Hàng khô tăng giá mạnh cận Tết

Trong khi thịt, rau được dự báo không tăng giá dịp Tết vì nguồn cung dồi dào thì các mặt hàng đồ khô như miến, nấm hương, mộc nhĩ, măng, đậu xanh lại tăng giá tới 30% những ngày giáp Tết. Thịt lợn giữ giá ổn định

Thịt lợn giữ giá ổn định

Trong những ngày đợt rét đậm tại Hà Nội vừa qua, trong khi nhiều mặt hàng như rau, củ, quả... luôn t ăng giá mạnh thì thịt lợn lại là mặt hàng vẫn giữ giá.

Tại một số chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức 85.000 - 95.000 đồng/kg, thịt nạc thăn ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg, xương sườn ở mức 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, dù trời rét đậm chỉ ở mức 7 - 8 độ C những ngày qua, nhưng nhu cầu của người dân vẫn cao do người dân có xu hướng mua tích trữ đồ ăn nhiều. Các mặt hàng rau, củ, quả, hải sản... nhìn chung đều được tiêu thụ mạnh. Chỉ trong buổi sáng, rất nhiều sạp hàng bán hết sản phẩm. Trong số đó, thịt lợn là mặt hàng được nhận định là tiêu thụ nhanh nhất.

Chị Nguyên, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ Gia Lâm, cho biết: "Trong tất cả các mặt hàng thực phẩm thì thịt lợn là mặt hàng ổn định nhất, dù trời rét hay trời mưa thì mức giá vẫn vậy. Trong 3-4 ngày rét đậm vừa qua, trước khi mua, nhiều khách bao gồm cả khách quen, đều hỏi xem giá thịt có tăng như giá rau không. Do mức giá vẫn giữ nguyên nên nhu cầu khách hàng mua thịt lợn vẫn rất cao, thậm chí còn tăng lên vì nhiều người mua về dự trữ". Chị Nguyên cũng dự đoán, trong thời điểm từ nay đến Tết Bính Thân, giá thị lợn sẽ vẫn ổn định và nguồn cung sẽ lớn.

Chị Thoa, một tiểu thương tại chợ Mơ, cũng cho biết, từ nay tới Tết, giá thị lợn sẽ giữ nguyên. Nguồn cung từ các tỉnh thành về sẽ lớn hơn ngày thường từ 30-40% vì nhu cầu người dân sẽ tăng mạnh.

Đồ khô tăng giá mạnh

Tết về, những mặt hàng đồ khô như măng, miến, mọc nhĩ, nấm hương… vốn không thể thiếu với nhiều gia đình. Cũng bởi vậy, thị trường những mặt hàng này cũng đang bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất trong năm.

Theo chị Nguyễn Thùy Vân, chủ cửa hàng đồ khô ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhìn chung giá cả hàng hóa dịp gần Tết Nguyên đán năm nay không biến động nhiều. Những mặt hàng công nghiệp như đường trắng, sữa, nước mắm, dầu ăn không tăng giá.

Nguyên nhân theo chủ hàng là giá xăng giảm mạnh, khiến một số thực phẩm công nghiệp giữ nguyên giá. Song, không tuân theo cơ chế thị trường, giá mặt hàng nguyên liệu khô như miến, mộc nhĩ, mì trắng, đỗ, gạo lại tăng đáng kể trong mấy ngày gần đây.

Năm nào cũng vậy, măng khô luôn là mặt hàng được nhập bán nhiều nhất mỗi dịp Tết. Mặt hàng này cũng khá đa dạng về chủng loại với hàng chục loại măng khác nhau cả về màu sắc, kích cỡ cũng như giá bán. Giá mỗi kg măng khô hiện giao động từ 180-350 nghìn đồng/kg tùy nơi bán và loại măng. Ví như măng củ khô (măng lưỡi lợn) 300-320 nghìn đồng/kg; măng lá Tuyên Quang 180-200 nghìn đồng/kg, măng vầu 220-250 nghìn đồng/kg.

Đồ khô tăng giá mạnh giáp Tết

Nấm hương cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Hiện tại, nhiều gian hàng tại chợ Đồng Xuân cũng đã nhập về lượng lớn nấm hương các loại từ nấm vụn, nấm nhỏ, tới các dòng nấm to, chất lượng tốt, cánh dày… giá 1kg nấm hương dao động từ 300 – 380 nghìn đồng/kg tùy loại. Một số mặt hàng khác như mọc nhĩ 160-200 nghìn đồng/kg; hạt sen khô 220-300 nghìn đồng/kg…

Để tăng lượng khách hàng mùa Tết năm nay khá nhiều sạp đồ khô tại chợ Đồng Xuân đều có những giỏ quà đồ khô Tết với mức giá từ 350-800 nghìn đồng/kg. Mỗi giỏ quà sẽ bao gồm những mặt hàng đồ khô không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết như: miến dong, mọc nhĩ, nấm hương, măng khô, bóng bì…

Theo một số tiểu thương, tới thời điểm cận Tết giá của những mặt hàng đồ khô này có thể nhích thêm từ 10-50 nghìn đồng/kg mỗi loại tùy theo mức bán, độ khan hàng. Tuy vậy, việc hàng khô tăng giá mùa cận Tết thì năm nào cũng diễn ra chỉ là mức độ thì mỗi năm mỗi khác, thậm chí có những thời điểm hàng Tết tăng giá theo từng phiên chợ sáng một giá tới chiều đã nhích lên giá khác.

Bà Lưu Thị Nhan, trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nay bà đi sắm Tết trước nửa tháng để tránh tình trạng tiểu thương đẩy giá hàng. Song, những mặt hàng đặc biệt phục vụ Tết như nguyên liệu gói bánh, nguyên liệu khô chế biến thức ăn đã tăng giá 1,5-2 lần.

Cảnh giác hàng kém chất lượng

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồ khô vào dịp cận Tết đều tăng giá nên hầu hết những chủ hàng tại các chợ thường "găm" hàng cả năm, đợi đến những tháng gần Tết mới "bung" hàng. Điều đáng nói, theo quan sát của phóng viên tại các chợ, hầu hết các mặt hàng khô bày bán phổ biến tại các chợ đều không có hạn sử dụng, rất ít khi được đóng gói riêng lẻ và không nguồn gốc, không nhãn mác, không túi bảo quản; nhà sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn không rõ ràng.

Song theo thói quen, nhiều người tiêu dùng tỏ ra rất dễ tính khi mua các loại sản phẩm này. Chị Trần Huyền Trang (một khách mua hàng tại chợ Đồng Xuân) cho biết: "Vì là hàng khô nên tôi không quan tâm nhiều đến những thông tin về sản phẩm lắm. Với lại thấy ở chợ người ta vẫn bày bán theo từng bao lớn nên tôi thường mua luôn mà không để ý". Cùng với đó là lý giải của những người bán hàng: Đồ khô bị mốc là chuyện bình thường, chỉ cần có nắng đem phơi khô là lại sử dụng được ngay".

Chính vì vậy, theo cách hiểu của nhiều người, hàng khô khá an toàn về vệ sinh bởi chúng đã được phơi khô, sơ chế. Nhưng trên thực tế, mặt hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Không ai có thể dám chắc rằng, các loại thực phẩm này đã đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến hoặc vận chuyển, đặc biệt với điều kiện bảo quản và đóng gói khá sơ sài bằng bao tải hoặc bao nilon. Nhất là vào những ngày độ ẩm lớn, những sản phẩm khô thường "hút ẩm", mà sản phẩm khô đã bị ẩm thì rất nhanh hỏng, không đảm bảo chất lượng, ăn vào dễ sinh bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Mặt khác, vì làm thời vụ nên hầu hết các cơ sở thu mua, bày bán đều"phớt lờ" quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thế, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng nên "tẩy chay" những mặt hàng không nguồn gốc, không nhãn mắc, không hạn sử dụng. Chỉ tin dùng những mặt hàng có ghi rõ địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên hệ rõ ràng tại những cơ sở uy tín.

Dù không phải mặt hàng dễ hỏng nên dùng đợt Tết này chưa hết thì để ra Giêng vẫn được. Thế nhưng, khí hậu nóng ẩm, thất thường ở nước ta sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc, mối mọt ở thực phẩm, nhất là thực phẩm khô. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên chú ý trong khâu bảo quản, để nơi khô ráo, thoáng mát, đồng thời phải vệ sinh sạch sẽ, sơ chế kỹ lưỡng trước khi sử dụng tránh trường hợp sử dụng phải những thực phẩm hư hỏng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Thông tin chi tiết về người tiêu dùng, độc giả có thể tham khảo tại đây

PV

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hang-kho-tang-gia-manh-can-tet-d39600.html