Hành trình tìm cây con khỉ chữa bách bệnh

Có tên khoa học là Pseuderan themum palatiferum (Nees) Radlk còn được dân gian gọi với nhiều tên thân thiện khác là cây hoàn ngọc, cây nhật nguyệt, cây thần tượng linh hay cây con khỉ... là một cây thuốc quý có thể chữa trị nhiều bệnh nan y.

Sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, cây con khỉ được xác định là một thảo dược quý, được nhân rộng và đưa vào sử dụng rộng rãi. Ảnh: H.O

Sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, cây con khỉ được xác định là một thảo dược quý, được nhân rộng và đưa vào sử dụng rộng rãi. Ảnh: H.O

Cây thuốc quý bản địa Việt Nam

Theo Viện Hóa sinh biển (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), cây hoàn ngọc có tên khoa học là Pseuderan themum palatiferum (Nees) Radlk, thuộc họ Ôrô (Acanthaceae) là cây bản địa của Việt Nam. Cây này được GS. TSKH Trần Công Khánh (Đại học Dược Hà Nội) tìm thấy tại vườn quốc gia Cúc Phương vào những năm 90 của thế kỉ 20.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây này được dược sĩ Phạm Khuê sử dụng theo kinh nghiệm dân gian để chữa vết thương với tên cây con khỉ, gọi theo tiếng địa phương là tú lình. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, trong tài liệu viết tay của mình, dược sỹ Phạm Khuê đã giới thiệu cây con khỉ có nhiều tác dụng như: Phục hồi sức khỏe, hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, xơ gan cổ trướng... đặc biệt hiệu nghiệm với vết thương sọ não và có thể dùng khi bị nhiều bệnh một lúc như bệnh đường ruột, cảm cúm, gan, thận.

Thực tế, cây con khỉ được khá nhiều người dân sử dụng hiệu quả trong dân gian và truyền tai nhau. Dựa vào những kinh nghiệm này và quá trình đi cho lá từ thiện, đến năm 1997, trên thị trường đã xuất hiện trà túi từ cây con khỉ.

Và Giải thưởng Công nghiệp thực phẩm toàn cầu

Tiếp tục tìm hiểu cơ sở khoa học để làm nên sự kỳ diệu của cây hoàn ngọc, chúng tôi được biết có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về tác dụng chữa bệnh của cây con khỉ. Đáng chú ý, năm 2010, hai đề tài nghiên cứu khoa học của Thái Lan đã chứng minh cây con khỉ có tác dụng hạ đường huyết và có tác dụng ngăn chặn các biến chứng, làm giảm nhịp tim...

Ảnh: H.O

Đặc biệt, đến năm 2011, Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc Pseuderan themum palatiferum (Nees) Radlk” thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp Hóa Dược Việt Nam được triển khai. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam là chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu thành công khả năng ức chế khối u của các Tritepen chiết xuất từ rễ cây con khỉ đạt 63,85%. Các chỉ tiêu huyết học đã được phục hồi, Tritecpen có khả năng ảnh hưởng và thay đổi hệ miễn dịch theo chiều hướng tốt hơn trên cơ thể động vật bị gây u.

Tiếp tục phát triển thành công từ đề tài cấp Nhà nước này, năm 2012 Đề tài nghiên cứu trên được 2 hội đồng khoa học cấp Nhà nước thẩm định cấp giấy chứng nhận. Sau đó dự án: “Hoàn thiện 2 chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ cây hoàn ngọc” đã vượt qua nhiều hội đồng đánh giá nghiêm ngặt và khắt khe để được Nhà nước cấp vốn không hoàn lại 2,8 tỷ đồng đã cho ra nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao.

Không dừng lại ở đó, việc hiện thực hóa những nghiên cứu khoa học của tập thể các nhà khoa học uy tín trong sản phẩm thực phẩm trà Hoàn Ngọc đã được Liên minh Quốc tế và Khoa học và Công nghệ Thực phẩm (IUFoST) trao Giải thưởng Công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Đây là giải thưởng cao quý và có giá trị toàn cầu. Cũng chính từ lý do này sản phẩm trà từ cây con khỉ - cây bản địa của Việt Nam đã được đăng tải và công bố nghiên cứu khoa học rộng rãi nhiều quốc gia trên thế giới qua bài báo của Tạp chí khoa học danh tiếng bậc nhất Thế giới mang tên Planta Medica của Đức.

Theo quan điểm cá nhân TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, lý do mà quốc tế vinh danh Giải thưởng Công nghệ thực phẩm toàn cầu của Việt Nam là bởi cây con khỉ là cây bản địa của Việt cộng với 2 chất mới có tác dụng chống ung thư. Cũng theo TS, một số thử nghiệm lâm sàng với những người nhiễm HIV mới đây, sau nhiều tháng sử dụng những chất từ cây hoàn ngọc, kết quả ức chế khá tốt sự phát triển của vi rút HIV. Tuy nhiên, để nghiên cứu và đánh giá riêng tác dụng này cần có thời gian...

Hữu Oanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/hanh-trinh-tim-cay-con-khi-chua-bach-benh_t114c9n99514