Hoãn đàm phán hòa bình ở Syria

Liên Hiệp Quốc tạm đình chỉ đàm phán hòa bình về việc kết thúc cuộc nội chiến năm năm tại Syria, chỉ vài ngày trước khi sự kiện này bắt đầu, tin từ BBC cho hay.

Hơn 250.000 người đã thiệt mạng trong nội chiến tại Syria. Ảnh AFP

Nhưng đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura nhấn mạnh các thương thuyết không bị hủy bỏ và sẽ được tiếp tục vào ngày 25/2.

Mỗi bên đều đưa ra lý do cáo buộc bên kia khiến vòng đàm phán đình trệ.

Đàm phán bị đình chỉ khi chính phủ Syria nói họ đã có một đợt tấn công gây tổn thất lớn cho phe đối lập bằng cách cắt tuyến đường cung ứng đến thành phố Aleppo do phe nổi dậy đang chiếm giữ.

Đài truyền hình nhà nước Syria tường thuật quân chính phủ đã bẻ gãy vòng vây tại Nubul và Zahraa, hai thị trấn ở phía tây bắc thành phố Aleppo.

Trong cuộc nói chuyện, đặc phái viên de Mistura thú nhận “còn nhiều việc phải làm”.

Ông nói: “Đây không phải kết thúc và cũng không phải sự thất bại của cuộc đàm phán.”

“Cả hai phe đều kiên quyết cho thấy thực tế họ muốn một quy trình chính trị được tiến hành.”

Người đứng đầu phái đoàn chính phủ Syria cáo buộc phe đối lập là nguyên nhân gây tạm hoãn hòa đàm.

Truyền hình nhà nước Syria tường thuật Bashar Jaafari cáo buộc phe đối lập hành động theo sự chỉ đạo của Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ “nhằm đưa đến sự thất bại của cuộc đàm phán”.

Đổ lỗi cho phe chính phủ vì sự thất bại, Ủy ban đàm phán Cấp cao Syria (HNC) của phe đối lập nói họ sẽ không quay trở lại đàm phán cho đến khi tình hình thực tế được cải thiện.

“Cả thế giới đều thấy ai đang làm cuộc đàm phán thất bại. Ai đang ném bom vào cư dân và để mọi người chết đói”, Điều phối viên trưởng của HNC Riad Hijab nói.

Phe đối lập nổi giận khi các đợt tấn công của chính phủ được Nga chống lưng vẫn tiếp tục trong thời gian đàm phán diễn ra, như cuộc tấn công vào Aleppo.

Rõ ràng những cuộc đàm phán này luôn khó khăn, nhưng không ai trông đợi nó sẽ kết thúc chỉ trong hai ngày, khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đứng ở thế chông chênh bên ngoài khách sạn tại Geneva của phe đối lập để công bố thông tin này.

Ông Staffan de Mistura nhấn mạnh đây chỉ là sự đình chỉ tạm thời, không phải sự thất bại của hòa đàm.

Nhưng những thương thuyết chưa thực sự bắt đầu. Chưa có bất cứ cuộc gặp được lên kế hoạch nào với các thương thuyết viên Liên Hiệp Quốc thực sự diễn ra. Thậm chí cả hai phe còn không ở Liên Hiệp Quốc cùng thời điểm, hay ở chung cùng phòng.

Tình trạng thương thuyết của họ là hoàn toàn mâu thuẫn: phe đối lập muốn các cuộc bao vây được gỡ bỏ và thả tù nhân, còn chính phủ Syria lại câu giờ, đòi phải viết chương trình nghị sự ra với đầy đủ tên người tham dự.

Trong khi đó, trên thực tế, cuộc chiến trở nên dữ dội hơn. Quân đội Syria được máy bay ném bom Nga chống lưng, đã tái chiếm vùng của phe nổi dậy nắm giữ. Liên Hiệp Quốc nói vòng đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu lại vào ngày 25/2, nhưng nếu áp lực từ quân đội tiếp tục gia tăng, mọi việc ở Syria có thể xảy ra rất khác biệt.

"Nhấn chìm" đàm phán

Hoa Kỳ nói Nga phải chịu một phần trách nhiệm khi đàm phán bị tạm hoãn, và cho rằng các cuộc không kích của Nga cố tình nhắm vào các nhóm nổi dậy.

“Trong tình hình cực đoan, rất khó để biết các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu dân sự đã gây ảnh hưởng ra sao tới tiến trình hòa bình và việc này cần phải tìm hiểu”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói.

Pháp cáo buộc chính phủ Syria và Nga vì “nhấn chìm” cuộc hòa đàm bằng hoạt động quân sự.

Nhưng trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ không dừng không kích “cho đến khi chúng tôi thực sự đánh bại các tổ chức khủng bố như Mặt trận al-Nusra.”

Hơn 250.000 người đã thiệt mạng trong 5 năm chiến tranh ở Syria.

11 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa vì lực lượng thân tổng thống Bashar al-Assad và các phe đối lập chống ông giao chiến với nhau, cũng như với nhóm Nhà nước Hồi giáo IS.

Hội thảo của nhà tài trợ sẽ được bắt đầu tại London vào thứ Năm, với mục đích kêu gọi hàng tỷ cho các quỹ mới hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến.

Xung đột ở Syria – các câu hỏi cơ bản

Tại sao có chiến tranh ở Syria?

Những cuộc biểu tình chống chính phủ đã phát triển thành nội chiến, kéo dài hơn bốn năm, và rơi vào bế tắc, với phe chính phủ Assad, Nhà nước Hồi giáo IS, hàng loạt các nhóm nổi dậy người Syria, các chiến binh người Kurd đang nắm giữ các vùng lãnh thổ.

Ai đang giao tranh với ai?

Lực lượng chính phủ tập trung tại Damacus, khu vực miền trung và miền Tây Syria là nơi giao tranh của các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo IS và mặt trận al-Nusra. Những nhóm phiến quân “tầm trung” là nhóm mạnh nhất ở khu vực miền Bắc và miền Đông. Các nhóm này cũng đang giao tranh.

Thế giới phản ứng ra sao?

Iran, Nga, và phong trào Hezbollah của Lebanon đang ủng hộ phe chính phủ Assad của cộng đồng Hồi giáo Alawite. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Qata chống lưng các nhóm nhỏ đối lập có đông người Hồi giáo Sunni hơn, cùng với Mỹ, Anh, Pháp.

Phong trào Hezbollah và Iran được cho là có đưa lính và sĩ quan tham chiến tại Syria, trong khi đó các đồng minh phương Tây và Nga sử dụng không kích.

NGUYỄN HOÀNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/hoan-dam-phan-hoa-binh-o-syria-1586554.html