Hoa hậu áo dài và những giấc mơ trẻ nhỏ

Khi được hỏi tác dụng của quyển từ điển song ngữ Việt - Đức bằng tranh đầu tiên dành cho thiếu nhi vừa được NXB Horami phát hành tại Berlin, Đức - Giám đốc Nhà xuất bản đồng thời là tác giả của quyển từ điển, cựu Miss áo dài của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2002 Nguyễn Hồng Hạnh cho biết: "Cuốn từ điển nhằm giúp các em nhỏ yêu tiếng Việt và hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam, góp phần gìn giữ văn hóa Việt trên đất Đức.

Dạy tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài là hướng các em về với cội nguồn dân tộc.

Từ đó các em sẽ là cầu nối giữa hai nền văn hóa, sẽ là những sứ giả tý hon góp phần thúc đẩy hội nhập và trao đổi văn hóa Đức - Việt".

Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm đó, cô gái ấy vừa tròn 20 tuổi. Cả ban giám khảo và khán giả đều chú ý đến cô bởi khuôn mặt thanh tú, dáng người mảnh mai, đặc biệt đôi mắt sáng, thông minh đầy tự tin. Trước đó, trong phần thi ứng xử của các thí sinh vòng chung khảo phía Nam, tới lượt trả lời, mọi người ngạc nhiên vì chất giọng ngọt ngào của con gái xứ Bắc, lại thêm cách phát âm ngồ ngộ của người đã lâu năm xa xứ. Hỏi mới biết cô là Việt kiều, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. 12 tuổi cô sang Đức cùng gia đình, đã tốt nghiệp phổ thông và hiện là sinh viên Khoa Kinh tế Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Chemnitz, Đức. Ngay lập tức cô được bình chọn là Á khôi 1 của vòng chung khảo Người đẹp các tỉnh phía Nam.

Trong vòng thi chung kết của cuộc thi Hoa hậu toàn quốc, cô vào nhóm 10 người đẹp nhất. Trong phần thi áo dài, khác với các bạn thí sinh với trang phục áo dài cách điệu diêm dúa, cầu kỳ, cô mặc chiếc áo dài truyền thống màu xanh nước biển với những hoa văn giản dị. Với trang phục cùng sải chân dài tự tin trên sân khấu, cô đã đoạt ngôi vị Miss áo dài, người mặc áo dài đẹp nhất của vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam. Đó là năm 2002 và cô gái đó có tên là Nguyễn Hồng Hạnh. Cô là thí sinh Việt kiều đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Khi được hỏi, lý do đã khiến cô về nước tham gia cuộc thi? Cô nghiêm túc trả lời: Tại mình là người con đất Việt, tham gia cuộc thi là khẳng định mình thuộc về Việt Nam.

Như bất cứ người đẹp nào sau ánh hào quang của cuộc thi Hoa hậu Hồng Hạnh nhận được nhiều lời mời chào từ các nhà quảng cáo, công ty người mẫu, các đạo diễn sân khấu, điện ảnh... Nguyễn Hồng Hạnh đẹp, thông minh, lại từ nước ngoài về, ít nhất cô cũng thông thạo tiếng Đức và tiếng Anh. Mới 20 tuổi, cô cũng ngất ngây với những lời hứa hẹn về một tương lai sáng lạn mà đôi khi không phải nhọc nhằn đèn sách. Rồi cô cũng thử dấn thân vào con đường ấy, nhưng vinh quang cũng có thật mà cũng xa vời. Cô lặng lẽ quay lại Đức, quay lại trường đại học, tiếp tục mài bút trong một chuyên ngành ngược hẳn với nơi cô vừa rời bỏ: Kiểm toán.

Ngoài việc học, cô tham gia các phong trào của sinh viên với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên quốc tế AIESEC Chemnitz. Làm MC cho các chương trình thiện nguyện của cộng đồng người Việt nơi cô theo học. Cũng từ những hoạt động ngoại khóa đó, cô đã lọt vào "mắt xanh" của một chàng nghiên cứu sinh người Đức. Người mà sau này đã "biến" cô từ một cô gái Hà Nội với cái tên thuần Việt Nguyễn Hồng Hạnh thành một phụ nữ có cái tên mang thêm họ Đức của chồng: Nguyễn - Schwanke Hạnh.

Là chị cả trong gia đình có hai em trai, với vai trò làm chị, với thiên chức làm mẹ, Hồng Hạnh yêu thích và gần gũi trẻ con ngay từ thuở còn là thiếu nữ. Nhưng từ khi làm mẹ Hạnh mới hiểu rằng, yêu thương con vẫn là chưa đủ. Phải hiểu đứa trẻ thực sự cần gì và phải quan tâm như thế nào cho đúng mới giúp trẻ phát triển hoàn thiện. Nhưng muốn biết điều đó thì phải học, phải đọc. Với khả năng tiếng Đức của mình Hạnh lao vào đọc, ban đầu chỉ cho mình và vì con mình. Nhưng nhìn xung quanh, cô thấy nhiều đồng hương không may mắn được như cô.

Trong khi rất nhiều những bạn đồng trang lứa mới sang Đức, vì hoàn cảnh đã phải lao vào mưu sinh. Rồi họ cũng có con, trong khi tiếng Đức không biết, văn hóa Đức không hay. Phải làm gì giúp họ, giúp con họ sớm hòa nhập vào xã hội bản địa mới mong có được tương lai tốt lành? Là người yêu sách, biết công dụng của sách, cô nghĩ ngay đến sách song ngữ Đức - Việt dành cho trẻ con. Sách tạo cho những người mẹ Việt Nam có phương tiện dạy cho con, cũng là cách để tự học thêm tiếng Đức.

Để thuận lợi cho việc ra sách và in sách với số lượng nhỏ lúc ban đầu, cô đã chật vật thuê luật sư lo đủ các thủ tục giấy tờ để mở nhà xuất bản. Có nhà xuất bản rồi lại lo mời gọi cộng tác viên, tìm đối tác, lên dự án, lo kinh phí… cho những ước mơ về sách trở thành hiện thực. Sau một năm miệt mài, ấn phẩm đầu tiên của nhà xuất bản ra đời. Đó là hai cuốn sách song ngữ nhỏ dành cho các cháu từ 2 tuổi với tên gọi "Đố ai đếm được" và "Đố biết con gì?".

Khi hai đứa con tinh thần của cô ra đời cũng là lúc đứa con trai cô dứt ruột đẻ ra tròn 2 tuổi. Nhìn con bụ bẫm, kháu khỉnh lớn lên mỗi ngày cô hiểu cô phải tiếp tục làm sách cho con, cho những đứa trẻ có gốc Việt Nam khác. Những đứa trẻ lớn lên qua giọng đọc sách của bố, mẹ mỗi ngày sẽ phát triển về tư chất và nhân cách. Chúng cũng sẽ sống nhạy cảm hơn và luôn biết cách chuyển tải hiệu quả nhất những gì mà chúng suy nghĩ. Thi hào vĩ đại nhất của dân tộc Đức - Goethe - có nói một câu đại ý rằng: "Có hai thứ cha mẹ cần trang bị cho con là bộ rễ khi con còn bé và đôi cánh khi con khôn lớn".

"Bộ rễ" đó chính là những tri thức căn bản. Chỉ khi có nền tảng tri thức vững chắc, đứa trẻ lớn lên mới có thể bay cao, bay xa tới những ước mơ. Chưa kể những đứa trẻ Việt sinh ra ở Đức, chúng sẽ nói tiếng Đức, tiếp thu văn hóa Đức, mang quốc tịch Đức nhưng về nhân chủng học chúng vẫn là người da vàng, tóc đen. Vẫn là người có nguồn cội từ dân tộc Việt. Nếu như chúng không biết tiếng Việt, xa lạ với văn hóa Việt chúng sẽ bị đứt đoạn với nguồn cội. Đến một lúc chúng sẽ hoang mang như đi giữa đại dương mà không nhìn thấy bến bờ. Dạy tiếng Việt cho trẻ là hướng chúng về với cội nguồn, để chúng biết mình là ai mà tự tin ra với biển cả mênh mông của tri thức, văn hóa nhân loại. Cô tâm niệm thế và kiên trì theo đuổi mục đích đó.

Ngày họp báo ra mắt cuốn từ điển song ngữ Đức - Việt bằng tranh đầu tiên cho thiếu nhi có nhiều đại diện tổ chức, hội đoàn, các thầy cô giáo, những trí thức người Việt, người Đức… Khi nghe cô giới thiệu về cuốn từ điển, khi cầm trên tay cuốn từ điển thơm mùi mực với những hình ảnh đẹp, sinh động, hấp dẫn mô tả về 23 đề tài gồm 400 mục từ cơ bản, giới thiệu về những cảnh sinh hoạt cả ở Việt Nam, cả ở nước Đức, ai cũng ngạc nhiên.

Cô và ê kíp làm việc lặng nhìn nhau nước mắt rưng rưng. Vậy là thành quả thầm lặng của họ trong cả một năm trời đã được cộng đồng đánh giá và ghi nhận. Những cuốn sách của họ sẽ theo đó đến tay những thiên thần nhí mà vì chúng, họ đã miệt mài bên những trang sách, quên đi những tối vui bên bè bạn, quên đi những buổi pic nic cuối tuần cùng gia đình.

Khi tôi gọi cho Hạnh để lấy thêm chút tư liệu cho bài viết này, cô đã không bắt máy. Tối, cô gọi lại giải thích, vì lúc đó cô đang đọc sách cho các cháu thuộc Trường Mẫu giáo Đức - Việt nghe. Nghe cô nói qua điện thoại tôi cũng vui lây vì giọng cô đầy háo hức.

Lạ thật, một cô gái đã từng đứng trên sân khấu một cuộc thi nhan sắc danh giá nhất nước, lẽ ra cuộc đời cô là cả chuỗi ngày rực rỡ trong hào quang, dưới ánh đèn sân khấu. Vậy mà bây giờ cô lặng lẽ đến với các cháu người Việt nhỏ tuổi mà cô yêu thương như con đẻ của mình, đọc sách cho chúng nghe và hằng ngày, hằng đêm khiêm nhường, lặng thầm soạn từng trang sách cho trẻ nhỏ.

Đó là duyên nghiệp hay là tấm lòng của một người đi trước với thế hệ tiếp theo?

Hùng Lý (từ CHLB Đức)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Nguoi-viet/824623/hoa-hau-ao-dai-va-nhung-giac-mo-tre-nho