Hạnh "thạch cao"

PN - Địa chỉ 20/D9 tại một con hẻm nhỏ trên đường 3/2, P.12, Q.10, TP.HCM đã thành nơi đào tạo nghề đúc tượng thạch cao cho chị em trong khu phố. Ở đó luôn nhộn nhịp cảnh người đổ tượng, phơi tượng, pha màu...

Thỉnh thoảng, một nhóm sinh viên đạp xe tới thồ tượng đi bán lẻ... Người khởi xướng là chị Nguyễn Hồng Hạnh (42 tuổi), bà con chòm xóm thường gọi một cách thân mật là Hạnh "thạch cao". Chị Hạnh có thâm niên 16 năm làm giáo viên mầm non. Vì lý do sức khỏe, chị nghỉ ở nhà làm nội trợ. Không muốn trở thành người "vô công rồi nghề", chị làm đủ mọi việc cho khuây khỏa. Năm 2001 rộ lên phong trào trẻ em tô tượng, thấy nghề này đang thịnh, chị bàn với chồng thuê mặt bằng ở đường Bà Hạt, Q.10 mở tiệm tô tượng. Cô chủ vui tính, có duyên bán hàng, lại biết cách "chiều" các "thượng đế nhí” nên cửa tiệm rộng 12m2 lúc nào cũng chật cứng khách. Bán tượng được một năm, điều chị Hạnh không hài lòng nhất chính là chất lượng sản phẩm, có những tượng sứt mẻ, méo mó, người bỏ mối cũng ép chị phải lấy. Chị bảo: "Khách tô tượng chủ yếu là trẻ em nên càng cần phải đầu tư, tạo ra những sản phẩm đẹp". Từ đó chị quyết định tự đúc tượng. Nhờ làm tượng, chị Hạnh đã giúp nhiều phụ nữ có việc làm Thất bại cả trăm lần, chị vẫn không đầu hàng, quyết "thua keo này bày keo khác". Được sự hỗ trợ của chồng, chị duy trì tiệm bán tượng, rồi làm "chân chạy" mặt hàng văn phòng phẩm cho các trường mầm non để kiếm thêm thu nhập. Chị nhớ lại: Muốn làm tượng thì trước hết phải tự làm ra khuôn. Nhưng cách làm khuôn thì ai cũng giấu, họ chỉ úp mở rằng khuôn được làm bằng silicon: phủ keo silicon lên tượng mẫu, khi keo khô, lột ngược ra là thành khuôn. Lý thuyết là vậy, nhưng lúc làm thì keo silicon chảy nhão, không ra hình dáng. Chị lại mày mò tìm thông tin qua sách báo, internet, nghe ai nói về cách làm khuôn bằng silicon lại tìm đến nghe, hỏi dò... Dần dần, chị nắm được cách pha chế keo silicon bằng các loại hóa chất, "bắt" keo silicon phải định hình theo ý mình. Hơn nữa, chị còn biết cách làm khuôn lận chứ không phải khuôn mổ như trước đây. Một cái khó nữa là cách trộn bột thạch cao với tỷ lệ phù hợp, tượng đổ xong, lấy ra khỏi khuôn là khô ngay; lúc đổ bột cũng phải có cách, đổ nhanh và đều tay để tượng không bị sần hột... Đồng thời, chị thử nghiệm cách pha chế màu tô tượng có độ bóng và mau khô. Lấy ngắn nuôi dài, sau hai năm, chị đã có hàng ngàn mẫu khuôn tượng đủ loại lớn bé. Không dừng lại ở thị trường TP.HCM, chị còn tiếp thị hàng đến các tỉnh xa. Chất hàng trăm mẫu tượng đầy hai bên chiếc xe cúp 50 cũ kỹ, một mình chị lặn lội tới Tây Ninh, Long An, Tiền Giang... giới thiệu hàng. Làm ăn có uy tín, mẫu mã đa dạng, đẹp, giá lại rẻ nên các đại lý ở Chợ Lớn, Nhà Thiếu nhi TP.HCM và các quận đã tìm đến chị đặt hàng. Năm 2008, chị được Quỹ Tín dụng tiết kiệm của Hội LHPN Q.10 cho vay 10 triệu đồng mua máy cắt giấy đề can làm tranh cát. Chị đã thử nghiệm và thành công trong công đoạn pha màu cát. Những lần đi họp Hội Phụ nữ, thấy nhiều chị em trong khu phố chưa có việc làm, chị Hạnh đề xuất với chi hội trưởng mong muốn được nhận họ vào làm việc. Hiện, có ba chị làm việc tại xưởng và hàng chục chị nhận hàng về nhà làm; thu nhập mỗi người từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng (bao ăn trưa). Học viên nào cũng được chị truyền nghề tận tình. Chị nào muốn ra làm riêng mà không có vốn lại nhờ chị Hạnh, thành phẩm làm ra không có đầu ra cũng nhờ chị... Hằng tháng, chị trích một khoản tiền góp vào quỹ tín dụng tiết kiệm của Hội để làm vốn cho các hội viên khác vay không lãi. "Bởi chính bản thân tôi cũng từng được quỹ này hỗ trợ, cho vay vốn tới bốn lần" - chị cho biết. Mỗi khi Hội phát động quyên góp giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở trường Biệt Nghiệp (Q.3, TP.HCM), hay các trẻ mồ côi, người già neo đơn ở Củ Chi... chị Hạnh luôn hăng hái đi đầu. Trong các buổi họp Hội Phụ nữ, chị thường góp ý kiến làm sao để nhiều chị em nhiệt tình tham gia công tác Hội, làm cách nào để không còn hội viên khó khăn. Thời gian này, chị Hạnh đang mày mò nghiên cứu cách làm túi thơm để trong nhà, để trong tủ quần áo. Nếu thành công, chắc chắn chị sẽ giải quyết được việc làm cho không ít lao động. Chị Hạnh bộc bạch: "Mình tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn, góp một chút quà trẻ em, người già để họ vui sống cũng là một cách làm công tác Hội". Uyên Phương

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/hanh-thach-cao.aspx