Hình thành chuỗi cung ứng dược liệu chất lượng

Bài 2: Quy hoạch vùng trồng dược liệu

Các loại dược liệu không đảm bảo chất lượng nhập vào nước ta phần lớn theo đường tiểu ngạch, mặc dù đã có nhiều biện pháp về hành chính nhằm hạn chế việc nhập lậu thuốc nhưng thực trạng này vẫn tồn tại. Vì vậy, để “cấm” các nhà cung ứng thu mua thuốc nhập lậu thì ngay trong nước phải hình thành được vùng trồng dược liệu. Trong thực tế, việc khuyến khích người dân trồng dược liệu và xây dựng các cơ sở chế biến thuốc đạt chất lượng đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ.

*Từng bước thay thế các vị thuốc nhập khẩu

Nước ta có nhiều nơi có đủ điều kiện để nuôi, trồng dược liệu, thực tế, nhiều tỉnh vẫn có hoạt động sản xuất, mua bán dược liệu từ chính nguồn dược liệu của địa phương. Tuy nhiên, để có thể hình thành được vùng nguyên liệu dược liệu dồi dào có khả năng sản xuất cung ứng cho cả nước, cần có chính sách khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến dược liệu theo các tiêu chuẩn chất lượng.

Thuốc đông y trôi nổi được ngành chức năng phát hiện trong một cơ sở y học cổ truyền ở Gò Vấp. (ảnh Internet)

TS.Trần Thị Hồng Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền chia sẻ: Được biết có nhiều loại thuốc được nhập vào nước là dược liệu do chính người Việt Nam trồng. Thuốc được vận hành theo phương thức, các doanh nghiệp đi thu mua thuốc của người dân để xuất khẩu qua các nước chuyên sản xuất thuốc dược liệu. Sau khi vị thuốc đó đã bị chiết xuất đi những gì tinh túy nhất sẽ được đem nhập khẩu lại vào Việt Nam với giá cao hơn nhiều so với việc mua tại nơi trồng. Điều đấy cho thấy, dược liệu của chúng ta có chất lượng không kém của các nơi khác. Vậy không có lý do gì chúng ta lại để thuốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch tràn lan trên thị trường. Vì thế, cần từng bước thay thế các vị thuốc nhập khẩu bằng các loại thuốc nam sẵn có tại các địa phương bằng cách quy hoạch vùng trồng dược liệu, xây dựng các vùng chuyên canh trồng dược liệu quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định. Chẳng hạn, tại các vùng núi có khí hậu á nhiệt đới như Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ trồng các cây thuốc: Bách Bộ, Bình Vôi, Đảng Sâm, Hà Thủ Ô...; vùng Tây Nam Bộ (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang) sẽ phát triển các loại cây: Hoài Sơn, Nhàu, Rau đắng biển, Xuyên tâm liên…

Bác sĩ Lê Thị Dung – Giám đốc Bệnh Viện Y học cổ truyền Bến Tre cho biết: Nếu hình thành vùng trồng dược liệu với quy mô lớn, cần giải quyết “bài toán” tìm nơi tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “cung vượt quá cầu”. Chẳng hạn, tại Bến Tre đã có một trung tâm nuôi trồng dược liệu gồm 20 ha, trong đó trồng được 5 ha Hoài Sơn nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu như: hỗ trợ đầu tư về vốn, cơ sở vật chất, miễn giảm thuế, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng; ban hành những quy định cụ thể về thu mua, sử dụng dược liệu địa phương…

*Đảm bảo khâu chế biến

Bên cạnh các vùng dược liệu ngành y tế cũng cần khuyến khích xây dựng một số nhà máy chế biến dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn để cung cấp các vị thuốc, dược liệu đạt tiêu chuẩn cho các nhà máy chiết xuất, bào chế thuốc và cung ứng cho thị trường. Có như vậy, mới tạo được một quy trình sạch khép kín từ nơi trồng trọt đến nơi sản xuất chế biến.

TS. Trần Thị Hồng Phượng nhận định: Hiện nay, ở một số cơ sở chế biến cây thuốc vẫn còn tình trạng xây dựng quy trình sơ chế, chế biến chưa thống nhất và chưa theo quy định của Bộ Y tế về phương pháp chế biến các vị thuốc đông y. Hầu hết những cơ sở chế biến này nhỏ, manh mún trang thiết bị rất thô sơ, bao gồm một số loại máy như: máy đo độ ẩm, mấy hấp tiệt trùng, máy sắc thuốc… chỉ để sắc thuốc và sản xuất một số dạng thuốc nước, thuốc hoàn mềm… Các phòng chế biến bảo quản lại xen kẽ nhau, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Do vậy, khi hình thành vùng nguyên liệu dược liệu sẽ đồng thời khuyến khích người tham gia trồng dược liệu hoặc các đơn vị chuyên sản xuất thuốc hình thành các nhà máy chế biến đạt các tiêu chuẩn như: đối với khu vực sơ chế/xử lý và chế biến dược liệu cần có khu vực riêng để xử lý, sơ chế dược liệu, bộ phận này phải riêng biệt với các khu vực sản xuất thuốc khác… khu vực sản xuất phải đảm bảo có nhà xưởng gồm các phòng được bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều nhằm mục đích ngăn ngừa các sản phẩm có thể bị trộn lẫn hoặc nhiễm chéo khi thao tác sản xuất có bụi…

Dược sĩ Trần Bình Duyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex cho biết: Công ty đã và đang sản xuất, sơ chế và đóng gói trên 200 mặt hàng thuốc nam đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu sử dụng trong khám và điều trị bằng thuốc đông y tại các cơ sở y tế trong cả nước. Hiện tại, cũng như nhiều đơn vị khác, công ty đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến thuốc dược liệu đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để tiến hành mở rộng quy mô kho bãi tại các nơi nuôi trồng dược liệu, công ty cần hỗ trợ từ phía nhà nước để có đủ điều kiện cơ sở vật chất chế biến chẳng hạn hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu sơ chế, có chính sách bảo hộ một số sản phẩm trong nước sản xuất được…

Lan Phương

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/hinh-thanh-chuoi-cung-ung-duoc-lieu-chat-luong-20121231111944938.htm