Hành trình mang âm thanh cuộc sống đến người khiếm thính

"Lần đầu tiên nghe được âm thanh sau gần một tháng phẫu thuật, con sợ hãi ôm chặt lấy mẹ và khóc, khoảnh khắc này như vỡ òa trong tim mình", mẹ bé Sơn Nam xúc động.

Chào đời tại Khánh Hòa vào tháng 6/2010, Sơn Nam bụ bẫm, dễ thương, phát triển nhanh nhẹn bình thường như bao đứa trẻ khác. Hơn 10 tháng tuổi, bé bị viêm phổi, điều trị tại trung tâm y tế của địa phương. Ở đây, bác sĩ đã tiêm Streptomycin cho Nam.

Sau trận ốm đó bé trầm lặng hẳn đi, không có cảm giác với âm thanh. Tìm hiểu thông tin, gia đình phát hiện nếu điều trị viêm phổi bằng thuốc Streptomycin liều cao có thể sẽ dẫn đến điếc. Ngoài ra, khi mang thai Nam 3 tháng, mẹ có bị phát ban nhẹ, lúc đó không biết bệnh gì nên cho là chuyện bình thường. Bố mẹ đưa Sơn Nam vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM kiểm tra, lúc đó bé tròn 1 tuổi. Kết quả đo thính lực, em bị điếc sâu cả hai tai.

"Gia đình rất sốc và đau lòng, không ai muốn tin đó là sự thật. Cầm kết quả trên tay, mình khóc mãi không thôi. Cứ nhìn khuôn mặt ngây thơ, xinh xắn như thiên thần của con mà quặn lòng. Cảm giác rất hoang mang, bước đi vô hướng, không biết cuộc đời con rồi sẽ ra sao?", người mẹ tâm sự.

Suy sụp tinh thần, không ăn, không ngủ, bố mẹ Nam chỉ ước sao có thể gánh hết điều không may mắn đó để con được nghe và nói như bao bé khác. Được sự tư vấn của bác sĩ một công ty chuyên về sản phẩm trợ thính tại TP HCM, Nam được bố mẹ mua cho 2 máy trợ thính.

Vì điếc sâu cả hai tai nên việc đeo máy trợ thính chỉ giúp Sơn Nam nghe được những âm thanh lớn. Mong muốn điều kỳ diệu sẽ xảy ra với Nam, bố mẹ đã "vái tứ phương" để chữa trị như châm cứu tại Hà Nội, cấy chỉ bằng phương pháp cổ truyền, liên hệ đến các thầy lang, thậm chí có người cũng đã khuyên đi cúng lễ, cầu nguyện, bằng phương pháp tâm linh… Nhưng mọi sự cố gắng đó vẫn không mang lại kết quả khả quan mà chỉ thêm đau đớn cho Nam và tốn kém tiền bạc.

Bố mẹ Nam đi đến quyết định phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho con. Họ biết đó là phương pháp duy nhất và phải tiến hành sớm. Vấn đề là số tiền chữa trị quá lớn, và rồi liệu cấy điện cực ốc tai có khả quan không, khi phẫu thuật có rủi ro gì không, vấn đề nghe, nói sau khi cấy sẽ thế nào, kết quả có như ý muốn không hay tiền mất mà tật vẫn mang? Quá nhiều câu hỏi được đặt ra. Cậu bé được phẫu thuật cấy ốc tai vào tháng 7/2012, khi 25 tháng tuổi.

"Lần đầu tiên nghe được âm thanh sau gần 1 tháng phẫu thuật, con sợ hãi ôm chặt lấy mẹ và khóc, khoảnh khắc này như vỡ òa trong tim mình. Từ nay Nam đã được nghe, được tiếp xúc với mọi âm thanh, niềm vui khó có thể nói bằng lời khi thấy con mình đã có hy vọng ở phía trước", mẹ Nam xúc động.

Vấn đề nghe bước đầu đã được giải quyết nhưng làm sao cho Sơn Nam nói được lại khác, phải kiên trì khổ luyện và phải có hiểu biết nhất định. Tìm hiểu nhiều thông tin, tài liệu, bố mẹ thật sự lúng túng để bắt đầu cho con tập nghe và nói. Cho Sơn Nam học ở đâu, lịch trình như thế nào là nan giải, vì trước đó Nam chưa từng được huấn luyện hay tham gia can thiệp sớm, việc nghe và nói với Sơn Nam chỉ như trang giấy trắng. Gia đình tìm đến của các chuyên gia huấn luyện nghe nói, tham gia những khóa đào tạo.

Từ một đứa trẻ sống trong im lặng, sau 3 tháng khổ luyện, với sự kiên trì của Nam cùng gia đình và cô giáo, em đã nghe nói được một số từ đơn. Rồi cậu bé cũng gọi được “mẹ ơi, bố ơi” và nói được nhiều từ khác nữa. Lần đầu tiên nghe con gọi bố mẹ, 2 phụ huynh sung sướng nghẹn ngào. Với những trẻ bình thường thì điều này thật đơn giản, nhưng với những bé khiếm thính như Nam, niềm vui thật kỳ diệu, lớn lao khó tả. Sau 10 tháng, Nam đã gần như một trẻ bình thường, miệng thường xuyên bi bô, nói mọi người có thể hiểu chứ không riêng gì bố mẹ. Mẹ Nam đã có thể đi làm trở lại sau thời gian dài phải nghỉ việc để chăm sóc và dạy con.

Để trẻ khiếm thính có thể lắng nghe được những âm thanh kỳ diệu của cuộc sống là cả một hành trình chông gai. Ảnh: Khánh Ly.

Sinh năm 1982, Hoàng Sa (TP HCM) nghe nói bình thường như bao người khác. 8 năm trước cô gái đột ngột không thể nghe được âm thanh. 7 năm dài Sa sống trong im lặng, không có những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, từ giọng nói, tiếng cười, đến tiếng chim hót, những bản nhạc tình, thậm chí những cuộc tán gẫu qua điện thoại…

"Từ đó tôi sống thụ động, ít giao thiệp, ngại ngùng khi được hỏi chuyện, luôn dày vò, cấu véo đôi tai vô tích sự của mình. Hành hạ cũng chỉ mình đau mà có nghe lại được đâu", Sa tâm sự. Không đầu hàng số phận, Sa tích cực tìm hiểu về căn bệnh của mình, cập nhật những phương pháp điều trị mới. "Phải mạnh mẽ đứng dậy, phải tự cứu lấy mình", Sa tâm niệm.

Sa bắt đầu phẫu thuật cho một bên tai của mình vào tháng 3/2012. Lần đầu đeo máy và thử mapping, cảm giác trong Sa rất hoang mang vì không hiểu được lời nói. Sa như một đứa trẻ tập nghe lần đầu tiên. Ngoài buổi đến lớp học nghe, cô tập nghe ở nhà bằng cách bật tivi. Chương trình thời sự phát thanh viên nói rất nhanh, mới đầu chỉ nghe được lõm bõm vài câu, dần dần Sa có thể hiểu được tất cả. Cô có thể hát to, cười nói vô tư trở lại, không còn nhận những ánh mắt nhìn thương hại mà trái lại là sự nể phục khi chạy được xe, có một công việc tốt.

"Lần đầu nghe và hiểu được ý nghĩa câu nói của người đối diện, cảm giác hạnh phúc khiến tôi không kìm nổi nước mắt... nước mắt của hạnh phúc, như ngày đầu tiên tôi chào đời, mang đến cho tôi niềm tin yêu và hi vọng tràn đầy cho cuộc sống mới. Tôi không còn là một con nhỏ ngơ ngơ ngáo ngáo trước những câu nói của bạn bè, gia đình", Sa trải lòng.

"Số tiền phẫu thuật cấy ốc tai đúng nhiều thật nhưng rất xứng đáng để đánh đổi lấy âm thanh của cuộc sống. Với số tiền đó, bạn có thể mua nhà, nhưng bạn lại không thể nào hiểu được âm thanh thú vị như thế nào đâu", Hoàng Sa xúc động.

Lê Phương

Nguồn VnExpress: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/hanh-trinh-mang-am-thanh-cuoc-song-den-nguoi-khiem-thinh-2838641.html