Hoa hậu Ngọc Khánh: Sau những đau thương

(24h) - Tôi ngồi đối diện Ngọc Khánh trong một góc cafe vắng trên đường Đồng Khởi một chiều tháng 5 Sài Gòn nóng hầm hập. Cái quán cafe ấy, hay đúng hơn là cái nhà hàng Ristorante Venezia của Continental Hotel – ngay đối diện căn hộ của Khánh ở khu Tứ giác Eden.

Hoa hậu Ngọc Khánh Thật là lạ, bao nhiêu năm chơi với Khánh, bao nhiêu lần đi cafe, đi ăn trưa với nhau, chúng tôi chưa bao giờ ngồi cafe ở khu vực đó. Giờ lại thấy giật mình, giật mình vì tôi và Khánh chưa bao giờ chọn Givral để trò chuyện với nhau. Để bây giờ, lại ngồi ở cái góc đối diện nó và nhìn về nó với sự tiếc nuối. Sài Gòn của tôi và Khánh đã không còn cái quán cafe Givral ấy nữa, cái quán cafe đã gắn liền với thành phố phương Nam như một phần máu thịt của nó với những con người cũng đã là da thịt của Sài Gòn từng chọn Givral để làm nơi trú chân mỗi sớm mai... Bên kia góc đường, phía tòa nhà Opera View vẫn sang trọng và vắng vẻ như mỗi trưa hè. Ở nơi ấy, hai cây dầu khẽ thả những cánh hạt xoay xoay trong không gian. Khánh ngước mắt nhìn về bên ấy và thở dài. Rồi Khánh nhẹ nhàng thốt lên: “Tôi tiếc cái khu nhà của Sở giáo dục quá cậu ạ, chỗ công viên Chi Lăng đó”, tôi chợt thấy thoáng buồn trong đôi mắt Khánh khi nhắc lại cái nơi chốn đã chỉ còn là quá vãng. Bây giờ ở đó mọc lên một tòa nhà cao lồng lộng toàn kính là kính khiến cảm xúc của người ta bị bóp nghẹt khi nhìn thấy nó. Khánh và tôi đồng cảm với nhau ở chỗ đó. Chúng tôi tiếc những gì thuộc về Sài Gòn cũ, thuộc về cái thành phố mà 21 năm trước Khánh háo hức tìm đến nó, lúc Khánh mới chỉ là cô bé mươi tuổi đầu. 21 năm, Sài Gòn của Khánh đã biến thiên nhiều, đã thay đổi nhiều, thay đổi đến mức nhiều khi Khánh cũng không còn nhận ra nó nữa. Tôi chợt nghĩ đến ngày đầu tiên gặp Khánh... Khi ấy là năm 2005, chúng tôi cùng làm Duyên dáng Việt Nam 15. Đạo diễn Tất My Loan đã nói với tôi chỉnh sửa giúp Khánh kịch bản MC. Khi ấy, thoáng trong đầu tôi là ý nghĩ “Lại người đẹp à. Chắc chẳng có gì trong đầu đâu”. Nhưng Khánh đã làm tôi bất ngờ bởi những góc nhìn mà Khánh thể hiện trong cái kịch bản MC đấy. Để rồi từ đó, chúng tôi thành những người bạn thân thiết có thể trò chuyện với nhau hàng giờ về đủ thứ trên đời. Tôi nhớ những ngày đầu đông 2007 ở Hà Nội, khi tôi ra công tác và kết hợp thăm gia đình. Ngẫu nhiên, Khánh cũng đi ghi hình cho VTV cùng thời điểm ấy. Khánh và tôi đã cùng lê la ăn sáng lề đường rồi cùng uống cafe bên Hồ Gươm hít hà cái lạnh đầu mùa. Tôi nhớ như in câu chuyện kể của Khánh về những ngày thơ ấu của bạn ở Hà Nội, ở Hồ Tây rồi sau đó ở Quán Thánh. Cô gái Hà Nội ấy đã được chọn Sài Gòn để lớn lên, vì một biến cố mà ít ai hiểu, ít ai biết, để từ đó thực sự là một người Sài Gòn nhưng vẫn luôn giữ một phần kí ức về Hà Nội trong lòng mình. Tôi chợt tưởng tượng, với cá tính của Khánh, chắc nếu lớn lên ở Hà Nội, bạn sẽ có một tuổi thơ hiếu động lắm, hiếu động như bất kì đứa trẻ nào ở trang lứa chúng tôi. Nhưng chắc chắn, Khánh sẽ trưởng thành một cách nền nã, nền nã như một cô gái Hà Nội gốc, có học và tinh hoa. Khánh chưa bao giờ cho tôi cảm giác tôi đang ngồi đối diện với một người đã từng là hoa hậu, là một người bạn thôi, đúng nghĩa là một người bạn thôi, lanh lợi, hiểu biết và sâu sắc. Một đời người, xuân xanh chẳng kéo dài được bao lâu nhưng trong con người Khánh, tôi luôn nhìn thấy cái xuân xanh ấy vẫn còn mãi, kể cả khi tôi thoáng nhìn bạn lấm tấm mồ hôi sau chặng đường đi bộ giữa trưa hè để đến chỗ hẹn ăn trưa một ngày đầu năm 2010 và thoảng thấy lo vì bạn vất vả quá. Hoa hậu chỉ là một danh hiệu của một khoảnh khắc mà thôi. Hậu của cái danh hiệu ấy là đáng quan trọng. Xứng với nó hay không cần cả một quá trình sống chứ không chỉ vài ba hoạt động xã hội này nọ cho báo chí ca ngợi tức thời. Đáng giá hay không của cái danh hiệu nó nằm ở chỗ ấy. Nhất là cái thời đại mà có quá nhiều cuộc thi, có quá nhiều danh hiệu mỗi năm. Tôi trân trọng Khánh ở cái quá trình ấy của bạn, ít ra là trong khoảng thời gian mà tôi biết Khánh. Biết vậy, nhưng chưa bao giờ tôi nói ra cho Khánh nghe bởi nói ra chắc chắn đâm ra thành dở tệ. Tôi cũng đã vài lần tiếp xúc với một vài người có danh hiệu mà đa số họ là những người Sài Gòn chính gốc. Ấy vậy mà chưa bao giờ tôi thấy họ nói điều như Khánh nói với tôi về Sài Gòn rằng “Tớ thấy lạ là một thành phố như Sài Gòn lại không có một nhà bảo tàng nào xứng đáng”. Rồi cả cái việc Khánh tưởng tượng và mô tả cái tưởng tượng ấy với tôi rằng bạn ước gì cái bót nước ở vườn hoa Hàng Đậu Hà Nội sẽ được sử dụng làm galery mỹ thuật cũng khiến tôi kính trọng (đúng nghĩa) suy nghĩ sâu sắc của bạn hơn. Cái chất hoa hậu từ nội tâm của Khánh nằm ở chỗ đó. Nó đến với tôi dung dị, đơn giản đến mức nhiều khi tôi không nhận ra. Để rồi những khi cafe một mình, tôi mới nhớ đến những câu nói ấy và nghĩ về bạn với một sự đồng cảm đến tột cùng. Ngoài kia, phố đã về chiều, Đồng Khởi bắt đầu đông hơn và gió sông Sài Gòn cũng bắt đầu đổ về mát rượi. Khánh nhìn ra quảng trường trước mặt tiền nhà hát thành phố và bâng quơ nhắc đến cái căn hộ của bạn ở Tứ giác Eden. “Tớ tiếc lắm nếu như một mai cả cái tứ giác Eden ấy phải giải tỏa và tớ phải rời nhà đi”, Khánh thở dài và tôi biết rằng Khánh nhớ cái ô cửa sổ nhìn ra trung tâm Sài Gòn đến nhường nào. Cái góc nhìn ấy chính là nơi mà Thomas Fowler trong cuốn Người Mỹ trầm lặng nhìn trong mỗi cữ cafe sáng của mình. Rồi trong cái nét buồn tiếc nuối kia, mắt Khánh ánh lên phút chốc khi nhìn thấy hình ảnh một cô gái rất đẹp bước đi phía trước để người bạn trai cứ vừa đi bộ theo sau vừa chụp hình. “Đẹp nhỉ cậu nhỉ? Tại sao đàn ông bây giờ mỗi ngày mỗi ít lãng mạn đi, bớt đi cái lịch lãm đi như vậy chứ?”, Khánh thốt lên câu nói ấy và khiến tôi hình dung ra điều mà tôi vẫn băn khoăn rất nhiều suốt thời gian qua. Đó là mỗi khi bước chân vào nhà hàng, tôi hiếm khi gặp cảnh người đàn ông nhẹ nhàng kéo ghế cho phụ nữ ngồi. Phải chăng, sức ép của những mưu sinh khoác tấm áo lộng lẫy đã làm họ mất đi thói quen lịch lãm ấy? Tôi nghĩ, chắc chắn là không... Ấy vậy mà tôi cũng hiếm khi làm được cái việc lịch lãm ấy với Khánh. Đơn giản vì Khánh luôn kịp chủ động để làm điều đó trước khi tôi kịp chạm tay vào ghế. Khánh là thế, nhanh nhẹn và mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức ít ai nghĩ Khánh có thể gục ngã trước những biến cố của đời. Tôi thì hiểu Khánh vì khánh đã qua quá nhiều biến cố lớn mà chẳng mấy ai vượt qua nổi. Nhưng tôi đã có lần nhìn thấy Khánh suýt nữa thì bật khóc. Đó là một ngày gần cuối năm 2009, cũng trong một quán café nhỏ và vắng lặng của Sài Gòn, Khánh tâm sự với tôi chuyện cuộc đời của bạn. Đôi mắt ấy đã hơi rơm rớm và hoe hoe đỏ khi nói đến câu “Có những chuyện xảy ra mà tớ không được biết từ trước, không có kịp chuẩn bị tinh thần cho nó, cậu à”. Và từ đó, tôi hiểu, người bạn cứng rắn, mạnh mẽ, năng động và thông minh của tôi vẫn là một người phụ nữ nhuần nhị rất Hà Nội, rất mềm mại mỗi khi những bất thần của cuộc sống va đập thẳng vào chính thân phận mình. Mấy tháng rồi tôi mới gặp lại Khánh, kể từ sau cái ngày tôi và Khánh cùng đứng trên sân khấu làm MC cho cái đám cưới duyên dáng và hóm hỉnh của Đức Trí. Khánh bận rộn cho kì thi Anh ngữ để chuẩn bị cho một chương khác của cuộc sống. Bạn chọn đi học, chọn cảm giác quay trở lại với hình ảnh của cô nữ sinh viên trường Luật khi mới còn đôi mươi. Đó là cách để Khánh sống chính cuộc sống của mình. Bạn không muốn chỉ đơn giản tồn tại như thế, tồn tại như thể chấp nhận tất cả những guồng quay nhàm chán, lặp đi lặp lại của lối mòn trong đời. Sẽ là một chuyến đi, vài năm, đến một nơi mà Khánh sẽ nhận lấy cảm giác cuộc sống của bạn vẫn còn những thứ đáng trân qu ý đủ để bạn buông xả và thanh thản trước những hỗn tạp của thời đại. Giống như Khánh đã nói với tôi “cuộc sống có nhiều giá trị mà mình chưa biết hết, có những góc rất nhỏ mà nếu tinh ý, quan sát nó sẽ thấy thú vị vô cùng”. Và điều đó có nghĩa là sẽ phải lâu lắm tôi mới có dịp ngồi café với bạn, để được nghe bạn nói, để được nhìn thấy bạn cười, nụ cười mà tôi vẫn thường trêu chọc bạn là “Julia Robert Việt Nam”. Ngoài kia, hai cây dầu vẫn đang trút những cánh hạt xoay xoay trong không gian. Chiều Sài Gòn đã muộn rồi. Tôi và Khánh rồi cũng chia tay nhau để quay lại với thực tế của cuộc sống ngoài kia. Cái kế hoạch của Khánh và tôi cùng đám bạn định rủ nhau đi du lịch bụi bặm kiểu roadtrip ở Hy Lạp cũng tạm dừng ở đó. Chỉ là tạm dừng thôi vì chúng tôi chắc chắn sẽ cùng tìm hiểu những góc rất nhỏ của cuộc sống với vô vàn điều thú vị. Còn tôi, khi bạn đi rồi, tôi chỉ mong cho bạn trọn vẹn khát vọng của bạn, khát vọng được mở ra một con đường mới để sống chứ không phải để tồn tại, giống như Sal với những ngã rẽ đầy ngẫu hứng trong cuốn “Trên đường” mà tôi đã tặng bạn nhân dịp Giáng sinh 2009. Và cũng mong bạn sẽ nhớ cuộc sống không thể nào mãi mãi từ khước mặt đất đầy hỗn độn như nhân vật Nam tước lựa chọn cuộc sống trọn đời trên cây mà Italo Calvino đã viết trong I1 Barone Rampante, cuốn tiểu thuyết tôi chưa có dịp gửi cho bạn. Còn khi nào nhớ đến người bạn trân quý ấy, có lẽ, tôi sẽ kiếm tìm một bó hoa ly để cắm vào chiếc bình nhỏ nơi góc phòng khách, chiếc bình mà ngày tân gia căn nhà xinh xinh của tôi, chính bạn đã cắm tặng cho tôi những bông ly thanh thoát mà cũng lộng lẫy đến không ngờ…

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/thoi-trang/hoa-hau-ngoc-khanh-sau-nhung-dau-thuong-c78a311173.html