Hòa giải cơ sở - Kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả

(PL&XH) - Hòa giải từ lâu vốn đã được xem là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Trong bối cảnh đời sống hiện đại, khi những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi phát sinh một cách thường xuyên hơn, công tác hòa giải ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong những “cầu nối” giúp chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giúp hạn chế một phần tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Do đó, để phát huy vai trò tích cực của loại hình này, trong những năm qua, nhất là từ sau khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ra đời, công tác này đã được ngành Tư pháp Thủ đô xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ mô hình thí điểm triển khai thành công tại 5 phường, xã (năm 2002-2003), đến nay, mạng lưới hòa giải cơ sở đã được xây dựng, phát triển và trải đều khắp các cụm dân cư của TP Hà Nội. Không chỉ quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên, nhiều quận, huyện còn chú trọng đến công tác kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, phấn đấu xây dựng các tổ hòa giải đạt tiêu chí “5 tốt” như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Từ Liêm…

Các tổ hòa giải đều được trang bị các loại tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân & Gia đình, các thông tin pháp luật được trình bày dưới hình thức tờ gấp hỏi- đáp, bản tin tư pháp… để tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải viên tra cứu thông tin và áp dụng vào thực tiễn hoạt động. Theo định kỳ, các địa phương đã thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, mở các buổi tọa đàm giúp hòa giải viên giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Nhờ vậy, nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được các hòa giải viên phát hiện sớm và hòa giải thành công ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành các vụ việc lớn. Năm 2012, tỷ lệ hòa giải thành của Hà Nội đạt 84%, trong đó có rất nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ cao, trung bình đạt 87%. Nhiều vụ việc nếu áp dụng “lý” để hòa giải thì sẽ rất khó khăn vì đương sự nhất quyết đòi quyền lợi cho mình, không ai chịu ai. Nhưng khi hòa giải viên viện dẫn đến những truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam, biết khơi dậy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, đem “cái tình” mà đối đãi với nhau thì các xung đột lại được hóa giải một cách nhẹ nhàng, êm thấm.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20121229105614957p1002c1022/hoa-giai-co-so-kenh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-hieu-qua.htm