Hãy ứng dụng sau khi đọc sách

Đó là thông điệp “không hẹn mà gặp” của 2 học sinh đoạt giải nhất cuộc thi “Lớn lên cùng sách” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.

Giao tiếp tự tin, suy nghĩ chín chắn là ấn tượng về Đặng Nguyễn Song Ngọc, lớp 9/2 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) với nhiều người. Song Ngọc thực hiện phần mềm trắc nghiệm cùng sách.

Sử dụng ngôn ngữ lập trình C#, Ngọc xây dựng phầm mềm của mình với 6 nội dung tương ứng với 6 thể loại sách gần gũi với học trò như: văn học phê phán VN, tiểu thuyết nước ngoài, truyện viễn tưởng, truyện thiếu nhi, sách giáo dục dành cho tuổi mới lớn, truyện về tuổi học trò. Các câu hỏi của phần mềm hướng tới mục đích kiểm tra kiến thức đã học, mở rộng vốn hiểu biết để từ đó người dùng biết mình thiếu phần nào để kịp thời bổ sung. Ngọc khẳng định: “Phần mềm sẽ giúp học sinh hiểu thêm về tác phẩm, hứng thú khi thể hiện sự hiểu biết, yêu thích việc đọc sách của mình”.

Hiện phần mềm của Ngọc đã được học sinh trong Trường THCS Nguyễn Gia Thiều truyền nhau sử dụng. Ngọc nói: “Học sinh trường khác quan tâm, em sẽ chia sẻ. Em mong muốn phát triển phần mềm không chỉ dưới dạng trắc nghiệm đơn giản mà biến thành trò chơi, tương tác với bạn bè”.

“Đọc sách mà không biết cách áp dụng vào cuộc sống thì lãng phí thời gian và công sức. Đọc cuốn sách hay mà bỏ xó thì thà đừng đọc còn hơn”, đó là khẳng định của Nguyễn Phương Anh, lớp 6TC1, THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), người thiết lập bản đồ tư duy hướng dẫn cách đọc sách.

Phương Anh cho biết, lấy chủ đề trung tâm là một cuốn sách, bản đồ có 6 nhánh tư duy. Theo Phương Anh, mỗi ngày nên dành 30 phút đọc sách. Nếu còn thời gian thì có thể lặp lại chu kỳ đọc. Ngoài ra, không gian đọc sách cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc mình có tập trung đọc sách hay không nên Phương Anh xác định vị trí, địa điểm đọc sách là một nhánh.

Khi đã dành thời gian, lựa chọn nơi để đọc thì rất cần một phương pháp đọc hiệu quả. Tác giả của bản đồ hướng dẫn: “Đầu tiên sử dụng cây bút màu thật bắt mắt để gạch chân những ý tưởng, những từ khóa để ghi nhớ lâu, hệ thống lại kiến thức”.

Việc lựa chọn sách rất quan trọng bởi vì khi mình đọc sách xấu, không mang lại lợi ích gì nên bản đồ có nhánh sách nên đọc. Đối với tuổi học trò, Phương Anh đưa ra gợi ý: “Nên đọc sách về giáo dục giới tính, phát triển bản thân, hạt giống tâm hồn...”.

Bên cạnh đó, Phương Anh nhấn mạnh, hãy thúc đẩy bản thân và đặt ra mục tiêu khi đọc sách. Chẳng hạn người đọc phải đặt ra mục tiêu sau bao nhiêu ngày phải đọc xong cuốn sách, phải tự hứa với mình là áp dụng một vài điều trong sách ra cuộc sống.

Theo lý giải của cô bé học sinh lớp 6 của Trường Nguyễn Hữu Thọ, mỗi từ, mỗi chữ đều có giá trị về ngôn ngữ. Trong khi đó, mỗi cuốn sách có hàng triệu từ ngữ, tức là khi đọc sách, mình thu nhận được hàng triệu giá trị. Vậy sao chúng ta không biến nó thành ứng dụng, thành việc làm thiết thực.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/hay-ung-dung-sau-khi-doc-sach-664597.html