Hiện trạng máy bay không người lái của Nga

QĐND Online- Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, có một kỹ sư đã thử nghiệm một máy bay không người lái (UAV), cánh bằng gỗ. Ý tưởng lớn của ông này là cho nó mang theo thuốc nổ, để có thể biến máy bay thành một trái bom theo lối “ khủng bố liều chết”. Nhưng ý tưởng đó chưa thành hiện thực.

Trong suốt các cuộc xung đột của thế kỷ 20, từ Thế chiến thứ hai cho đến chiến tranh Việt Nam, người ta vẫn tiếp tục sản xuất và thử nghiệm UAV. Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, không quân Mỹ đã sử dụng rộng rãi UAV, chủ yếu để trinh sát ở miền Bắc Việt Nam. Các UAV này đã bị bắn hạ nhiều, bằng cả súng cao xạ, tên lửa Ca-75 (SAM-2) và máy bay MiG. Mặc dù phát triển UAV khá sớm, nhưng trong tác chiến hiện đại, UAV chiến thuật của Nga đã không theo kịp một số nước. Theo một số nguồn tin, quân đội Nga hiện nay cần khoảng 100 UAV và ít nhất là 10 hệ thống điều khiển và dẫn đường đảm bảo hiệu quả trinh sát trận địa. Trong cuộc chiến ở Nam Ossetia với Gruzia (tháng 8-2008), người Nga hiểu rằng những chiếc UAV trong nước đã lạc hậu rất nhiều, dẫn đến chỉ huy tác chiến bị hạn chế vì thông tin tình báo thiếu chính xác. Trong khi UAV Hermes 450 của Israel hiện trang bị cho quân đội Gruzia khá hiện đại. Quyết định mua UAV của Israel… Nhìn thẳng vào yếu kém của mình, Nga nhận thấy còn hạn chế công nghệ sản xuất các UAV chiến thuật ở các tiêu thức: trần bay cao, thời gian bay xa, phương tiện định vị, liên lạc và quan sát hiện đại, đồng bộ giữa trên không và mặt đất. Riêng khả năng tác chiến trực tiếp, hiệp đồng rộng các lực lượng, sử dụng trinh sát và la de… thì UAV của Nga còn kém xa… Từ những năm 1970, không quân Israel đã đạt được những thành công hết sức ấn tượng. Nhờ sự tham gia hỗ trợ hiệu quả của các UAV, trong một cuộc xung đột trước đây, hệ thống phòng không của Syrie tại Li-băng gần như hoàn toàn bị loại khỏi vòng chiến với tổn thất của 18 đơn vị pháo cùng 86 máy bay chiến đấu các loại. Nguyên nhân thành công là Israel sử dụng các UAV trang bị camera để dẫn đường cho tên lửa tấn công các mục tiêu. Nhiều nguồn tin cho biết tháng 6-2009, để công nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh, Nga đã quyết định mua 12 UAV của Israel, trị giá 53 triệu USD. Sau đó, các cuộc hội đàm giữa Nga và Israel dự kiến mua thêm 1 lô UAV nữa trị hàng trăm triệu USD . Theo các nhà báo Nga, UAV của Israel mà Nga mua, đó là Bird-Eye 400, có trọng lượng 5kg và tầm hoạt động 10km; UAV I-View MK 150 (160kg và 100km) cũng như UAV Seacher Mk II (426kg và 250km) do công ty Israel Aerospace Industries (IAI) sản xuất. Tháng 9-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov tuyên bố Nga sẽ bắt đầu sản xuất UAV các loại, với sự tham gia của các công ty nước ngoài. Cụ thể, công nghiệp quốc phòng Nga liên doanh với Aerospace Industries của Israel (IAI). Kết quả Nga sẽ nhận được công nghệ sản xuất UAV của Israel, giúp ngành công nghiệp trong nước có một bước tiến xa hơn. Mùa hè năm 2010, khoảng 20 người thuộc lực lượng đổ bộ đường không Nga sẽ tham gia khóa huấn luyện điều khiển các phương tiện bay không người lái mua của Israel. Các lính đổ bộ bằng đường không sẽ trải qua khóa huấn luyện tại Trung tâm thiết bị bay không người lái tại vùng Moscow. Ông Shamanov, một vị tướng thuộc lực lượng đổ bộ đường không cho rằng, việc mua UAV của Israel rất có lợi trong việc nâng cao tính cạnh tranh với UAV nội địa. Rồi … trở lại mua UAV nội địa Theo Lenta, đầu tháng 11 năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành thử nghiệm so sánh hơn 20 phương tiện bay không người lái của Nga và phiên bản làm theo nước ngoài. Nay Nga quyết định lại mua một số lô UAV “nhà làm được” cho quân đội. Sự thay đổi này thật đáng ngạc nhiên, vì cách đây chưa lâu, quân đội Nga bác bỏ khả năng mua UAV trong nước, thậm chí bắt đầu sản xuất UAV chung với Israel. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin từng cho hay, Bộ Quốc phòng Nga đã chi 5 tỷ rúp cho việc phát triển và thử nghiệm UAV nhưng lại không đạt được bất kỳ kết quả nào. Ông Popovkin còn kết luận: “Hiện nay, UAV của chúng ta không thể so sánh được với UAV nước ngoài đã mua, xét theo bất kỳ thông số kỹ thuật nào”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Tư lệnh không quân Nga Alexander Zelin cho biết, UAV của Nga không đáp ứng các yêu cầu của quân đội. Thế nhưng cuối tháng 9-2010, đã diễn ra các cuộc thử nghiệm có sự tham dự của 22 thành viên, đứng đầu là Tư lệnh Lực lượng lục quân, Thượng tướng Alexander Postnikov. Cuộc thử này đã cho bay 56 phi vụ, kết quả kiểm tra không được công bố. Chỉ có thông báo rằng "các nhà sản xuất UAV trong nước đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực cải thiện thiết kế của họ." Ngày 2-11-2010, tình hình đã thay đổi. Một vị tướng tuyên bố, UAV do các công ty Vega và Irkut sản xuất cũng hoạt động rất tốt trong quá trình thao luyện. Sau đó, Nga có kế hoạch xây dựng trung tâm chuyên ứng dụng những UAV này, cũng như thảo ra những yêu cầu đối với UAV mà Bộ Quốc phòng sẽ mua tại chỗ. Theo phát ngôn viên cơ quan Thông tin Báo chí Bộ Quốc phòng Nga, quân đội hài lòng với kết quả thử nghiệm mới nhất, Bộ đã đề nghị mua một số lô UAV cho quân đội. Trong đó có UAV Orlan của "Trung tâm công nghệ đặc biệt" và "Chim én" của công ty Zala va Eniks Eleron. Với UAV “Orlan-3, "White-10", và "White-30", chúng có khả năng duy trì tốc độ lên tới 150-170 km/giờ, mang thiết bị trinh sát có trọng lượng từ 1,8 đến 7 kg. Chuyến bay không người lái, độ cao phụ thuộc vào địa hình dao động từ 4,5m đến 7000m, bán kính hoạt động 100-600 km. Máy ảnh có thể hoạt động được trong không trung từ 3 giờ đến 16 giờ. UAV được thực hiện phóng từ máy bay “mẹ” hoặc từ một máy phóng đặc biệt. Nhà sản xuất Zala với UAV 421-04M "Swallow" (Chim én), có khả năng đưa tốc độ lên tới 120 km/giờ. Theo nhà sản xuất, "Chim én" có thể tăng tốc lên 165 km/giờ. Các thiết bị mang theo các "cánh bay", có thể bay ở độ cao lên tới 3,6 km, phạm vi hoạt động của nó là 25 km. UAV được điều hành bởi một máy phóng và hạ cánh bằng dù. Vào thời điểm tháng 11 này, UAV Global Hawk của Mỹ bay được độ cao tối đa 19.812m, hoạt động liên tục 48 giờ, bay tầm xa 22.000km. Trong 24 giờ nó có thể quét một diện tích bằng 1/4 nước Pháp, “không sót một chi tiết nào!”. Bộ Quốc phòng Nga đã lập luận rằng, những nhà sản xuất Nga chỉ bắt kịp các đối tác nước ngoài vào năm 2013. Ba năm nữa còn quá nhiều thử thách. Dẫu sao vẫn phải chờ đợi! Thực tế sẽ trả lời nhận định này. Trần Danh (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/115/115/115/129155/Default.aspx