Hàng loạt mẹ con sản phụ chết ở bệnh viện

Chỉ tính riêng trong tháng 4/2012 đã có 4 trường hợp mẹ con sản phụ chết đầy bất ngờ trong bệnh viện. Đáng nói là những trường hợp này đều được các bác sỹ nhận định là tình hình sức khỏe bình thường khi nhập viện.

Nạn nhân Trần Thị Hưởng Phú Yên

Tối 29/4, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để làm việc về cái chết của mẹ con sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (30 tuổi, xã Tân Thới Nhì). Trung tâm Pháp y TP cũng đã có mặt khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân gây ra hai cái chết đau lòng này.

Anh Trần Minh Công (28 tuổi, chồng chị Thu) nói trong nước mắt: “Khoảng 13g chiều 29/4 vợ tôi vỡ nước ối. Bác sĩ cho biết tình hình sức khỏe bình thường nên sẽ sinh thường. Đến 14g, vợ tôi được đưa vào phòng sinh để mổ. Đến gần 16g, bác sĩ cho biết vợ và con tôi mất rồi”.

Bác sĩ Trịnh Phú Xuân, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, cho biết trong lúc rặn đẻ lần thứ ba, bỗng nhiên sản phụ Ngô Thị Hồng Thu bị tím tái và tử vong đột ngột. Bệnh viện đã cố cứu em bé nhưng không được.

Trước đó, ngày 20/4 cũng đã xảy ra vụ tử vong đai lòng của mẹ con sản phụ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên.

Theo kể lại của người nhà, sáng 19/4, sản phụ Đào Thị Hạnh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, chờ sinh trong tình trạng sức khỏe bình thường. Các bác sỹ khoa sản thăm khám và nhận định sản phụ và thai nhi khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường.

Người nhà sản phụ Lê Thị Hương- Quảng Ngãi không kìm được đau đớn trước cái chết của hai mẹ con.

Đến 19h cùng ngày, chị Hạnh có hiện tượng chuyển dạ. 20 giờ cùng ngày, chị Hạnh có biểu hiện mệt hơn, đau bụng nhiều, gia đình yêu cầu mổ, nhưng các bác sỹ nói bình thường và chưa thể sinh được. Hơn một giờ ngày 20/4, sản phụ Hạnh được chuyển sang phòng đẻ và đến khoảng ba giờ cùng ngày thì sinh một bé trai nặng hơn 4kg. Không thấy cháu bé khóc và thở, các bác sỹ dùng nhiều biện pháp nhưng không thành công. Cháu bé đã tử vong.

Sản phụ Hạnh mất nhiều máu, được các bác sỹ chuyển lên phòng hồi sức cấp cứu, nhưng không qua khỏi.

Trong cuộc gặp mặt báo chí sáng 22/4, ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên và các chuyên gia y tế cho biết, qua các triệu chứng lâm sàng của sản phụ Hạnh, bước đầu có thể xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong do tắc mạch ối. Các yếu tố diễn biến lâm sàng trụy mạch, hôn mê và rối loạn đông máu diễn ra quá đột ngột và nhanh chóng.

Cũng trong ngày 20/4 này còn hai trường hợp mẹ con sản phụ cùng tử vong tại bệnh viện, một trường hợp xảy ra ở Bắc Ninh và một trường hợp khác xảy ra tại Quảng Ngãi.

Ở Bắc Ninh, nạn nhân là mẹ con thai phụ Loan sinh năm 1978, trú tại Khúc Toại - Khúc Xuyên - TP Bắc Ninh. Bà Nguyễn Thị Se, mẹ đẻ của chị Loan đau đớn kể lại: "Khoảng 8h sáng ngày 20/4, con gái tôi có biểu hiện sắp sinh nên vào bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để khám. Bác sĩ kết luận con gái tôi đang trong giai đoạn chuyển dạ đẻ".

Theo bà, tối cùng ngày, gia đình và sản phụ nhiều lần đề nghị bác sĩ cho mổ sinh lấy ngày đẹp nhưng bị từ chối với lý do thai phụ khỏe, đẻ lúc nào cũng được. Khuya hôm ấy chị Loan vào phòng sinh.

"Đến 0h30 ngày 21/4, con gái tôi đau quá, tím tái người, sùi bọt mép, các y bác sĩ mới cho biết chỉ cứu được mẹ và gọi bác sĩ trưởng khoa sản đến để cấp cứu. Khoảng hơn 1h sáng, gia đình tôi được báo tin cả 2 mẹ con cháu đã tử vong”, bà Se nghẹn ngào nói.

Còn nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là sản phụ Lê Thị Hương ở xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi

Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ Lê Thị Hương (23 tuổi) được người nhà đưa nhập viện vào lúc 23h ngày 18/4 trong tình trạng vỡ ối, có dấu hiệu chuyển dạ. Sản phụ được các y, bác sĩ thăm khám xác định thai 37 tuần tuổi, thiếu tháng nhưng chuyển dạ và lưu lại phòng chờ sinh của Khoa sản.

Người nhà và những giọt nước mắt đau đớn về sự ra đi đột ngột của người thân.

Đến sáng 19/4 chị Hương được tiếp tục thăm khám và không thấy biểu hiện gì về bệnh lý. Đến trưa cùng ngày, sản phụ được phát hiện khó thở. Các bác sĩ khoa sản hội chẩn với khoa nội tim mạch và quyết định chuyển vào phòng mổ đẻ. Sau đó chị được đưa về phòng hồi sức tích cực và đến 8g20 phút sáng 20/4 chị tử vong.

Trước đó, ngày 15/3, sau 4 giờ nhập viện chờ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, sản phụ cùng thai nhi đã tử vong.

Trả lời báo chí, anh Lê Quang Hảo (SN 1977) ngụ thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên), cho biết vợ anh là chị Trần Thị Hưởng (SN 1980) cùng thai nhi trong bụng đã tử vong, sau 4 giờ nhập viện chờ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Anh Hảo cho biết, chiều 14/3, anh đưa vợ đến thăm khám thai tại một nhà hộ sinh tư nhân ở TP Tuy Hòa. Tại đây, bác sĩ kết luận thai vẫn bình thường và đã đến ngày sinh, nếu trong vòng 3 ngày sau mà chưa sinh thì nên nhập viện.

“Sau khi khám thai về, đến khuya thì Hưởng có dấu hiệu băng huyết, thấy vậy gia đình đã đưa chị Hưởng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên lúc 2h30 sáng 15/3. Đến đây, bác sĩ khoa sản đã tiến hành khám và thông báo cổ tử cung vợ tôi đã mở 2cm, sau đó Hưởng được đưa ra phòng hồi sức chờ sinh. Đến 5h30 cùng ngày, Hưởng kêu đau bụng nên được đưa vào khám lần 2. Lần này bác sĩ thông báo, cổ tử cung vợ tôi đã mở 4cm, đang tiến hành chuyền dịch và yêu cầu người nhà đưa quần áo em bé để chuẩn bị sinh. Lúc 6h thì người nhà hay tin Hưởng bị ngất xỉu và hơn 1 giờ sau, bệnh viện thông báo vợ tôi đã tử vong cùng thai nhi”, anh Hảo nói.

Bà Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã từ chối trả lời cho báo giới về nguyên nhân cái chết của sản phụ Trần Thị Hưởng. Tuy nhiên, bà Liên cũng có phủ nhận thông tin thai phụ Trần Thị Hưởng có biểu hiện băng huyết như lời người nhà nói.

--------------------------

Việc quá nhiều sản phụ tử vong ngay tại bệnh viện và tại tử vong tại Bệnh viên đa khoa tỉnh khiến dư luận thực sự bất ngờ. Nếu các sản phụ này gặp tình huống xấu tại các bệnh viện tuyến dưới, nơi mà bác sỹ thiếu, cơ sở hạ tầng thiếu, thiết bị thiếu... thì còn có thể hiểu được. Đằng này... Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Ngọc Vinh, TP Hải Phòng: "Tại sao phần lớn bệnh nhân muốn chuyển tuyến", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời rằng, "... nguyên nhân sâu xa nhất là do điều kiện kinh tế, dân trí tăng cho nên tâm lý của họ muốn lên tuyến trên vì tin rằng ở đó có bác sĩ giỏi, có trang thiết bị tốt và đó là tuyến cao nhất". Nhưng, trong những trường hợp cụ thể nói trên, rõ ràng cần xem xét lại về chất lượng khám chữa bệnh ở chính những bệnh viện tuyến trên này!

Trúc Dân - (Tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/xa-hoi/tin-tuc/23_290079/hang_loat_me_con_san_phu_chet_o_benh_vien.html