Hiện đại hóa nông nghiệp gắn liền xây dựng nông thôn mới

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong công cuộc đổi mới đất nước, sở dĩ nền nông nghiệp Việt Nam phát triển và có những thành tựu to lớn, là bởi các chính sách của Đảng và Nhà nước ta phù hợp với tình hình thực tiễn, nên được người dân cả nước, nhất là nông dân hưởng ứng và lao động sáng tạo.

Nổi bật nhất là các chính sách và sự chỉ đạo về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu để nông nghiệp từng bước hiện đại hóa. Đó là việc rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, các cơ quan khoa học đã tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giống, canh tác, chăm sóc, tăng cường cơ giới hóa khâu sản xuất, thu hoạch, phơi sấy, sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Cùng với các chính sách lớn để ổn định và phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tư cho tam nông trong vòng ba năm qua đã lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần so với ba năm từ 2006 đến 2008. Trong phân bổ đầu tư đã thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ việc xây dựng hệ thống kho tàng, các cơ sở bảo quản, phơi sấy, sơ chế nhằm giảm hao hụt, bảo đảm chất lượng sau thu hoạch. Coi trọng hơn công tác khuyến nông, công tác thú y, bảo vệ thực vật... đã tích cực và thiết thực giúp nông dân áp dụng nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một vấn đề lớn trong các chính sách và đầu tư cho lĩnh vực tam nông là Nhà nước đã ban hành và thực thi các chương trình hỗ trợ các huyện và các xã nghèo, tập trung ở các vùng nông thôn ở miền núi, biển đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, giảm bớt sự đóng góp của nông dân và tạo điều kiện cho người nghèo, vùng nghèo cùng được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chính sách tam nông trong những năm qua vẫn còn một số bất cập và hạn chế. Nổi lên là việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm và chưa thật gắn kết với xây dựng nông thôn mới. Những số liệu điều tra của ngành thống kê cho thấy một nghịch lý: Các vùng đất nông nghiệp rộng lớn thì có tỷ lệ lao động thấp, phân bố lao động lại chưa phát huy được lợi thế về đất đai tạo ra sự dịch chuyển lao động rất lớn từ nông thôn ra thành thị. Ví như vùng trung du và miền núi phía bắc chỉ chiếm 13,8% lực lượng lao động, còn khu vực Tây Nguyên rộng lớn chỉ chiếm 5,8% lao động. Đáng chú ý là sự chuyển dịch lao động trong nông nghiệp ba năm gần đây có những biến động tiêu cực do tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới. Nếu trước năm 2008 lao động nông nghiệp đã giảm từ 54,7% vào năm 2006 xuống 47,7% vào năm 2008 thì năm 2009 tỷ lệ lao động nông nghiệp lên đến 53,9% và năm 2010 là 59,1% do việc cắt giảm mạnh lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Xây dựng nông thôn mới là chương trình quốc gia với những quyết sách lớn và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước. Trong đó nội dung lớn xuyên suốt là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn mới ở thế kỷ 21. Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại gắn liền với xây dựng nông thôn mới, trước tiên cần phải rà soát lại các quy hoạch ngành nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến gắn với quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Trên nền tảng của quy hoạch cần thiết phải điều chỉnh để tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình phát triển nông nghiệp một cách khoa học và xây dựng nông thôn theo những tiêu chí mới. Đi vào hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thì quy hoạch phải làm trước. Do đó, trong công tác quy hoạch nông nghiệp và nông thôn cần thiết phải tính toán một cách toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền và liên vùng để tránh sự lãng phí và những mâu thuẫn của quá trình phát triển.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/hi-n-i-hoa-nong-nghi-p-g-n-li-n-xay-d-ng-nong-thon-m-i-1.306342