận cái mới cho các nhà làm phim Việt Nam. Có rất nhiều kịch bản tốt, và ông Vikram Channa cho rằng rất khó để lựa chọn. Còn ông Michael Digregorio, đại diện quỹ Ford cho biết, ban đầu các nhà tổ chức muốn có những kịch bản của nhiều vùng miền ở Việt Nam, trải dài từ TP Hồ Chí Minh tới Hà Nội, nhưng cuối cùng, tất cả những kịch bản được lựa chọn lại đều mang chủ đề Hà Nội và thuộc về các nhà làm phim Hà Nội. Ông nhận xét: “Có lẽ bởi thành phố này có ảnh hưởng thật mạnh mẽ”. Học được những gì từ Discovery? Đối với hầu hết các nhà làm phim Việt Nam, được tiếp xúc với công nghệ làm phim “kiểu Discovery” đem lại cho họ nhiều điều: từ đưa ra ý tưởng, xây dựng câu chuyện chung quanh ý tưởng đó cho đến tổ chức sản xuất phim, quản lý tài chính... Nguyễn Mạnh Cường, gương mặt quen thuộc của các chương trình thể thao và game show ở Đài Truyền hình Hà Nội, là một trong năm tác giả có kịch bản được lựa chọn. Mạnh Cường cho biết, thông qua hai buổi hội thảo, các nhà làm phim của Discovery đã cho thấy nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là coi trọng khán giả. Khi chiếu trên truyền hình, nếu phim không hay, khán giả luôn sẵn sàng chuyển kênh khác, vì vậy điều quan trọng nhất là bộ phim phải đủ hay để giữ chân khán giả. Kịch bản của các tác giả Việt Nam thường có ý tưởng hay, vấn đề là cách tổ chức sản xuất như thế nào để đạt tiêu chuẩn hấp dẫn khán giả mà thôi. Nhà biên kịch Phan Huyền Thư (Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) cho biết: “Khóa học giúp các nhà làm phim Việt Nam hiểu mình và bộ phim của mình rõ hơn. Qua hai buổi hội thảo, chúng tôi hiểu rõ kịch bản của mình hơn so với khi ngồi viết một mình trước đó. Khi trao đổi với ban giám khảo, tự dưng bộ phim hiện ra một cách sáng rõ hơn. Cách hỏi của ban giám khảo đã khơi gợi rất nhiều điều để xây dựng nên một hệ thống cấu trúc cho bộ phim. Thêm vào đó, bản thân mỗi đạo diễn sau khi làm việc và hệ thống lại tất cả những vấn đề được ban giám khảo đưa ra, họ trở nên hiểu rõ hơn về bộ phim của mình”. Nhận xét chung về các nhà làm phim Việt Nam, Michael Digregorio cho rằng, bất lợi lớn nhất của các nhà làm phim Việt Nam là chưa biết cách hình dung bộ phim của mình như một câu chuyện, chưa tạo ra được câu chuyện của chính mình: “Có rất nhiều bộ phim chỉ đơn thuần về khoa học, về động vật, hoặc những thứ tương tự... Nhưng những bộ phim hấp dẫn nhất lại là về con người, là những câu chuyện về con người. Khi bạn muốn nói về cuộc sống con người, bạn phải có những câu chuyện, với những thay đổi chung quanh nhân vật trong đó, từ mở đầu cho tới kết thúc: họ học hành, làm việc, trở thành một ai đó... Và khi làm một bộ phim tài liệu, bạn phải làm phim dựa trên thực tế, chứ không phải diễn xuất. Vậy làm thế nào để tạo ra một câu chuyện dựa trên thế giới thật đó, đó là điều khó nhất”. Michael cũng cho rằng, sau hội thảo, các nhà làm phim Việt Nam đều nhận ra rằng, điều quan trọng nhất của phim tài liệu là xây dựng được một câu chuyện. Khác với trước đó, họ đều nghĩ điều quan trọng nhất là thông tin cung cấp trong bộ phim. Dự án đang khởi động những bước đầu tiên, và không lâu nữa hàng triệu khán giả trên thế giới sẽ được xem những bộ phim tài liệu do các nhà làm phim Việt Nam thực hiện trên kênh truyền hình Discovery. TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=158187&sub=134&top=43