Hoàn cảnh éo le của nữ sinh mồ côi

Sau cú sốc khi bố và em gái mất sau một vụ tai nạn lúc 4 tuổi, mẹ cũng ra đi sau căn bệnh tim hiểm nghèo năm lên 10 tuổi nhưng nữ sinh Trương Thị Tuyền (Yên Mỹ, Hưng Yên) vẫn không rẽ...ngang. Hiện em là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Ngay từ nhỏ, gia đình Tuyền không mấy được yên ấm. Bố mẹ ly thân khi em mới lên hai tuổi. Lúc này, Tuyền cùng với mẹ về sinh sống tại Hưng Yên. Còn bố và em gái ở lại Bắc Ninh. Mẹ đi buôn bán xa nhà, Tuyền sống nương tựa cùng với bà ngoại đã ngoài 60.

Lên 10 tuổi, mẹ em vì bệnh tim, đau ốm hơn một năm rồi cũng qua đời. Lúc này, Tuyền được bác là anh của mẹ nhận về nuôi.

Vì bố mẹ đã lâu không liên lạc nên từ khi sống với mẹ, Tuyền không hay được tin nào về bố. Nhiều lần, Tuyền đã cùng bác về Bắc Ninh để liên lạc với bố nhưng hỏi người dân ở đây không ai hay biết bố Tuyền đang ở đâu. Đến năm Tuyền học lớp 12, bà ngoại vì già yếu cũng qua đời. Lần này, bác là anh của bố Tuyền đã tìm được về địa chỉ của Tuyền và hay rằng bố và em gái mất đã lâu trong một vụ tai nạn giao thông.

Nghĩ về tuổi thơ của mình, Tuyền đã rơi nước mắt: “Có nhiều lúc em đã bi quan nghĩ rằng em còn sống để làm gì khi mà những người thân đều đi rồi trong khi đó em vẫn nghĩ là bố với em của em vẫn đang còn sống....”

Nhưng, nghĩ đến lời của bác “nếu muốn sau này bớt khổ thì phải học” Tuyền lại có thêm động lực. Từ đó, Tuyền hạ quyết tâm sẽ học thật giỏi để không phụ lòng của bác.

Nghị lực theo con đường học

Nhiều lần cảm thấy nản chí vì hoàn cảnh khó khăn khi Tuyền sống cùng với gia đình của bác không phải là khá giả. Bác cũng chỉ là nông dân, thi thoảng có đi buôn bán nhưng cũng phải nuôi tới 3 người con ăn học.

Tuyền kể: “Sau khi mẹ em mất, em lo là bác có nuôi tiếp được em đi học hay không vì gia đình bác cũng không phải là giàu có, lại còn phải lo cho 3 chị em đi học..."

Nhờ sự động viên của bác, Tuyền tiếp tục con đường học tập của mình. Ngoài những giờ lên lớp đi học, Tuyền cùng với các anh, chị con của bác cùng đi làm đồng, tát nước, cấy mạ, gặt lúa, cắt cỏ bờ,…Tuyền nói: “Vì bác cũng thường xuyên đi làm ăn xa, chỉ trừ những mùa gặt, cấy lúa mới về nhà, nên những việc đồng áng còn lại, mấy chị em ở nhà đều phải đảm nhận”.

Dù vừa phải tự lo liệu công việc đồng áng, học hành nhưng nhiều năm liền Tuyền đều đạt học sinh tiên tiến, có năm đạt học sinh giỏi.

Nhờ nỗ lực của bản thân và sự động viên của mọi người mà Tuyền đã đậu vào Khoa Đông phương học của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với 22 điểm khối C.

Ngày cầm tờ giấy báo nhập học, niềm vui của Tuyền vẫn chưa được trọn vẹn khi Tuyền lo rằng mình sẽ không được đi học ĐH. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của nhà trường, Tuyền đã được ở trong kí túc xá và có thêm sự hỗ trợ về kinh phí học tập.

Hằng tháng, Tuyền được nhận khoản tiền chu cấp từ người thân với 1,5 triệu đồng để chi tiêu cho các khoản. Hằng ngày, Tuyền chỉ dám ăn suốt cơm 12.000 đồng – 15.000 đồng, còn lại phải dành chi tiêu cho các khoản khác.

Tuyền cho rằng: “Đối với em thì càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải cố gắng học bấy nhiêu, em cũng muốn học để sau này có thể kiếm được việc làm phù hợp với ngành học của mình. Nếu mà mình nghèo khó mà mình không phấn đấu nữa thì mình chẳng bao giờ thoát được cái nghèo đói”.

Bùi Thủy

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107571/hoan-canh-eo-le-cua-nu-sinh-mo-coi.html