Hành trình đưa ngư dân Việt bị bắt ở Indonesia về quê

Trao đổi với Zing.vn, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết việc đưa ngư dân bị bắt ở Indonesia về nước là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực hết sức từ các cán bộ ngoại giao.

Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta, Indonesia luôn thực hiện trọng trách đưa ngư dân Việt Nam bị bắt ở Indonesia hồi hương. Tuy nhiên, số lượng ngư dân Việt được đưa về nước năm 2015 tăng khoảng 300% so với trung bình các năm. Từ năm 2014 trở về trước, chỉ có khoảng 225 ngư dân được phía Indonesia trả về mỗi năm. Riêng năm 2015, số ngư dân được hồi hương đã lên tới 700 người.

Vượt khó khăn để ngư dân về quê đón Tết

- Năm 2015, nỗ lực của cá nhân Đại sứ và tập thể Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia đã giúp đưa rất nhiều ngư dân Việt Nam trở về nước. Xin đại sứ chia sẻ về hành trình này?

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia. Ảnh: NVCC

- Cán bộ và nhân viên Đại sứ quán luôn xác định việc đưa ngư dân về nước là một trong những ưu tiên cao nhất của Đại sứ quán. Nó đòi hỏi những nỗ lực to lớn từ phía Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Tuy nhiên, công việc này cũng có những khó khăn rất lớn.

Trong năm 2015, lực lượng thực thi pháp luật Indonesia tăng cường hoạt động truy quét ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Jakarta tuyên bố, họ thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi năm vì tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của nước này. Sự cứng rắn của Indonesia kéo theo số lượng lớn tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có tàu cá Việt Nam.

Indonesia là quốc gia vạn đảo, với diện tích gấp khoảng 6 lần so với Việt Nam. Ngư dân Việt bị bắt ở nhiều nơi, gây khó khăn cho Đại sứ quán trong việc tiếp cận và hỗ trợ pháp lý. Trong khi đó, rất nhiều ngư dân từ các quốc gia khác cũng bị bắt, gây áp lực cho phía Việt Nam trong việc đàm phán để trả tự do cho công dân.

Thông thường, Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia sẽ tìm cách can thiệp sớm nhất sau khi nhận được tin các ngư dân ta vừa bị lực lượng thực thi pháp luật Indonesia bắt giữ. Nếu ngư dân phải ra tòa, chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để họ có mức án thấp nhất. Với những người đang thi hành án, chúng tôi xin phía bạn giảm án hoặc ân xá trong các dịp đặc biệt như Quốc khánh, ngày tết của hai nước.

Tuy nhiên, Indonesia có nhiều cơ quan tham gia lực lượng thực thi pháp luật nên việc vận động của Đại sứ quán Việt Nam cần tiến hành trên diện rộng. Không chỉ tại thủ đô Jakarta mà các địa phương cũng có nhiều cơ quan khác nhau, nên việc việc tiếp xúc, trao đổi để vận động, bảo hộ các ngư dân Việt Nam gặp không ít khó khăn.

- Cảm xúc của Đại sứ khi đưa được ngư dân Việt Nam về quê trước tết cổ truyền?

- Cá nhân tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi đưa được ngư dân về nước với số lượng lớn. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu bảo vệ tốt nhất lợi ích của Việt Nam, trong đó có quyền lợi của các ngư dân, mà tôi đặt ra khi nhận nhiệm vụ trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền ở Indonesia.

Đối với trường hợp của các ngư dân Việt Nam, rõ ràng họ có sai trái khi đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước bạn. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền được bảo hộ theo quy định của luật pháp Indonesia và quốc tế. Chính vì vậy, chúng tôi phải làm hết sức để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân. Việc vận động để phía Indonesia đối xử nhân đạo với các ngư dân, tìm cách giảm án và đưa ngư dân hồi hương sớm là một trong những cách mà chúng tôi làm để bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (thứ 2 từ bên phải) động viên các ngư dân được trả về nước trước Tết Nguyên Đán. Ảnh: ĐSQ Việt Nam

- Còn ngư dân nào chưa kịp về nước dịp tết hay không? Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia có những hoạt động gì để chia sẻ với những ngư dân chưa kịp đoàn tụ với gia đình trong dịp xuân Bính Thân này?

- Trong các nơi giam giữ ở Indonesia, khoảng 100 ngư dân Việt Nam chưa được trả tự do. Ngay trước Tết Nguyên Đán này vẫn có những ngư dân bị bắt thêm. Vài ngày trước, Đại sứ quán đã cử cán bộ tới một số nơi có công dân Việt Nam bị giam giữ để hỏi thăm, tặng quà động viên và bày tỏ sự quan tâm của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao và Nhà nước Việt Nam đối với các ngư dân.

Tuy nhiên, ngư dân bị giam giữ quá rải rác trong khi nguồn lực của Đại sứ quán có hạn nên chúng tôi chưa đi được hết tất cả các nơi giam giữ ngư dân ta. Với những trường hợp này chúng tôi sử dụng các hình thức là gặp các cơ quan trung ương của bạn ở Jakarta, liên lạc qua email và điện thoại thường xuyên tới các địa phương.

Những ngư dân của ta bị giam giữ khi được trả về cho biết họ đã được phía Indonesia đối xử nhân đạo. Trên cương vị một Đại sứ và cũng là một công dân Việt Nam, tôi cảm thấy buồn khi số ngư dân ta bị bắt vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Tôi hy vọng từ năm tới con số ngư dân ta bị bắt sẽ giảm xuống và tiến tới Đại sứ quán không còn phải bảo lãnh cho ngư dân Việt bị Indonesia bắt giữ.

Khó tránh khỏi nỗi nhớ quê hương, gia đình

- Không khí đón Tết Bính Thân ở Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia như thế nào, thưa Đại sứ?

- Nhìn chung, cán bộ Đại sứ quán đón Tết khá vui vẻ bởi những thành tựu đã đạt được trong năm qua như thúc đẩy quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và Indonesia cũng như bảo hộ cho nhiều công dân Việt Nam hồi hương đón Tết. Đại sứ quán cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường hình ảnh của Việt Nam, bảo vệ tốt nhất lợi ích của Việt Nam tại Indonesia.

Tuy nhiên, việc đón Tết xa nhà cũng có các tác động tâm lý nhất định đối với các cán bộ ngoại giao tại Jakarta. Rõ ràng việc xa gia đình, xa quê hương, phải làm việc độc lập ở xứ người gây ra những thách thức không nhỏ với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đặc biệt đối với những cán bộ lần đầu nhận nhiệm vụ xa nhà.

Người Việt Nam ta ở đâu cũng vậy, sống rất tình cảm. Mỗi khi xuân đến, dù không nói ra nhưng khó giấu được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, thèm cảm giác sum họp với gia đình, bạn bè.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng động viên nhau để đảm bảo việc hoàn thành trọng trách chung. Đại sứ quán Việt Nam trong những ngày này cũng cố gắng tổ chức một cái Tết đàng hoàng, đầm ấm và cũng đầy đủ hương vị truyền thống cho toàn thể người Việt Nam đang công tác, sinh sống, làm việc và học tập tại Jakarta.

- Đại sứ muốn gửi lời chúc gì tới người Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là công dân Việt ở Indonesia?

- Tôi xin chúc toàn thể người Việt Nam ở Indonesia nói riêng và đồng bào cả nước một năm mới hạnh phúc, an khang và thịnh vượng. Cầu chúc cho sự phát triển của đất nước, mong Việt Nam hội nhập ngày càng mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tôi cũng cầu chúc cho một thế giới hòa bình, không còn bạo lực.

Trước khi trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nhiều năm đảm trách cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ông có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Boston, Mỹ. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu uy tín ở trong nước, khu vực và thế giới.

Hồng Duy (thực hiện)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-dua-ngu-dan-viet-bi-bat-o-indonesia-ve-que-an-tet-post624720.html