Hàng Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam: Người Việt thích dùng hàng Thái ?

Không chỉ phổ biến ở TP Hồ Chí Minh hay khu vực Nam Bộ, hàng tiêu dùng Thái Lan đang dần trở thành sự lựa chọn của không ít người tiêu dùng Hà Nội hiện nay. Phần đa là những người có thu nhập khá.

Một siêu thị mini hàng tiêu dùng Thái Lan trên phố Tô Hiến Thành

Người Việt trên đất Thái – Cộng đồng lớn

Theo sử sách ghi lại, Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan là một trong những cộng đồng hình thành rất sớm. Nhiều thương gia, thợ thủ công Việt Nam đến Thái Lan từ thế kỷ XV.

Cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, một số quan quân nhà Nguyễn đã chạy sang Thái Lan. Đầu thế kỷ XX, do nghèo đói, khó khăn một bộ phận dân nghèo đã qua Lào, sang Thái Lan.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, do tác động của cuộc kháng chiến chống Pháp, 50.000 Việt kiều đã tản cư từ Lào sang Thái. Sau năm 1975 một số người đã di tản, vượt biên qua Thái đi nước thứ ba nhưng do nhiều nguyên nhân một số đã kẹt lại định cư tại Thái Lan hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan ngày nay.

Hơn 100.000 người Việt Nam sống tại Thái Lan tập trung ở các tỉnh Đông Bắc, đông nhất là Udon Tha Ni, Nọng Khai và Nakhon Phanom... khá thành công với công việc kinh doanh buôn bán.

Người Việt sinh sống ở Đông Bắc Thái Lan vẫn gìn giữ những bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày nay, tại mỗi tỉnh của vùng đông bắc Thái Lan, người ta vẫn còn bắt gặp những công trình tưởng niệm như tháp đồng hồ, tháp chuông, cổng đền, chùa,… do kiều bào Việt Nam xây dựng.

Với hơn 10 vạn người sinh sống ở khắp Thái Lan, người Việt Nam đang là một bộ phận góp phần đáng kể làm cho giao thương ở đây thêm phần nhộn nhịp và sôi động.

Người Việt ở Đông Bắc Thái Lan còn là cầu nối kinh tế với những người họ hàng ở quê hương. Hàng hóa Thái Lan vốn được người Việt ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã bền đẹp, chất lượng không quá cao so với hàng hóa Âu Mỹ.

Chị Thanh – bà chủ chuỗi 4 cửa hàng chuyên bán hàng tiêu dùng Thái Lan ở Hà Nội chia sẻ: “Gia đình anh trai tôi hiện đang sinh sống ở tỉnh Udon, Thái Lan và kinh doanh buôn bán và làm dịch vụ vận tải hàng hóa giữa Việt Nam – Thái Lan.

Ba năm trước, anh tôi gợi ý cho tôi mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Thái. Ở Hà Nội khi đó chỉ có 2, 3 nhà cung cấp mặt hàng này nên rất khó tìm mua. Bản thân mình cũng nhận thấy ưa thích đồ Thái mà anh chị vẫn gửi về.

Vì thế tôi đã mở cửa hàng mỹ phẩm Thái Lan ở 91 Nguyễn Công Trứ chỉ với 6m2 và kinh doanh phát đạt đến bây giờ".

Nở rộ ở Hà Nội: Tâm lý chuộng hàng Thái của người Việt Nam

Những năm gần đây, người tiêu dùng Hà Nội đang dần chuyển sang mua sắm hàng tiêu dùng do Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản sản xuất, dù cho hàng Trung Quốc vẫn đổ bộ khá ồ ạt. Xu hướng này đang tăng dần khi đời sống cao hơn, nhất là với tầng lớp có thu nhập khá.

Không hướng đến số đông người có thu nhập thấp, cạnh tranh bằng giá rẻ như hàng Trung Quốc hay hàng Việt Nam bình dân, hàng tiêu dùng Thái Lan được ưa thích và chú ý ở tầng lớp trung lưu, có nhu cầu sử dụng sản phẩm tốt với mức giá có thể cao hơn. Phần đa hàng Thái nhập vào Việt Nam là hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, bánh kẹo, đồ hộp, quần áo, đồ nhựa và thậm chí cả phụ tùng xe máy.

Chị Thanh - bà chủ chuỗi 4 cửa hàng chuyên bán hàng tiêu dùng Thái Lan (ở 79 Nguyễn Công Trứ, 21 Tô Hiến Thành, 35 Đội Cấn và 38H1 Láng Hạ) chia sẻ, cửa hàng kinh doanh của chị được mở ra cách đây 3 năm, khi đó chỉ có khoảng 2 – 3 đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng Thái Lan. Nhưng hiện tại, ở Hà Nội có đến hơn chục đơn vị cung ứng, tương ứng với mấy chục cửa hàng bán lẻ chuyên doanh hàng Thái Lan.

Chỉ riêng quy mô kinh doanh của bà chủ này, từ cửa hàng 6m2 ra đời giữa năm 2010 bắt đầu kinh doanh từ hóa mỹ phẩm, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, chị Thanh khai trương thêm 3 cửa hàng lớn (diện tích khoảng vài chục đến 100m2 ở các phố lớn), hàng nghìn sản phẩm đa dạng, phong phú từ hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, đồ dùng nhà bếp, giày dép, quần áo, đồ nhựa, đồ bạc trang sức…

Theo nhận xét của những người kinh doanh, người Việt Nam chuộng hàng Thái dù giá thành cao hơn chút ít so với hàng trong nước nhưng mẫu mã đẹp, chất lượng cao.

Đồ Thái Lan luôn được người tiêu dùng đánh giá nhỉnh hơn hàng trong nước sản xuất dù cùng thuộc một nhãn hiệu kinh doanh (sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia). Khoảng vài ba năm gần đây, hàng Thái Lan tiêu thụ mạnh hơn do người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng và tin cậy về chất lượng, nhất là hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng.

Chị Minh - Hai Bà Trưng chia sẻ: “Gia đình chị đã dùng hàng Thái Lan hơn 4 năm nay. Trước là nhờ bà con ở Thái Lan gửi về, sau có qua một số cửa hàng ở Hà Nội mua. Từ kem đánh răng, sữa tắm sữa dê, dầu gội, sữa rửa mặt Gạo, kem dưỡng da chất lượng đều rất tốt. Nước rửa chén, nước xả hay nước lau sàn thì không bị nhờn dính như các sản phẩm thông thường trong nước, dùng ít mà không hao, lại khô và sạch ngay từ lần đầu xả nước”.

Với hàng may mặc, quần áo do Thái Lan sản xuất được nhiều người ưa chuộng dù giá thành đắt hơn sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất 10 – 20%. Theo chị Huyền - phố Huế nhận định, “Hàng Trung Quốc bắt mắt hơn về mẫu mã, giá rẻ hơn, nhưng quần áo của Thái Lan mặc lên thấy sang hơn, chất lượng vải tốt hơn, thấm hút mồ hôi và bền màu. Nhất là quần áo cho con em mình, các bậc phụ huynh thường e ngại đồ may mặc xuất xứ Trung Quốc”.

Không chỉ nhập hàng may mặc mà các sản phẩm phụ kiện, trang sức bạc cao cấp cũng được nhập về từ Thái Lan nhiều hơn. Bạc Thái vốn được chị em ưa thích vì chất lượng đẹp, tỷ lệ bạc cao nên bạc bền và sáng.

Đồ nhựa và đồ dùng nhà bếp của Thái Lan nhiều năm được đánh giá là bền và chắc chắn.

Một số thực phẩm đóng hộp, nước ép hoa quả hay đồ ăn gia vị đặc trưng của Thái Lan cũng có thể được tìm thấy ở Hà Nội tại các cửa hàng, siêu thị mini chuyên doanh sản phẩm của Thái.

Người kinh doanh hàng tiêu dùng Thái Lan ở Hà Nội doanh số chủ yếu đến từ hóa mỹ phẩm (60-70%), còn lại là thực phẩm, quần áo, trang sức vẫn khiêm tốn.

Hàng tiêu dùng Thái Lan về Việt Nam - chủ yếu bằng đường tiểu ngạch

Các công ty Thái Lan đang hướng đến Việt Nam như một thị trường cực kỳ tiềm năng. Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan được tổ chức thường niên vào tháng 4 ở Triển lãm Giảng Võ đã tạo được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan.

Hàng tiêu dùng Thái Lan được tiểu thương như chị Thanh nhập vào Việt Nam qua nhiều con đường, chủ yếu là đường tiểu ngạch.

Nguồn hàng thường được đặt ở nước bạn (có thể thông qua người bà con ở Thái Lan), sau đó được vận chuyển bởi một công ty vận tải, theo đường bộ qua Lào, rồi qua cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị vào Việt Nam. Chi phí vận chuyển hàng hóa thường chiếm khoảng 5 – 10% giá mua ở nguồn tại Thái Lan.

Với sản phẩm như nước xả, nước giặt, chất tẩy rửa, thực phẩm… do hàng hóa nặng nên thường thông qua các Công ty chuyên nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên theo nhận xét của người kinh doanh bán lẻ, sản phẩm do các công ty này đặt hàng nhập khẩu và phân phối có giá bán thậm chí còn thấp hơn giá mua sản phẩm cùng loại tại Băng Cốc, nên chất lượng thường giảm sút so với hàng mua chính gốc ở Thái Lan.

Ngoài ra nhiều mặt hàng nhẹ khác như nước hoa, mỹ phẩm trang điểm, trang sức… được đưa về Việt Nam bằng cách xách tay theo đường hàng không ký gửi thông qua các tiếp viên hàng không.

"Hàng Thái "xịn" bán rất chạy và ngày càng được nhiều người quan tâm, thậm chí thời điểm năm ngoái còn khan hàng do ảnh hưởng của lũ lụt". Theo chia sẻ của chị Thanh, loại bỏ các chi phí, lợi nhuận mang lại tùy theo mặt hàng dao động từ 20% - 30%, cá biệt có những mặt hàng lên đến 50%.

Kỳ Anh

Theo TTVN

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/20120630092719431ca47/hang-thai-lan-do-bo-vao-viet-nam-nguoi-viet-thich-dung-hang-thai-.chn