Hệ thống đê đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức nước biển dâng

Với hơn 3.200 cây số bờ biển, nước ta là một trong năm quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng nếu hiện tượng nước biển dâng xảy ra, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi sẽ có khoảng 39% diện tích đất bị ngập. Chính vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá nhằm nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê để bảo vệ vựa lúa lớn nhất đất nước.

Từ kịch bản biến đổi khí hậu...

Theo kịch bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước. Theo đó, thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài bốn đến năm tháng, khiến 8,5 triệu người bị mất nhà ở. Không những thế, nhiều dự báo khoa học cho thấy, các hiểm họa thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra ở mức độ nặng nề hơn, nếu không có giải pháp chủ động can thiệp, giảm nhẹ ngay từ bây giờ.

Vùng ngập lũ ĐBSCL hiện nay đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13 nghìn km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa hè thu. Ngoài ra còn có hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy cho các vườn quốc gia và rừng tràm sản xuất tập trung. Vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển.

Tỉnh Long An là địa phương có hai phần ba diện tích của vùng Đồng Tháp Mười, với sản lượng lúa hằng năm đạt khoảng 2,3 triệu tấn. Vấn đề gia cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê sông, đê biển thích ứng với mực nước biển dâng được tỉnh hết sức quan tâm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết: Nhiều năm qua, các công trình thủy lợi, đê sông, đê biển đã được đầu tư thỏa đáng, đáp ứng nhu cầu thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, đẩy mặn phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư tu sửa, xây dựng các kênh 79, Rạch Tràm - Mỹ Bình, kênh 61 để nâng cao năng lực tưới tiêu và mở mang diện tích sản xuất nông nghiệp. Với đặc thù nhiều sông, rạch, diện tích tiếp giáp với biển ít, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Long An là cải tạo, nâng cấp hệ thống đê sông hiện có, nạo vét, cải tạo các kênh nhằm đẩy mặn ra hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Còn tại Sóc Trăng, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ gây ngập 45% diện tích toàn tỉnh, 35% dân số sẽ bị ảnh hưởng. Để bảo đảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp và lợi ích của người dân, Sóc Trăng đang ưu tiên đầu tư vào hệ thông đê biển, đê sông, các công trình phòng chống ngập úng ở các huyện vùng trũng; đầu tư vào công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cũng giống như Sóc Trăng, Bạc Liêu có 56 km chiều dài bờ biển. Những năm qua, tại các khu vực ven biển của tỉnh triều cường dâng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nằm ở vùng Tây Nam Bộ, thành phố Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, trải dài khắp địa bàn. Là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thời gian qua thành phố đã quan tâm đến công tác thủy lợi và đê điều phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Cùng với các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã tăng cường chỉ đạo các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh làm tốt công tác thủy lợi, tu bổ đê điều, chủ động trước thiên tai. Chúng tôi có mặt tại các tuyến đê của huyện Thới Lai và quận Ô Môn, được người dân địa phương cho biết, trước đây, nơi này xuất hiện rất nhiều sình lầy tại các khu vực cửa sông, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Thời gian gần đây, do được đầu tư hiệu quả các tuyến đê điều, các công trình thủy lợi đã phát huy tốt tác dụng, người dân không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, hơn 30 năm qua, tại ĐBSCL, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng. Đến nay, diện tích ảnh hưởng mặn chỉ còn khoảng dưới 500 nghìn ha và diện tích ảnh hưởng chua phèn giảm đến mức thấp nhất, chỉ còn dưới 100 nghìn ha. Quyết định 84/TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục đầu tư thủy lợi giai đoạn 2005-2015 đã tạo tiền đề cho hàng loạt công trình thủy lợi ra đời, trở thành động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội và điều kiện phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, trong vòng nửa thế kỷ qua, nước biển lấn sâu vào ĐBSCL cũng nhanh hơn, với tần suất cao hơn, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với công tác sản xuất nông nghiệp của khu vực.

... Đến biện pháp ứng phó hiệu quả

Trong chuyến đi thị sát các tuyến đê biển vùng ĐBSCL vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn bảo vệ tuyến đê biển. Việc bảo vệ chu đáo cho tuyến đê biển mà trong tương lai không xa, chúng sẽ giữ trọn vẹn vùng ĐBSCL cũng như đồng bằng sông Hồng không bị mất đất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, trong chiến lược phát triển năm tuyến giao thông quan trọng của Việt Nam, gồm tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường tuần tra biên giới, tuyến đường ven biển và tuyến đê biển, thì tuyến đê biển có vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện Việt Nam là một trong các nước chịu tác động mạnh của nước biển dâng.

Theo Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cùng với các công trình thủy lợi được hình thành qua hàng trăm năm, trong hơn 30 năm đầu tư, xây dựng gần đây, với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, huy động từ Trung ương, địa phương và người dân, ĐBSCL đã hình thành một hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng. Hệ thống đê biển, đê cửa sông, vùng ven biển và cửa sông ĐBSCL đã từng bước hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão. Nhiều tuyến đê đã phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn và phòng tránh thiên tai, như các tuyến đê biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, tuy hệ thống đê biển chưa khép kín nhưng từng đoạn tuyến cũng đã phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, điều đáng báo động hiện nay là việc triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do ngân sách hạn chế và một phần do tính chủ động, tích cực chưa cao. Tại một số địa phương vùng ĐBSCL hiện nay mặc dù đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ hệ thống đê điều và kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, song tác dụng của một số công trình chưa cao, phát huy chưa hết công năng, thậm chí gây lãng phí. Nhiều khu vực sản xuất lúa và cây ăn trái của các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang... vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề mỗi khi xảy ra mưa lũ, đời sống của người dân còn bị phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (trong đó có các tỉnh ĐBSCL); kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển và Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2-12-2008 thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Đồng thời, nâng cấp và xây dựng mới khoảng 742 km đê sông theo cao trình thích hợp. Ngoài ra, cần nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng Tứ giác Long Xuyên, Tả sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu, Bán đảo Cà Mau, nhất là các vùng ven biển. Hiện nay, giải pháp kỹ thuật được áp dụng để bảo đảm cấy hai vụ lúa tại ĐBSCL khi nước biển dâng cao 1m còn nhắm tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng "Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng". Trong đó, giải pháp đắp đê lớn bao quanh ĐBSCL cũng được tính đến. Về lý thuyết hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhà khoa học, việc xây dựng hệ thống đê lớn bao quanh ĐBSCL cần tính đến vấn đề đặc thù vùng miền, làm sao vừa bảo đảm chống được biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách bền vững nhưng vẫn đáp ứng được quy luật tự nhiên của ĐBSCL là vùng đất ngập lũ. Mặt trái, lũ lụt tàn phá mùa màng, nhưng mặt phải, tài nguyên, phù sa lại được sinh ra từ lũ để tưới tiêu, bồi đắp cho đồng ruộng. Do đó, xây dựng hệ thống đê điều tại khu vực này cần tính đến những đặc thù đó, mặt khác phải phù hợp các quy định của Ủy ban sông Mê Công và điều kiện tài chính của đất nước và người dân.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không phải là những điều chỉ nằm trong dự đoán tương lai. Nó đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam và vùng ĐBSCL nói riêng. Thực tế chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu phụ thuộc vào hành động của con người. Với các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn và thích ứng với nước biển dâng, bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mọi người dân, hy vọng nền nông nghiệp vùng đất này sẽ phát triển một cách bền vững.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,0 độ C ở Nam Bộ so trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa ở tất cả các vùng đều tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm. Theo tính toán, nếu kịch bản trung bình xảy ra, vào giữa thế kỷ 21 (khoảng năm 2050), mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 75 cm so thời kỳ 1980 - 1999.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/h-th-ng-e-ng-b-ng-song-c-u-long-tr-c-thach-th-c-n-c-bi-n-dang-1.345089